2014 là năm nhiều dấn ấn thăng trầm với thể thao Việt Nam.
Cơn sốt mang tên U19 Việt Nam
U19 Việt Nam ghi dấu ấn trong lòng khán giả nhờ lối chơi cống hiến, đẹp mắt và tinh thần thể thao mã thượng.
U19 Việt Nam có nòng cốt là các cầu thủ khóa đầu của Học viện bóng đá HAGL JMG. Ngay khi xuất hiện, các học trò của HLV Guillaume Graechen thu hút được sự chú ý lớn của người hâm mộ nhờ lối chơi khoa học, bài bản với triết lý bóng đá tấn công đẹp mắt và tinh thần thể thao mã thượng. Bóng đá Việt Nam từ chỗ bị người hâm mộ quay lưng, ghẻ lạnh nhờ làn gió mới mang tên U19 Việt Nam bỗng trở thành “con cưng”, được yêu thương hết mực. Ở một số giải đấu có U19 Việt Nam tham dự, tại thị trường chợ đen, để sở hữu một tấm vé vào sân là không hề rẻ - tuy nhiên, khán đài chưa bao giờ vắng bóng khán giả. Điều đó phần nào phản ánh được sức nóng của U19 Việt Nam.
Năm 2014 đã ghi dấu sự thành công nhất định của U19 Việt Nam khi ĐT giành ngôi Á quân ở các giải đấu tầm cỡ khu vực như Cup nhà vua Brunei hay giải U19 Đông Nam Á mở rộng. Tại VCK U19 châu Á, U19 Việt Nam rơi vào bảng tử thần với sự góp mặt của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy không thể giành vé đi tiếp nhưng những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều... đã thi đấu rất nỗ lực để tạo nên hình ảnh đẹp về U19 Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Sau thất bại tại VCK U19 châu Á, U19 Việt Nam lên ngôi vô địch giải U21 Quốc tế được tổ chức tại Cần Thơ. Đây cũng là giải đấu cuối cùng người hâm mộ được chứng kiến Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Trần Hữu Đông Triều… khoác áo U19 Việt Nam.
Bóng đá nữ gục ngã trước ngưỡng cửa World Cup
Bóng đá nữ Việt Nam thất bại cay đắng trước ngưỡng cửa dự World Cup.
Tại châu Á, 5 cường quốc bóng đá nữ hàng đầu châu lục và gần như luôn chiếm trọn 5 suất dự VCK World Cup gồm có: Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Australia. Tuy nhiên, việc CHDCND Triều Tiên bị cấm tham dự World Cup 2015 do bị phát hiện sử dụng doping trước đó, đã mở ra cơ hội lịch sử để tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới cho một trong các đội bóng top dưới như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar…
Việt Nam sau đó đã tiến rất gần tới giấc mơ World Cup khi hạ Jordan và giành vé chơi trận play-off tranh suất cuối cùng của châu Á. Tuy nhiên, ở vào thời điểm quyết định, bản lĩnh của một đội bóng hàng đầu khu vực Đông Nam Á như Việt Nam lại không thể hiện được nhiều.
Trong trận đấu với kỳ phùng địch thủ Thái Lan ngay tại sân Thống Nhất, các cô gái của Việt Nam đã thúc thủ 1-2, qua đó, vuột mất tấm vé dự World Cup vào tay đối thủ này. Thất bại cay đắng ngay trước ngưỡng cửa World Cup cũng đặt dấu chấm hết cho hơn 7 năm gắn bó của HLV người Trung Quốc – Trần Vân Phát, mở ra một thời kỳ chuyển giao thế hệ của bóng đá nữ Việt Nam.
V.League và vết nhơ bán độ
Đầu tháng 4/2014, vụ tiêu cực tại CLB Ninh Bình bị phanh phui sau nhiều trận đấu có dấu hiệu bán độ. Sau khi cơ quan điều tra chính thức vào cuộc, có tổng cộng 9 người thuộc biên chế đội bóng cố đô phải ra hầu tòa. Trong số đó, tiền vệ Trần Mạnh Dũng được xác định là chủ mưu, nhận mức án 30 tháng tù giam. Sau vụ việc gây chấn động thể thao Việt Nam, Ninh Bình xin rút khỏi V.League trước khi chính thức tuyên bố giải thể vào tháng 1/2015.
Những tưởng vụ bê bối vừa được giải quyết sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh với các cầu thủ tham gia thi đấu tại giải đấu cao cấp nhất Việt Nam, song, chỉ 3 tháng sau, 6 cầu thủ Đồng Nai lại bị cơ quan điều tra xác định đã “nhúng chàm”. Nhóm cầu thủ này được cho là đã làm độ trận thua Quảng Ninh với giá 400 triệu đồng.
Tất cả các cầu thủ có dính dáng đến 2 vụ bán độ nói trên, ngoài các án phạt liên quan tới pháp lý đều bị VFF và LĐBĐ châu Á (AFC) treo giò dài hạn. 2 vụ bê bối liên tiếp cách nhau chỉ vài tháng khiến cho hình ảnh bóng đá Việt Nam trở nên xấu hơn trong mắt người hâm mộ và bạn bè quốc tế.
ASIAD 17: Không đạt chỉ tiêu, đoàn Việt Nam vẫn thắng lớn
Bước vào Á vận hội lần thứ 17 – ASIAD Incheon 2014, đoàn TTVN đặt chỉ tiêu 2 HCV, tuy nhiên, tới ngày bế mạc, số HCV của Đoàn vẫn chỉ là 1 tấm. Nếu thành tích thể thao, chỉ đơn giản tính bằng những tấm huy chương, chắc chắn, ASIAD 17 là một kỳ ASIAD thất bại của TTVN. Song, nếu nhìn rộng ra, Á vận hội được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc, vẫn nên được đánh giá là một kỳ ASIAD đáng nhớ với nhiều kỷ lục mới được xác lập cho thể thao nước nhà.
Tại môn Cử tạ, Thạch Kim Tuấn trở thành tân kỷ lục gia ASIAD ở nội dung cử giật với thành tích 134 kg. Ở môn đấu kiếm, Nguyễn Tiến Nhật mang về tấm HCĐ lịch sử. Bơi lội cũng ghi dấu thành tích vô tiền khoáng hậu với tấm HCĐ của Ánh Viên. Kiện tướng TDDC Phan Thị Hà Thanh cũng đi vào lịch sử với tấm HCB ở nội dung Nhảy chống… Đó đều là những thành tích hết sức đáng tự hào.
Nỗi buồn AFF Cup
ĐTQG Việt Nam đang dần lấy lại được niềm tin nơi người hâm mộ.
Sau nhiều nỗi thất vọng chất chồng, bóng đá nam Việt Nam đã và đang dần lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Với cú hích tâm lý từ sự xuất sắc đáng ghi nhận của U19 Việt Nam, lần lượt U23 Việt Nam hay ĐTQG Việt Nam cũng thi đấu với nỗ lực hết sức đáng khen - U23 Việt Nam xuất sắc vượt qua vòng bảng tại môn bóng đá nam ASIAD 17, trong khi đó, đội quân trong quyền HLV Miura cũng đá hay bất ngờ tại AFF Cup, đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
2014 lẽ ra sẽ là một năm với nhiều kỷ niệm đẹp của bóng đá Việt Nam hơn nếu như không có 90 phút ê chề tại Mỹ Đình trong trận bán kết lượt về với Malaysia. Khi sự tự tin của các cầu thủ đang ở độ căng tràn nhất, khi niềm tin nơi người hâm mộ đang lớn nhất, khi cụm từ Việt Nam vô địch được nhắc đến nhiều lần nhất… đội bóng áo đỏ lại thất bại cay đắng một cách khó tin. Trong hiệp 1, Việt Nam để thủng lưới tới 4 bàn chóng vánh. Hai bàn gỡ của Công Vinh chỉ đủ làm tia hy vọng lóe lên giây lát rồi lại tan biến. Chung cuộc, Việt Nam thua Malaysia 4-5 sau 2 lượt trận và cay đắng nhường vé chơi chung kết cho đội bóng áo vàng đen.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.