Chuẩn nghèo mới và cơ hội thoát nghèo

Đình Hưng-Thứ năm, ngày 14/04/2011 08:30 GMT+7

Đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chuẩn nghèo mới trên địa bàn cả nước. Nhìn chung, bộ tiêu chí để chấm điểm hộ nghèo đã được nâng lên, cụ thể là mức thu nhập bình quân hộ gia đình được nâng lên.

Theo dự báo, nếu áp dụng theo phương án chuẩn nghèo mới, cả nước sẽ có khoảng 3,3 triệu hộ nghèo.

Đây thực sự là cơ hội để các hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn và cơ hội vươn lên thoát nghèo tốt hơn.

Theo tiêu chuẩn mới, gia đình anh Dương Ngán Cồ, Nghĩa Thuận, Quản Bạ (Hà Giang) trở thành hộ nghèo. Nhà anh Cồ có 5 khẩu, một năm thiếu ăn một tháng, nhà có 2 con trâu rồi máy sát ngô… Với điều kiện như vậy, nếu theo tiêu chí cũ, gia đình anh là hộ trung bình. Nhưng nay với tiêu chí mới, gia đình anh đã là hộ nghèo.

“Năm ngoái, tôi là hộ trung bình, nhưng năm nay đã là hộ nghèo, cán bộ vừa điều tra. Về cái hộ nghèo tôi không muốn như thế, tôi cũng muốn làm để nó tốt nhưng không lên được”. Anh Dương Ngán Cồ phát biểu.

Là hộ nghèo cũng có nghĩa anh Cồ cùng nhiều hộ gia đình tương tự sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ngay cả xã Nghĩa Thuận với tiêu chí nghèo mới, thì xã cũng là đối tượng được hưởng thụ nhiều chương trình đầu tư.

Ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: “Xã chúng tôi xác định đây cũng là cơ hội để được sự đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện để giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm xuống từ 6 đến 10%”.

Hai năm trở lại đây, huyện Quản Bạ đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế. Tránh tâm lý trông chờ ỷ lại và đảm bảo nguồn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, huyện đã thực hiện hỗ trợ vật tư, giống thay vì hỗ trợ bằng tiền. Có giống, có phân đạm và có nương ruộng, từng hộ nghèo đã được tạo điều kiện tốt nhất để thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hà Giang: “Người dân phải tự mình biết xóa đói nghèo. Chúng ta có hô khẩu hiệu mà người dân không làm thì không ai làm thay cho người dân được. Chính vì vậy chúng tôi tập trung tuyên truyền vận động để cho nhân dân thay đổi tư duy, cách làm, nhất là giảm trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, phải phát huy nội lực”.

Một chuẩn nghèo mới có nghĩa là chất lượng cuộc sống đã được nâng cao. Tuy vậy, chuẩn nghèo mới cũng là sức ép đối với chính quyền cơ sở trong việc thúc đẩy tiến trình xóa nghèo. Cơ hội bao giờ cũng đan xen với thách thức; trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội. Mỗi hộ gia đình nghèo người dân tộc thiểu số nói riêng và người nghèo nói chung đã có những cơ hội và cả thách thức để vươn lên.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước