Vì sao cầu lông Hà Nội mạnh lên?

Tuấn Anh, Trọng HoàngCập nhật 08:36 ngày 23/03/2013

 Trước đây, nói tới cầu lông ở Việt Nam là người ta thường nghĩ ngay tới sự áp đảo của các VĐV được đào tạo tại TP.HCM. Thế nhưng trong vài ba năm trở lại đây, cán cân lực lượng đã dần dần thay đổi. Bên cạnh những đơn vị như Bắc Giang hay Thanh Hóa thì Hà Nội đang nổi lên là địa phương có những sự chuyển biến và cạnh tranh mạnh mẽ nhất với các VĐV của TP.HCM. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực tế này?

Trong khi nhiều địa phương khác trên cả nước đang có dấu hiệu đi xuống về công tác đào tạo ở môn cầu lông thì Hà Nội lại đang có sự phát triển rất ổn định và mạnh mẽ. Hiện tại, đội tuyển cầu lông Hà Nội với tổng cộng là 30 VĐV, trong đó có 20 VĐV thuộc đội lớn và 10 VĐV ở độ tuổi dưới 15…một con số đáng mơ ước ngay cả đối với ĐTQG.

‘ Cầu lông Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ. (Ảnh: VSI)

Chia sẻ về vấn đề này, bà Dương Thị Liên, chủ nhiệm bộ môn Cầu lông Hà Nội cho hay: “Hiện nay so với nhiều trung tâm khác ở Việt Nam thì Hà Nội là trung tâm có nhiều điều kiện nhất: Được lãnh đạo đầu tư trọng điểm, có nhà tài trợ”.

Trước đây, học văn hóa chính là lý do khiến nhiều gia đình không cho con em mình dù rất có năng khiếu ở môn cầu lông nhưng lại không dám theo đuổi thể thao chuyên nghiệp. Nhưng giờ đây điều đó đã không còn nữa, thậm chí số lượng VĐV xin vào học và tập luyện tại Trung tâm đào tạo VĐV đỉnh cao của Hà Nội đã tăng lên rất nhiều khiến cho những người làm chuyên môn thậm chí phải tinh lọc một cách kỹ càng hơn so với trước đây.

Bà Dương Thị Liên, khi nhận định về việc này đã cung cấp thêm thông tin: “Khi các em vào đây các em được học văn hóa mà không phải đóng tiền học như ở các trường ngoài. Bên cạnh đó còn được ăn, ở, học tập một cách đầy đủ và hàng tháng còn có lương, có chế độ”.

Một trong những nhân tố rất quan trọng khiến cho cầu lông Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ và nâng cao vị thế của mình so với nhiều trung tâm cầu lông khác trên cả nước chính là việc lựa chọn chuyên gia. Cả ông Wang Heng Jian và vợ là bà He Cui Ling hiện đang tham gia công tác huấn luyện đều là những chuyên gia người Trung Quốc dày dặn kinh nghiệm. Ông chồng là người đã từng chỉ dạy tay vợt nổi tiếng của Trung Quốc là Lin Dan khi anh này còn nhỏ, còn vợ ông là người đã từng giành HCV thế giới ở nội dung đôi nữ. Họ đều nhìn thấy những tương lai đầy hứa hẹn cho cầu lông Hà Nội nói riêng và cầu lông Việt Nam nói chung.

“Cầu lông Việt Nam không thiếu những nhân tài, có tố chất và kỹ thuật rất tốt. Nhưng điều đang khiến các bạn chưa thể vươn lên tầm cao của châu lục và thế giới chính là việc thiếu những HLV, những chuyên gia giỏi và ít được thi đấu cọ sát quốc tế. Nếu các bạn giải quyết tốt những điều này thì cầu lông Việt Nam sẽ có rất nhiều những tay vợt đạt trình độ và đẳng cấp như Tiến Minh, thậm chí còn có thể tốt hơn thế”.

Trước mắt, cầu lông Hà Nội đang tập trung đầu tư trọng điểm vào 4 gương mặt bắt đầu bước vào độ chín của sự nghiệp là Lê Thu Huyền, Phạm Như Thảo, Phạm Hồng Nam và Đỗ Tuấn Đức. Ngoài việc được tập huấn ở Trung Quốc, mỗi năm, những VĐV này sẽ được thi đấu khoảng 5-6 giải trong nước và 10 giải quốc tế.

Mục tiêu mà bộ môn Cầu lông của Hà Nội đề ra là đến năm 2015, các VĐV này sẽ tích lũy đủ điểm để lọt vào tốp 50 thế giới với đích phấn đấu là dành huy chương tại các đấu trường lớn là Olympic 2016 và đặc biệt là Asiad năm 2019 sẽ được tổ chức trên sân nhà.

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1