"Thảm họa" Mỹ Đình: "Quá liều" niềm tin?

Minh Nguyễn/ Thể thao VTVNewsCập nhật 06:34 ngày 12/12/2014

Nếu người hâm mộ cũng như các cầu thủ Việt Nam sử dụng sự tự tin "tiết kiệm" hơn một chút, có thể, mọi chuyện đã khác.

Cứ mỗi khi niềm tin nơi người hâm mộ đang lớn dần lên, bóng đá Việt Nam lại giết chết nó một cách gọn gàng, sắc lẹm. Tuy nhiên, lỗi có chỉ nằm hoàn toàn ở phía các cầu thủ...?

Sự "quá liều" niềm tin

Các cầu thủ Việt Nam đã nhập cuộc quá tự tin trong trận đấu với Malaysia.

Các cầu thủ Việt Nam đã nhập cuộc quá tự tin trong trận đấu với Malaysia.

Lạc quan mà nói, nếu chơi chắc chân, lẽ ra, ĐT Việt Nam chỉ còn cách trận chung kết trong mơ với ĐT Thái Lan chẳng bao xa, thế nhưng, một lần nữa, các cầu thủ áo đỏ lại gục ngã thảm hại, ngay trước ngưỡng cửa thiên đường có đúng 90 phút tại Mỹ Đình.

Trận thua này tưởng như lạ kỳ đến nỗi, hơn 40 nghìn khán giả có mặt tại Mỹ Đình và hàng triệu con tim theo dõi qua màn ảnh, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau trận đấu, HLV Miura cũng chẳng dám chắc vì lý do gì, các cầu thủ lại trình diễn một bộ mặt tệ hại đến như vậy.

Bất chấp việc đã có lợi thế trong tay, ĐT Việt Nam vẫn ồ ạt lao lên tấn công ngay sau tiếng còi khai cuộc nhằm “đánh phủ đầu” đối thủ tại Mỹ Đình. Suy cho cùng, cách triển khai trận đấu được HLV Miura áp dụng cũng không sai bởi ngay từ đầu chiến dịch AFF Cup tới nay, hàng công mới thực sự là điểm mạnh của ĐT Việt Nam. Và với một hàng phòng ngự vốn không được đánh giá quá cao, việc lấy công bù thủ âu cũng là giải pháp có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, suy cho cùng, điều mà HLV Miura chẳng thể ngờ được, đó chính là sự “quá liều” niềm tin nơi các học trò – một căn bệnh dường như đã là cố hữu của ĐT Việt Nam. Đôi chân của các tuyển thủ, thực chất đã và đang bị chi phối bởi sự tự tin và hưng phấn quá dư thừa.

4 bàn thua của ĐT Việt Nam trước Malaysia tại Mỹ Đình – dù HLV Miura cho rằng đó là lỗi của tập thể, tuy nhiên, cũng không quá khó để tìm ra những tác nhân trực tiếp mắc sai lầm.

Mới phút thứ 3, hàng thủ Việt Nam “đi chơi” đâu mất để Quế Ngọc Hải một mình truy cản Putra và một tình huống ngăn chặn thiếu kinh nghiệm từ phía sau đã buột trọng tài phải chỉ tay vào chấm phạt đền.

Bàn thua thứ hai là tình huống không hiểu ý của bộ đôi trung vệ với Nguyên Mạnh. Bàn thứ ba là một pha “đốt đền” của Tiến Thành còn bàn thứ tư cho thấy sự thiếu hiệu quả trong việc chống bóng bổng của hàng thủ Việt Nam, để Fadhli Shas thoải mái bật cao đánh đầu. Bóng đi không chính xác nhưng Shukor Adan đã dứt điểm nối thành công.

Có vẻ, chiến thắng ngược dòng ấn tượng tại Shah Alam, đã khiến 11 cái bóng áo đỏ trên sân quên đi rằng trong quá khứ, “đàn anh” của họ, đã không ít lần phải trả giá bởi chính sự tự tin quá độ.

Câu chuyện muôn thuở

Vấn đề tâm lý không phải lần đầu tiên mang tới thất bại cho ĐT Việt Nam.

Vấn đề tâm lý không phải lần đầu tiên mang tới thất bại cho ĐT Việt Nam.

Ngược dòng về AFF Cup 1998 (Tiger Cup 1998), vượt qua Thái Lan, những tưởng Việt Nam sẽ chắc ngôi vô địch nhưng bất ngờ, những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng… lại phơi áo trước Singapore không được đánh giá cao. Hay như tại môn bóng đá nam SEA Games 25 (2009), Việt Nam “vùi dập” Singapore tới 4-1 ở bán kết và tái ngộ Malaysia – đội bóng mà các tuyển thủ áo đỏ đã đánh bại 3-1 ở vòng bảng. Nhập cuộc chung kết với tư thế đội “cửa trên”, khi những tưởng, Việt Nam sẽ có được tấm HCV bóng đá nam đầu tiên trong lịch sử thể thao nước nhà thì bàn phản lưới nhà của Xuân Hợp phút 85 đã đặt dấu chấm hết cho tất cả.

Dường như, ĐT Việt Nam càng được đặt cho ít niềm tin, họ lại càng chơi hay hơn. Bằng chứng là tại AFF Cup 2008, khi chẳng mấy người tin vào chức vô địch, những Công Vinh, Minh Phương, Phan Văn Tài Em… lại làm được điều “không tưởng” đó.

Hay như ngay tại AFF Suzuki Cup 2014 này cũng vậy, ĐT Việt Nam bắt đầu chiến dịch thầm lặng trong bối cảnh U19 Việt Nam đang là “thương hiệu” lớn trong tim hàng triệu CĐV Việt Nam. Song qua từng trận đấu, các học trò của HLV Miura đã dần chứng tỏ được khả năng của mình, để rồi ở trận bán kết lượt về tại Mỹ Đình, hơn 40,000 chỗ ngồi đã được lấp đầy bởi một màu đỏ quốc kỳ trên khán đài.

Chúng ta đã có thầy ngoại giỏi, có chuyên gia thể lực tốt, có một dàn cần thủ chất lượng và nhiệt huyết, tuy nhiên, giống với bao thế hệ đàn anh, cái ĐT Việt Nam thiếu tại Mỹ Đình ngày hôm nay, chính là tâm lý vững vàng, là cái đầu lạnh, là đôi chân trên mặt đất.

Trách nhiệm cũng thuộc về khán giả

Khán giả có thể yêu ĐT Việt Nam khi họ thi đấu tốt thì hãy ở bên các cầu thủ khi họ gặp thất bại. (Ảnh minh họa)

Khán giả có thể yêu ĐT Việt Nam khi họ thi đấu tốt thì hãy ở bên các cầu thủ khi họ gặp thất bại. (Ảnh minh họa)

Sự tự tin dư thừa của các cầu thủ khi nhập cuộc, không phải tự nhiên mà có. Nó một phần cũng xuất phát chính từ sự tiếp nhận dễ dãi, nhanh chóng của khán giả Việt Nam. Từ chỗ ĐT Việt Nam như “con rơi” hay vé vòng bảng AFF Cup ế ẩm, hẩm hiu, cho tới trận bán kết, để sở hữu một đôi vé vào Mỹ Đình, trên thị trường “chợ đen”, người hâm mộ phải chi ra số tiền gấp đôi, gấp ba lần giá vé gốc, ấy vậy mà hơn 40,000 chỗ ngồi tại SVĐ Quốc gia của Việt Nam trong trận gặp Malaysia, vẫn không còn một chỗ trống. Hay như những lời tâng bốc, “có cánh” dành tặng các cầu thủ cũng đang hiện nhan nhản trên các trang mạng, diễn đàn… và rồi "bốc hơi" để thay bằng những lời thóa mạ chỉ sau 1 thất bại.

Nó phản ánh đúng tính chất “thời vụ” của một phần không nhỏ CĐV Việt Nam ngày nay. Sau 4 bàn thua của ĐT Việt Nam, những chiếc ghế xanh bắt đầu xuất hiện trên khán đài vốn trước đó phủ toàn một màu đỏ. Sự chấp nhận một cách dễ dãi đến nuông chiều cuối cùng kết thúc bằng cái quay mặt tuyệt tình.

Bóng đá hấp dẫn nhưng nghiệt ngã là vậy. Có lúc, nó mang đến niềm vui tột cùng nhưng cũng đôi khi để lại những nỗi buồn vô hạn. Và ĐT Việt Nam lẽ ra, đáng được nhận sự bao dung từ người hâm mộ hơn là những cuộc chia tay đột ngột. Đáng chứ, vì những gì họ đã làm được tại Mỹ Đình ở vòng bảng hay cuộc lội ngược dòng tại Shah Alam ở trận bán kết lượt đi.

Nhưng chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng cần hiểu rằng tình yêu phải được đặt đúng chỗ đúng thời điểm. Trong cuộc sống, những thứ dễ dãi có được cũng sẽ dễ dãi mất đi và không thực sự được coi trọng. Vì thế, nên chăng, khán giả Việt Nam nên "tiết kiệm" niềm tin hơn một chút, "tiết kiệm" sự tung hô các cầu thủ hơn một chút, để các cầu thủ có thể thực sự trưởng thành hơn, biết phấn đấu hơn qua từng trận đấu?

Los Angeles Lakers vượt qua Milwaukee Bucks đầy cảm xúc

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Trong những trận đấu gần đây tại NBA, Austin Reaves đang vô cùng nổi bật và trở thành 1 trong những trụ cột giúp Los Angeles Lakers giành chiến thắng.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1