Bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan

Việt Cường-Thứ tư, ngày 13/04/2011 15:30 GMT+7

Năm 2011, cùng với "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương", "Hát Xoan Phú Thọ" cũng đang hồi hộp chờ đợi được UNESCO công nhận đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Với lối hát thờ thần ở cửa đình để trình báo với tổ tiên về cuộc sống, mùa màng của dân chúng, được vang lên vào mỗi độ Xuân về, có thể khẳng định hát Xoan là một "đặc sản" của miền đất Tổ. Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quý báu này đang là nhiệm vụ và trách nhiệm của các ngành, các cấp và cả cộng đồng.

Hình ảnh những gương mặt trẻ nhiệt tình học hát Xoan là niềm mơ ước của bất kỳ 1 phường hát xoan nào, bởi phần lớn những người yêu thích hát xoan đều ở lứa tuổi 60. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trong cộng đồng đang là nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ.

Những nỗ lực của các em khiến những cựu đào, cựu kép một thời ở phường xoan Thét vui mừng. Mừng bởi các em đã không bị cái sự hấp dẫn của những âm thanh hiện đại kéo đi, mà “hờ hững” với xoan. Mừng bởi rồi đây, báu vật xoan của cha ông sẽ được lan tỏa. Xoan đã sống và sẽ sống từ chính những điều giản dị như thế.

Nguyễn Hồng Nhung, Lớp 8A, Trường THCS Kim Đức, TP.Việt Trì (Phú Thọ) cho biết: “Học hát Xoan tương đối khó vì làm sao cho tay múa, hát làm sao cho vừa với nhịp trống, chân đều. Sau 2 năm học hát xoan, em thấy rất hay, em mong sẽ học được nhiều hơn nữa và học thuộc tất cả 13 cổ cách của các cụ truyền lại”.

Các cụ bà ở phường Xoan Phú Thọ hiện vẫn còn giữ nguyên trong ký ức một thời hát Xoan sôi nổi ở các cửa đình khi còn mười tám, đôi mươi. Các điệu Xoan đã thấm vào máu thịt, vài năm trở lại đây, khi chính quyền quan tâm hơn, họ mới có điều kiện truyền lại cho thế hệ trẻ. Phần hát Lễ của Xoan vẫn còn giữ được, nhưng phần hát Hội thì đã mai một đi nhiều.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng: “Mảng xoan rất quan trọng là mảng xoan cộng đồng. Mảng xoan lôi kéo tất cả nam thanh, nữ tú của cộng đồng tham gia thì dường như còn nhiều khiếm khuyết, hay nói cách khác là đã bị thất truyền, đấy là điều rất đáng tiếc. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách cùng với cộng đồng phục dựng lại”.

Trong những ngày này, Phú Thọ đang tổ chức Liên hoan Tiếng hát làng Xoan lần 2 với sự tham gia của 15 Phường xoan, Câu lạc bộ xoan, trong đó 4 phường xoan gốc còn tồn tại từ khi ra đời. Liên hoan một lần nữa khẳng định sức sống trường tồn của loại hình dân ca nghi lễ độc đáo từ thời Hùng Vương, đồng thời thể hiện chương trình hành động quốc gia để bảo tồn loại hình di sản văn hóa đang có nguy cơ thất truyền.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước