Các nước lớn sẽ tăng cường cọ xát, cạnh tranh trong năm 2018

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 07/01/2018 12:07 GMT+7

VTV.vn - TS. Lê Đình Tĩnh nhận định, việc triển khai chiến lược của các nước lớn sẽ tăng sự cọ xát, trong đó mặt cạnh tranh nổi trội hơn trong nhiều lĩnh vực.

Năm 2017, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", thế giới đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể vai trò của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế. Nhưng có lẽ xu hướng này sẽ không tiếp tục trong năm 2018 khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố bản Chiến lược an ninh quốc gia, trong đó khẳng định sẽ mở rộng vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.

Trong bài phát biểu công bố Chiến lược an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại chỉ đích danh 2 đối thủ trên Thế giới mà Mỹ phải đối mặt: "Chúng ta đang đối mặt với những cường quốc đối thủ như Nga và Trung Quốc vốn đang thách thức sự ảnh hưởng và thịnh vượng của Mỹ".

Các nước lớn sẽ tăng cường cọ xát, cạnh tranh trong năm 2018 - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump công bố bản Chiến lược an ninh quốc gia (Ảnh: AP)

Để khôi phục vị thế của Mỹ, kế hoạch của Tổng thống Trump đưa ra là xây dựng một quân đội hùng mạnh để đảm bảo nước Mỹ sẽ luôn đứng đầu. Hồi tháng trước, ông Donald Trump đã thông qua mức ngân sách Quốc phòng kỷ lục 700 tỷ USD cho năm 2018. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đang thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ thông qua một chiến lược mới mang tên Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với chiến lược này, Mỹ muốn cùng liên minh gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tạo lập trật tự kinh tế tại một khu vực rộng lớn, bao phủ các nước ven biển Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Australia và New Zealand và lấy 2 đại dương làm trung tâm.

Đối với Trung Quốc, trong thông điệp năm mới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định sẽ thúc đẩy vị thế của Bắc Kinh qua việc đẩy mạnh sáng kiến Vành Đai và Con đường. Sáng kiến này đã được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc như một sự khẳng định đây sẽ phương hướng để Bắc Kinh thúc đẩy tầm ảnh hưởng trong thời gian tới. Cho tới nay, sáng kiến 5 nghìn tỷ USD này đang đi đúng hướng khi đã có hơn 70 quốc gia tham gia. Về mặt thương mại, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh thu hút các nước tham gia cuộc chơi do mình khởi xướng, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Năm 2018 cũng có thể coi là năm bản lề với nước Nga khi Tổng thống Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ tiếp tục tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3. Ông Putin sẽ mở màn nhiệm kỳ mới với hành trang là kinh tế tăng trưởng ổn định trở lại ở mức 1,6% và một vị thế nước Nga trên Thế giới đang lên sau sự can dự thành công tại Trung Đông. Cũng như Mỹ và Trung Quốc, Nga cũng không bỏ qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi vẫn đang đẩy mạnh Chiến lược hướng Đông, hợp tác với các đối tác quan trọng trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN.

Do đó, có cơ sở để giới quan sát nhận định rằng năm 2018 sẽ chứng kiến các cuộc cạnh tranh quyết liệt về quyền lực và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Tuy nhiên, thế giới sẽ không chứng kiến bầu không khí đối đầu như thời kỳ Chiến tranh Lạnh bởi những ràng buộc về kinh tế và những lợi ích đan xen.

Bình luận về sự chuyển biến của khu vực và thế giới năm 2018 từ chiến lược của các nước lớn, TS. Lê Đình Tĩnh đến từ Học viện Ngoại giao đánh giá: "Tôi nghĩ đây là những chuyển động rất quan trọng mà chúng ta cần theo sát. Năm 2018 là năm triển khai những quyết định chiến lược của các nước lớn. Những chuyển động này có ít nhất 3 tác động đối với tình hình thế giới. Tác động thứ nhất, không loại trừ khả năng sẽ làm tăng sự cọ xát giữa các cường quốc thông qua việc triển khai các chiến lược này, trong đó mặt cạnh tranh nổi trội hơn trong nhiều lĩnh vực. Điều đó không có nghĩa các nước lớn không tăng cường hợp tác với nhau bởi tương tác giữa các nước lớn là dựa trên lợi ích quốc gia chứ không phải là cảm tính yêu hay ghét".

Các nước lớn sẽ tăng cường cọ xát, cạnh tranh trong năm 2018 - Ảnh 2.

"Thứ hai, chính sự tương tác giữa các nước lớn đã dẫn đến những chuyển động mà hướng tới trật tự thế giới mới mà tôi tạm gọi là trật tự lưỡng siêu, đa cường. Đó là trật tự có 2 quốc gia nổi trội hơn và nhiều trung tâm quyền lực khác ở tầng thứ 2 của quyền lực, đặc biệt thể hiện rõ nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Còn ở châu Phi và châu Âu thì có thể xu thế của Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Thứ 3, trong sự giao thoa chiến lược này, các nước vừa và nhỏ đòi hỏi phải năng động, tìm kiếm một cách tích cực hơn những điểm tương thích hơn với trạng thái cân bằng mới này" - chuyên gia của Học viện Ngoại giao nhận định trong chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 7/1.

Về ảnh hưởng của mối quan hệ giữa các nước lớn tới ASEAN, TS. Lê Đình Tĩnh cho rằng tác động sẽ có 2 chiều thuận nghịch: "Chiều thuận là trong trường hợp hợp tác giữa các nước là hòa bình và ổn định chung thì ASEAN sẽ được hưởng lợi. Nhưng các nước lớn lại hợp tác sâu quá thì lại tác động tới lợi ích của ASEAN. Ngược lại nếu cạnh tranh giữa các nước lớn khốc liệt quá, ASEAN sẽ bị cuốn vào vòng xoáy và rơi vào tình thế không mong muốn là chọn phe. Nếu có một tình huống là cạnh tranh lành mạnh giữa các quốc gia này thì ASEAN sẽ có lợi bởi được các nước lớn tranh thủ trong khi vẫn có dư địa để xử lý mối quan hệ này. Tôi nghĩ năm tới sẽ có xu thế tác động theo hướng đó".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước