Từ anh nhân viên, sinh viên đến tuyển thủ quốc gia đi World Cup

Theo Dân TríCập nhật 23:00 ngày 23/02/2016

VTV.vn - Hầu hết các thành viên của đội tuyển futsal Việt Nam đều không được đào tạo bài bản, cũng không phải là cầu thủ chính quy trước khi bước vào môn bóng đá trong nhà.

Anh nhân viên tiếp thị viết nên lịch sử chấn động châu lục

Trong số 14 tuyển thủ tham dự VCK giải vô địch futsal châu Á 2016, chỉ có 3 người được đào tạo futsal từ nhỏ, theo hướng bài bản, đó là các cầu thủ Ngô Minh Trí, Lê Quốc Nam và Ngô Ngọc Sơn. Những cầu thủ vừa nêu đi lên từ đội trẻ Thái Sơn Nam, riêng những người còn lại, hầu hết đều xuất thân từ bóng đá phong trào. Thậm chí, có người trước đó còn làm những công việc chẳng liên quan gì đến… bóng đá.

Người được trang web chính thức của AFC, cũng như được kênh truyền hình danh tiếng thế giới Fox Sports đề cập nhiều nhất, chiếu đi chiếu lại nhiều hình ảnh ăn mừng chiến thắng trước Nhật Bản nhất là Phùng Trọng Luân, nhân vật đã sút thắng quả luân lưu quyết định, đưa Việt Nam đến VCK World Cup, cũng là một trong những cầu thủ có xuất thân hy hữu nhất của làng futsal nước nhà.

Trọng Luân vốn là dân Nha Trang (Khánh Hòa), không hề được đào tạo để chơi bóng đá, mà vốn là một nhân viên tiếp thị ở thành phố biển. Làm nhân viên tiếp thị được hơn 2 năm, Trọng Luân bắt đầu tham gia một số giải đấu phong trào của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, trước khi được HLV Đặng Đình Khang của Sanna Khánh Hòa phát hiện và đưa về đội futsal Sanna Khánh Hòa năm 2009.

Trọng Luân (7) được Fox Sports bình luận là người tạo nên lịch sử cho futsal Việt Nam, sau quả sút luân lưu đánh bại Nhật Bản (ảnh: Quang Thắng)
Trọng Luân (7) được Fox Sports bình luận là người tạo nên lịch sử cho futsal Việt Nam, sau quả sút luân lưu đánh bại Nhật Bản (ảnh: Quang Thắng)

Có lần, ông Khang kể: “Tôi nhìn thấy các tố chất của Luân như nhanh, khéo, lì đòn. Nhưng để thành một cầu thủ futsal thực thụ thì em phải rèn luyện nhiều lắm”.

Đến năm 2011, Trọng Luân theo bầu Tú về Thái Sơn Nam, trước khi bắt đầu biết đá… futsal (như lời HLV Đặng Đình Khang chia sẻ), nhờ được đặt dưới bàn tay huấn luyện của chuyên gia ngoại ở CLB này.

Ấy vậy mà chàng trai vốn là nhân viên tiếp thị, chẳng kinh qua bất cứ trường lớp bóng đá nào lại là người góp công lớn đưa đội tuyển futsal Việt Nam vào VCK World Cup. Và đúng là các tố chất từ dân tay ngang của Trọng Luân lại phát huy tác dụng tối đa. Cầu thủ ấy không biết sợ, quá lì đòn nên được giao luôn quả luân lưu quyết định.

Đứng trước ngưỡng cửa của lịch sử, anh không hề run, mặt tỉnh queo, rồi đệm bóng đánh lừa được thủ môn đội Nhật Bản, đưa đoàn quân của HLV Bruno Garcia đến World Cup.

Xếp bút nghiên để trở thành tuyển thủ quốc gia

Không đến mức quá đặc biệt như Trọng Luân, nhưng nhiều tuyển thủ futsal khác đều đi lên từ bóng đá phong trào.

Văn Vũ xếp bút nghiên để trở thành cầu thủ futsal hay nhất nước (ảnh: Quang Thắng)
Văn Vũ xếp bút nghiên để trở thành cầu thủ futsal hay nhất nước (ảnh: Quang Thắng)

Ngôi sao số 1 của đội tuyển hiện nay, đồng thời cũng là cầu thủ futsal hay nhất Việt Nam năm 2015 Trần Văn Vũ vốn là sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM. Văn Vũ tham gia phong trào bóng đá sinh viên, được HLV Nguyễn Minh Hải của Thái Sơn Nam phát hiện, giới thiệu cho bầu Tú năm 2010.

Sau đó, Văn Vũ được Thái Sơn Nam cho CLB Tân Hiệp Hưng mượn, nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Chỉ vài tháng rời Thái Sơn Nam đến Tân Hiệp Hưng, đá xong 1 giải các đội mạnh TPHCM mở rộng, những nhà chuyên môn của Thái Sơn Nam lập tức nhận ra rằng đây là cầu thủ sáng giá của tương lai, nên nhanh chóng triệu hồi anh trở về CLB.

Cho đến nay thì Văn Vũ đã là cầu thủ thuộc vào loại quan trọng nhất của futsal Việt Nam, anh cũng đã rẽ ngang sự nghiệp, kết thúc đời sinh viên trên các giảng đường để chuyên tâm cho môn bóng đá trong nhà.

Với Trần Long Vũ, dù đã tốt nghiệp đại học Đại học Văn Lang, chuyên ngành thiết kế, nhưng cái duyên với futsal vẫn bén với cầu thủ này. Cái duyên ấy đến ngay cả khi người ta phát hiện ra khả năng đá bóng của Long Vũ ở… sân cỏ 11 người.

Trần Long Vũ (6) dù đã tốt nghiệp Đại học, chuyên ngành thiết kế, nhưng giờ sống bằng... nghề tay trái là đá bóng (ảnh: Quang Thắng)
Trần Long Vũ (6) dù đã tốt nghiệp Đại học, chuyên ngành thiết kế, nhưng giờ sống bằng... "nghề tay trái" là đá bóng (ảnh: Quang Thắng)

Ban đầu, anh về Thái Sơn Nam năm 2010 cũng là để đá bóng sân 11 người cho doanh nghiệp (ngoài CLB futsal được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp, ông Trần Anh Tú còn có đội bóng phong trào đá sân cỏ), được cho Tân Hiệp Hưng mượn, và chỉ trở về lại với đội futsal Thái Sơn Nam từ tháng 3/2013.

Hầu hết nhưng người vừa làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam, cho thể thao Việt Nam đều như thế cả. Họ không phải là dân fustal được đào tạo chính quy, vì thực chất futsal chỉ bắt đầu phát triển tại nước ta trong khoảng chục năm nay, đồng thời ngoài các CLB Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc, và phần nào là Sanna Khánh Hòa sau này, chưa có đội futsal nào khác ở Việt Nam nghĩ đến chuyện đào tạo cầu thủ trẻ.

Thành công của đội tuyển futsal Việt Nam, chiến tích lịch sử của thể thao Việt Nam được bắt đầu như vậy đấy, bắt đầu từ đôi chân của những người có thể tạm gọi là dân tay ngang với nghề!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1