Bức tranh giám sát tài chính ở Việt Nam

Đình Hải-Thứ tư, ngày 26/06/2013 11:32 GMT+7

 Nhiều hệ thống giám sát các lĩnh vực tài chính nhưng chưa hiệu quả do sự phối hợp thiếu đồng bộ đang tạo lỗ hổng trong hoạt động giám sát tài chính ở Việt Nam. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tham dự hội thảo Thực trạng và triển vọng của hệ thống giám sát tài chính do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương vừa tổ chức.

Hạn chế lớn nhất đó là mô hình giám sát tài chính hiện nay còn phân tán, mỗi cơ quan giám sát theo chức năng, chuyên ngành theo dõi mà không có sự hợp tác, chia sẻ thông tin. Nếu đầu tư chứng khoán thì sự giám sát thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngân hàng chịu sự quản lý của hệ thống Thanh tra ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm là đối tượng kiểm soát của Bộ Tài chính. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết tập đoàn tài chính đều có xu thế kinh doanh nhiều lĩnh vực, cả chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

TS.Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích: “Khi xuất hiện các công ty đa ngành (Tập đoàn tài chính) đầu tư cả chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng… thì sự giám sát bị tách ra, không có sự phối hợp của các cơ quan giám sát, sẽ có tình trạng lách luật né cơ quan giám sát, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống”.

‘ Ảnh minh họa

Như vậy, khi Thanh tra chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tại tập đoàn thì không thể kiểm soát được nghiệp vụ ngân hàng, Thanh tra ngân hàng không thể giám sát được hoạt động bảo hiểm, chứng khoán. Có thể hiểu nôm na: Trong khi tập đoàn như một cơ thể sống, mỗi cơ quan thanh tra như những bác sĩ nhưng người thì chỉ khám bệnh ở phần tay, người chỉ khám được phần chân, vì thế không thể chẩn đoán được tổng thể cơ thể đó thực sự bị bệnh gì. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan thanh tra giám sát từ Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng hầu như không chia sẻ thông tin với nhau. Theo các chuyên gia tại hội thảo, còn rất nhiều mảng kinh doanh chưa được kiểm soát.

TS Cấn Văn Lực, Cố vấn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng: “Thông tin còn thiếu và yếu, có những mảng ngân hàng ngầm như cho vay chứng khoán, hay quỹ đầu tư cho vay chẳng hạn thì ai là người giám sát”.

Từ thực tiễn này có ý kiến cho rằng, cần phải có một mô hình giám sát hợp nhất để có thể kiểm soát tổng thể, song theo các chuyên gia, như vậy sẽ tạo nên khối lượng công việc quá đồ sộ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng mô hình giám sát tài chính. Tuy nhiên, các diễn giải cũng cho rằng, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay không phải là cách thức tổ chức theo mô hình nào, mà là chất lượng của hoạt động giám sát tài chính và sự hợp tác giữa các đơn vị thanh tra giám sát để có được kho thông tin quản lý minh bạch và hiệu quả.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước