Bí mật đời tư – Ý thức pháp lý và sự phạm pháp vô tình

VTV ONLINE-Thứ bảy, ngày 05/07/2014 15:16 GMT+7

Nhà báo Thu Hà và luật sư Trần Mạnh Hùng tại Sự kiện & Bình luận sáng nay (5/7).

“Bản thân chúng ta đôi khi tự cho mình quá nhiều quyền mà nhiều khi nó vi phạm pháp luật một cách vô tình” - Luật sư Trần Mạnh Hùng, Giám đốc công ty Luật quốc tế BMVN – nói trong Sự kiện & Bình luận sáng nay (5/7).

Sáng nay (5/7), luật sự Trần Mạnh Hùng – Giám đốc công ty Luật quốc tế BMVN – đã có cuộc trò chuyện tại Sự kiện & Bình luận về chủ đề Bí mật đời tư. Ông Hùng đã có những trao đổi khá thẳng thắn về các câu hỏi liên quan đến pháp lý cũng như đưa ra những lời khuyên sau sự việc 14.000 thuê bao điện thoại di động đã bị cài đặt máy nghe lén – sự kiện gây chấn động dư luận trong tuần qua.

Trong phần mở đầu cuộc trao đổi, trước câu hỏi hành vi đặt máy nghe lén vi phạm luật gì trong bộ luật và tội danh như thế nào, ông Trần Mạnh Hùng cho biết: “Một hành vi sẽ được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, khía cạnh pháp lý đầu tiên là việc tạo ra phần mềm, sau đó là hành vi cài đặt, phát tán và cuối cùng là hành vi sử dụng phần mềm”.

“Về hành vi tạo ra phần mềm, theo chúng tôi biết, hầu hết các phần mềm nghe lén của Việt Nam đều không phải do các kỹ sư người Việt Nam viết ra mà do nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc”.

“Về vấn đề bảo mật đời tư, luật của chúng ta cũng khá chặt chẽ trong vấn đề này. Hành vi tạo ra phần mềm cũng đã bị cấm trong điều 71 của luật về công nghệ thông tin. Tuy nhiên bây giờ, việc công ty Việt Hồng có tạo ra phần mềm đó hay không cũng không quan trọng nữa mà điều quan trọng ở đây là họ đã dùng phần mềm đó, nâng cấp lên và phát triển lên. Hành vi này cũng bị cấm trong thời gian sơ khởi. Ngoài ra, việc cài đặt phát tán cũng có thể phải chịu những chế tài về hành chính và về hình sự. Bản thân người sử dụng phần mềm đó để thu thập những dữ liệu cá nhân phát tán ra thì cũng có thể bị những chế tài về hành chính, về dân sự lẫn hình sự”.

Vậy hành vi của công ty Việt Hồng sẽ chịu mức hình phạt tối đa là bao nhiêu?

- Nếu hành vi đó bị coi là tạo ra phần mềm phát tán thì có thể bị phạt hành chính 40 triệu đồng. Nếu bị truy tố thì mức án phạt cao nhất là 2 năm tù giam với người thực hiện hành vi.

‘ Luật sư Trần Mạnh Hùng, Giám đốc công ty Luật quốc tế BMVN .

Những người tới thuê công ty Việt Hồng để theo dõi có vi phạm pháp luật hay không?

- Bản thân luật dân sự của mình, tại điều 38 đã có luật về bảo hộ quyền bí mật đời tư cho nên tất cả công dân Việt Nam đều được bảo hộ quyền bí mật đời tư. Nên nếu một ai đó dùng dịch vụ đó với dụng ý xấu để thu thập thông tin, nghe lén thì đều sẽ phải chịu những chế tài theo pháp luật Việt Nam.

Trong những hành vi này hành vi nào được xem là xâm phạm đời tư một cách nghiêm trọng nhất?

- Rất khó nói hành vi nào nghiêm trọng hơn vì nó tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Tuy nhiên, trong pháp luật cũng quy định rất rõ việc phát tán, nhập khẩu thiết bị này sẽ bị những chế tài cụ thể như về hành chính là rất rõ ràng. Ngoài ra, về hình sự cũng có khả năng cao. Tuy nhiên, về dân sự thì rất khó. Vì nếu anh chỉ nhập về mà anh chưa phát tán thì hậu quả pháp lý chưa diễn ra. Tại vì trong luật dân sự, khi anh muốn đòi bồi thường thì anh phải chứng minh được hậu quả trực tiếp. Nên trong việc này, những chế tài về hành chính là lớn hơn những chế tài về dân sự.

Tôi nghĩ rằng, xét về lâu về dài, hệ thống pháp luật của chúng ta cần sửa đổi. Về mặt nguyên tắc, chúng ta được thừa hưởng những quyền về bảo vệ cao nhất ví dụ như trong luật dân sự ở điều 38 là chúng ta được quyền bảo vệ về đời tư. Nhưng các biện pháp, chế tài cần có tính răn đe hơn. Tôi nghĩ mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu cũng không phải là cao lắm. Gia tăng hình phạt là rất quan trọng. Hình phạt của chúng ta hiện nay còn quá nhẹ và đặc biệt là chưa có vụ án nào có tính răn đe cả.

Tôi nghĩ không có tính răn đe lớn thì ý thức pháp lý của người ta cũng yếu đi mà về lâu dài thì việc thực thi là quan trọng, nó phải được làm tốt hơn.

Qua sự việc này ông có lời khuyên gì gửi đến mọi người?

- Tôi nghĩ rằng nhiều khi chúng ta quên lãng đi là chúng ta có những quyền được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bản thân chúng ta đôi khi cũng lại tự cho mình quá nhiều quyền mà nhiều khi nó vi phạm pháp luật một cách vô tình.

Tôi nghĩ ý thức pháp lý không phải ngày một ngày hai mà có được mà phải thông qua những sự việc cụ thể, có tính răn đe cao thì lúc đó ý thức của con người mới cao. Tôi nghĩ ý thức pháp lý của chúng ta cần được nâng cao.

Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta nên ít bộc lộ bản thân hơn trên thế giới phẳng.

Để xem trọn vẹn cuộc trò chuyện của các khách mời tại Sự kiện & Bình luận, bạn hãy xem video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước