Sự ổn định về vị trí HLV đội tuyển: Phụ thuộc vào quan hệ với VFF

Theo Dân TríCập nhật 14:00 ngày 17/02/2016

VTV.vn - Thực tế cho thấy một HLV có yên tâm làm công việc của mình tại đội tuyển hay không phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ với VFF.

Ví dụ như thời HLV Miura mới vừa rồi, chính VFF công khai trước báo chí rằng HLV Miura không thất bại dưới triều đại của mình, nhưng nghịch lý nằm ở chỗ dù nói vị HLV người Nhật không thất bại, nhưng VFF vẫn sa thải ông ấy trước thời hạn hợp đồng!

HLV Miura khi còn tại vị cũng hết sức cô đơn trong công việc của mình, ông không nhận được sự đồng thuận từ phần đông người hâm mộ vốn phát cuồng lối đá của CLB HA Gia Lai là một lẽ, rồi lẽ khác nằm ở chỗ nơi lẽ ra phải đứng ra bảo vệ vị HLV người Nhật dựa trên những luận chứng khoa học và những con số cụ thể, lại là nơi quay sang chỉ trích ông nặng nhất, với tần suất dồn dập nhất, đặc biệt là các phát biểu của 2 phó chủ tịch (PCT) Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Xuân Gụ.

Phần còn lại của VFF dù không phải ai cũng ủng hộ quan điểm của 2 vị PCT trên, nhưng không ai công khai ủng hộ HLV Miura, để ông ấy yên tâm làm việc, cũng chẳng ai nói thẳng rằng cả ông Đức lẫn ông Gụ đều không phải là dân chuyên môn, nên phần lớn những nhận xét của các ông này về vấn đề chuyên môn của HLV Miura đều vừa ít có giá trị tham khảo, vừa không mang đầy đủ quan điểm của VFF, mà lẽ ra những người ở vị trí như họ phải ý thức được điều này.

VFF có phải là ông chủ tốt của đội tuyển và HLV mới của đội tuyển hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời (ảnh: Nguyễn Đình)
VFF có phải là ông chủ tốt của đội tuyển và HLV mới của đội tuyển hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời (ảnh: Nguyễn Đình)

HLV Miura mất việc vì lẽ ấy, vì chủ yếu ông không được lòng bầu Đức (người năm lần bảy lượt công khai chê tài vị HLV người Nhật), vì ông không khéo trong việc chiều lòng các ông chủ, chứ chưa hẳn do ông ấy thực sự kém tài.

HLV Nguyễn Hữu Thắng nếu ngồi vào ghế HLV trưởng các đội tuyển có thể phải lưu ý điều đấy. Vị HLV xuất thân từ bóng đá xứ Nghệ cần một mối quan hệ tốt với VFF theo kiểu đối tác chiến lược, hơn là chỉ quanh quẩn với cách nghĩ thông thường đấy là quan hệ giữa ông chủ và người làm thuê, như một số vị ở VFF vẫn cứ thích phát biểu về đội tuyển theo lối ấy.

Và để HLV của đội tuyển làm việc tốt, người ta còn cần ở VFF sự kiên nhẫn và định hướng rõ ràng xung quanh đội tuyển. Ví dụ như thời HLV Miura, định hướng xây dựng đội tuyển là gì? Là giúp bóng đá Việt Nam nhanh chóng lấy lại vị thế sau 4 – 5 năm tụt lại phía sau ở khu vực Đông Nam Á, hay là một lối chơi đẹp bất chấp kết quả?

Không có định hướng cũng thiếu tiêu chí rạch ròi, nhưng đến khi đội tuyển bị một bộ phận dư luận chỉ trích, VFF chọn cách đơn giản nhất là sa thải HLV Miura, dù cũng không ai nói rõ số chỉ trích vị HLV người Nhật có đông hơn số ủng hộ ông hay không?

Hoặc dưới thời HLV Phan Thanh Hùng, đội tuyển quốc gia khi đó ban đầu được định hướng xây dựng lâu dài, từng bước một, vì từ đầu người ta xác định rằng chất lượng của bóng đá Việt Nam năm 2012 đã sa sút thấy rõ so với thời vô địch AFF Cup 2008.

Thế nhưng, chỉ sau 1 chiến dịch AFF Cup 2012 mà nhiều người đã thấy trước thất bại, mọi trách nhiệm hầu như cũng bị đổ hết lên vai vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia thời điểm đó.

VFF muốn có một đội tuyển tốt nhưng ít người ở chính cơ quan điều hành bóng đá nội chịu nhìn lại thực tế của bóng đá trong nước, nhất là thực tế giải quốc nội. VFF muốn có một HLV lâu dài để ổn định các đội tuyển, nhưng cách điều hành đội tuyển của chính cơ quan đầu não của bóng đá Việt Nam toàn theo tính mùa vụ. Thậm chí, một – hai ông PCT của tổ chức ấy còn thường xuyên phán xét đội tuyển qua từng giải đấu, thậm chí qua từng trận đấu. Thế thì các HLV trụ lâu sao nổi!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1