Chính phủ họp phiên chuyên đề công tác xây dựng pháp luật

Đăng Học-Thứ năm, ngày 26/12/2013 00:00 GMT+7

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 25/12, Chính phủ tiến hành phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đề cao tinh thần trách nhiệm nhằm triển khai tốt việc thực thi Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đồng thời tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng pháp luật năm 2014, đặc biệt là việc không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Báo cáo về sự tham gia của Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và một số biện pháp triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cơ bản đồng tình với Báo cáo của Bộ Tư pháp, đồng thời nhấn mạnh, Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua là đạo luật cơ bản của đất nước, do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các biện pháp thực thi Hiến pháp. Theo đó, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, quán triệt nội dung của Hiến pháp; tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Về công tác xây dựng pháp luật, theo Bộ Tư pháp, năm 2014, tổng số các luật, pháp lệnh các Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ phối hợp chỉnh lý và Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 36 dự án, gồm 34 luật và 2 pháp lệnh. Chính phủ đánh giá nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh trong năm tới là rất nặng nề, đòi hỏi các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tập trung cao cho công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, cần quan tâm đầu tư nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức ít nhất 2 phiên họp chuyên đề năm 2014 để xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, cơ quan tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, thực sự tạo chuyển biến về công tác xây dựng pháp luật trong năm 2014 theo tinh thần không để nợ đọng các văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, khẩn trương gửi đề xuất đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 vào đầu tháng 1 năm 2014 để Bộ Tư pháp tổng hợp, lập dự thảo và đề nghị trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 tới.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng xem xét, thảo luận và cho ý kiến vào 5 dự án Luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, các thành viên Chính phủ khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng dự Luật này, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các đạo luật khác có liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, đồng thời phải bổ sung các quy định mới cho đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản nói chung và hoạt động kinh doanh bất động sản nói riêng phát triển hiệu quả, ổn định, công khai, minh bạch.

Còn về Dự án Luật Nhà ở, Ban soạn thảo cho biết, dự luật đã thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực phát triển nhà ở, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân thu nhập; phát triển nhà ở xã hội. Một quan điểm mới đáng chú ý nữa trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này là mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các thành viên Chính phủ tập trung cho ý kiến vào những vấn đề như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; điều kiện về tuổi đời hưởng hương hưu; tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm xã hội một lần...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ cũng như ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia... để sớm hoàn thiện các dự án Luật trên.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước