Câu chuyện về cố nhà báo chiến trường Australia và tình cảm với Việt Nam

Cẩm Nhung-Thứ ba, ngày 06/05/2014 10:40 GMT+7

Họa sĩ George Burchett. (Ảnh: VTV Online)

Những ngày này, họa sỹ George Burchett đang có mặt tại Việt Nam để thực hiện bộ phim tái hiện những khoảng thời gian mà cha ông - cố nhà báo chiến trường Australia Wilfred Burchett hoạt động tại Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, nhà báo Wilfred Burchett đã có mặt, đưa tin về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam ngay cả trước khi bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phóng viên VTV có cuộc trò chuyện với họa sĩ George Burchett về những khoảng thời gian mà cha ông hoạt động tại Việt Nam, cũng như tình cảm của cha ông dành cho Việt Nam.

Xin chào họa sỹ George Burchett! Tôi biết là ông đã được sinh ra tại Hà Nội, đã có thời gian sống ở Việt Nam. Vậy ấn tượng của ông về Việt Nam như thế nào?

Tôi được sinh ra một năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hồi đó tôi còn bé quá nên chẳng nhớ gì được cả. Ký ức của tôi về Việt Nam đều thông qua cha tôi, những câu chuyện kể và những bức ảnh cha tôi chụp.

Mỗi khi một cuốn sách của cha ông được xuất bản, dư luận có tin cha ông và tin vào những gì ông ấy viết trong sách không?

Ông ấy đã viết tổng cộng 8 cuốn sách về Việt Nam. Sách bán chạy và dịch ra nhiều thứ tiếng, vì đó là những cuốn sách phản chiến, chống lại các cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Có những người nói rằng đó là chỉ là một thứ tài liệu tuyên truyền.

Tuy nhiên, rất nhiều người thích những cuốn sách vì đó là những ghi chép của cha tôi - một phóng viên chiến trường từ những gì ông được chứng kiến và điều tra và cũng phải trải qua bom đạn, nguy hiểm mới ghi nhận được.

Đó là lý do vì sao những gì cha tôi viết về Việt Nam lại rất có ảnh hưởng lớn.

Không giống với những nhà báo phương Tây khác, tại sao cha ông lại chọn đi một hướng khác? Ông đã ủng hộ Việt Nam, mặc dù trước đó cha ông đã ủng hộ phe Đồng minh?

Hồi đó, cha tôi ủng hộ phe Đồng minh là lẽ đương nhiên vì trong Thế chiến thứ 2, phe đồng minh đã đánh bại phát xít Đức và Nhật. Nhưng sau đó, ông lại là phóng viên đầu tiên đến Hiroshima, tận mắt chứng kiến thành phố này phải hứng chịu bom nguyên tử của Mỹ. Cha tôi nói khi đó, ông đã mường tượng ra Thế chiến thứ 3 sẽ như thế này ngay từ đầu. Ông cũng đã có một bài viết gây tiếng vang về sự kiện này.

Dần dần sau đó, ông cũng phản đối mạnh mẽ Phe Đế quốc. Ông chứng kiến các nước Á và Phi tiến hành cuộc kháng chiến thoát khỏi chế độ thuộc địa. Cha tôi cũng đã tới căn cứ địa cách mạng Thái Nguyên, trước khi đi dự, đưa tin về cuộc đàm phán Geneve... để chứng kiến những thực tế đang diễn ra ở Đông Dương

Để biết thêm chi tiết cuộc trò chuyện, mời quý vị theo dõi Video sau đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước