VTV với SEA Games: 20 năm - Những chặng đường không mỏi

-Thứ bảy, ngày 06/06/2015 02:13 GMT+7

SEA Games tiếp cận sâu rộng tới đời sống khán giả Việt Nam là nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của truyền thông. Và VTV luôn tự hào là đơn vị đi đầu trong công tác ấy...



 



SEA Games là nội dung đã gắn bó suốt hơn 2 thập kỷ phát triển của Đài THVN.

Qua mấy chục năm hình thành và phát triển, ngày nay, SEA Games không chỉ là ngày hội lớn đối với những VĐV thể thao nói riêng mà còn trở thành sự kiện xã hội rất được người dân khu vực Đông Nam Á đón chờ. Với riêng Việt Nam, SEA Games chỉ thực sự nhận được sự chú ý của khán giả cả nước trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. Từng đấy thời gian là cả một nỗ lực không biết mệt mỏi của công tác truyền thông nước nhà. Và VTV, luôn tự hào là đơn vị đi đầu trong nhiệm vụ ấy…

Lần đầu “mang chuông đi đánh xứ người”

Tin tức về SEA Games đã xuất hiện trên sóng VTV từ những năm 1990. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa, việc khán giả có thể tiếp cận được với thông tin về sự kiện hàng đầu của thể thao khu vực cũng còn hạn chế. Ở chiều ngược lại, những người thực hiện chương trình của Đài THVN cũng gặp rất nhiều những khó khăn khách quan khi tác nghiệp ở đất khách quê người.

SEA Games 19 - Indonesia 1997 là một trong những kỳ SEA Games đầu tiên, VTV cử ê-kip sản xuất chương trình thể thao sang nước ngoài tác nghiệp. Khi sang tới Indonesia, khó khăn lớn nhất Đoàn gặp phải đó chính là các môn thi đấu đều không được truyền hình chủ nhà tường thuật nhiều, phóng viên chỉ thực hiện làm tin truyền về Đài để phát sóng trong các bản tin thời sự. Chưa kể đến việc đi lại tại Indonesia thời điểm đó cũng vô cùng khó khăn.

Khi ấy, thông tin về thể thao chưa có nhiều khung sóng như hiện nay. Tin tức về SEA Games chỉ được báo về để đưa tin trong Thời sự. Phóng viên tác nghiệp cũng chỉ thực hiện sản xuất tin bài và chuyển về nhà qua đường chuyển phát nhanh. Nhanh nhất có thể cũng phải qua một ngày, những cuốn băng ghi hình mới về được đến Đài THVN để phát sóng. Bên cạnh đó, chỉ những VĐV có HCV, nước chủ nhà mới đưa tin. Nhìn chung, việc thu được hình ảnh VĐV đăng quang vào thời điểm đó là rất khó khăn.


 


SEA Games 23 - Philippines 2005 là lần đầu tiên VTV có phòng booth tác nghiệp tại IBC.

Đầu những năm 2000 cũng là thời điểm thể thao Việt Nam có sự phát triển bùng nổ. Liên tiếp các kỳ SEA Games 1999, 2001 hay 2003, Đoàn thể thao Việt Nam có những sự cải thiện đáng kể trên bảng tổng sắp huy chương. Song hành cùng sự lớn mạnh của thể thao Việt Nam cũng là sự phát triển của truyền hình thể thao VTV. Tìm tòi, khám phá, nghiên cứu, cóp nhặt… những biên tập viên thể thao của VTV luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, góp phần gửi tới khán giả cả nước những thông tin cập nhật nhất, nóng hổi nhất về các kỳ Đại hội.

SEA Games 23 - Philippines 2005 có thể coi là dấu mốc quan trọng đối với truyền hình Việt Nam nói chung, với thể thao VTV nói riêng.  Từ đòn bẩy là thành công về mặt truyền thông cho SEA Games 22 – Việt Nam 2003, VTV tự tin “mang chuông đi đánh xứ người”.

SEA Games 23 – Philippines 2005 là lần đầu tiên VTV có phòng boot và thuê đường truyền vệ tinh truyền dẫn tín hiệu trực tiếp từ IBC (Trung tâm truyền hình quốc tế được đặt tại quốc gia đăng cai tổ chức SEA Games – PV) về trường quay của Đài THVN. Bên cạnh đó, ngoài các tin tức về đoàn thể thao Việt Nam, VTV bắt đầu phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Song hành với mảng tin tức là những phóng sự đồng hành, những câu chuyện bên lề hấp dẫn…

SEA Games 27 – Myanmar 2013: Những thay đổi đột phá

Trong năm 2013, đội ngũ những người làm thể thao của Đài THVN đã có sự thay đổi lớn khi Trung tâm Sản xuất các Chương trình Thể thao (nay là Ban Sản xuất các chương trình thể thao - PV) được TGĐ Trần Bình Minh ký quyết định thành lập. Đây là tập thể của những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có cùng niềm đam mê đặc biệt với thể thao.

 


SEA Games 27 - Myanmar 2013 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ truyền hình của VTV.

Việc chuyên biệt hoá cả một đội ngũ từ quay phim, kỹ thuật cho tới biên tập, đạo diễn khiến sự gắn kết, hiểu nhau giữa các thành viên trong một ê-kip sản xuất được tăng lên rất nhiều. Từ đó, chất lượng chuyên môn của những sản phẩm truyền hình ở mảng thể thao của VTV được nâng cao hơn. Ngoài ra, bên cạnh sự chuyên nghiệp hóa về khâu sản xuất nội dung, năm 2013 cũng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của VTV về công nghệ truyền hình. Đó là thời điểm VTV chuyển dịch từ phát sóng hình ảnh chuẩn SD sang HD.

 

Bên cạnh đó, lực lượng sản xuất các chương trình thể thao của VTV cũng được tập trung theo hướng chuyên môn hóa.

Cứ qua mỗi kỳ SEA Games, VTV lại đổi mới, phát triển, bắt kịp xu thế để làm sao có thể gửi tới khán giả truyền hình những sản phẩm tốt nhất, những thông tin nóng hổi nhất về ngày hội lớn của thể thao khu vực. Tuy nhiên, có thể nói, SEA Games 2013 là một trong những kỳ Đại hội đánh dấu sự thay đổi cực kỳ mạnh mẽ của VTV. Ngoài lực lượng hùng hậu sang tác nghiệp tại Myanmar, VTV còn dành rất nhiều khung giờ phát sóng trong ngày phục vụ cho mảng tin tức SEA Games. Bên cạnh việc tường thuật, VTV cũng tổ chức mời khách mời tới trường quay bình luận, áp dụng công nghệ Libero cung cấp thông tin chi tiết cho khán giả. Song song với đó là việc “nối cầu” trực tiếp với phóng viên hiện trường nơi các môn thi đấu diễn ra nhờ công nghệ streambox...

SEA Games 28: Hứa hẹn những món ăn tinh thần “ngon miệng, ngon mắt” trên sóng VTV

 

Không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức thể hiện, VTV hứa hẹn sẽ tiếp tục mang tới cho khán giả truyền hình cả nước trong dịp SEA Games 28.

Nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Sản xuất các chương trình thể thao, Đài THVN, Trưởng đoàn công tác SEA Games 28 của VTV chia sẻ, trong bối cảnh truyền hình có tính cạnh tranh mạnh như hiện nay, việc đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời thôi là chưa đủ. Để thu hút người xem, điều quan trọng còn là cách thức thể hiện để làm sao cho sản phẩm mang thương hiệu VTV phải thực sự hấp dẫn.

“Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh luôn tâm niệm phải phát triển truyền hình theo hướng chuyên nghiệp hóa để những nội dung sản xuất ra ngày càng chất lượng hơn, xứng đáng với tầm vóc đài truyền hình quốc gia.  Hơn nữa, lãnh đạo Đài luôn đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền mảng tin tức thể thao. Bởi lẽ, thể thao có tính đại chúng và riêng tại Việt Nam, khán giả tỏ ra vô cùng hứng thú với việc theo dõi các chương trình thể thao. Và lắng nghe để phục vụ tốt hơn tới khán giả truyền hình từ lâu nay luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đài THVN”, nhà báo Phan Ngọc Tiến chia sẻ.

Luôn bám sát hành trình “tìm vàng” của TTVN, không bao giờ thiếu sự hiện diện tại các “điểm nóng” – những bộ môn thi đấu mà Đoàn TTVN có cơ hội giành huy chương cũng như tiếp cận sâu rộng về cuộc sống, con người, đất nước Singapore… đoàn công tác VTV đang thể hiện nỗ lực rất lớn trong việc gửi tới khán giả hâm mộ một bức tranh toàn cảnh về ngày hội thể thao lớn của khu vực theo cách chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay.


Ở SEA Games 28, VTV đã và đang thực hiện sản xuất các chương trình như Nhật ký SEA Games, Toàn cảnh SEA Games, Sân cỏ SEA Games, Khoảnh khắc SEA Games cũng như các bản tin về SEA Games được phát sóng liên tục khắp các khung giờ, trong các chương trình Nhịp đập 360 độ Thể Thao, 360 độ Thể Thao, Thể thao 24/7…

Bên cạnh đó, tại Singapore, VTV cũng sẽ triển khai một hệ thống streambox hoàn toàn mới, cho phép sử dụng 3-4 camera kết nối với nhau, dựng thành một trường quay ảo ngay tại hiện trường. Công nghệ này cho phép BTV của VTV có thể “mang” trường quay tới mọi nơi, tuy nhiên, vẫn bảo đảm được đầy đủ tính thời sự nóng hổi của sự kiện.
 


Minh Nguyễn
(Thethao.vtv.vn)

TIN MỚI