Có hay không lạm thu xây dựng nông thôn mới?

Thế Dương - Chí Cương -Thứ hai, ngày 27/08/2012 19:45 GMT+7

Bình quân mỗi hộ phải đóng khoảng 17 đầu mục phí các loại, bất kể là hộ nghèo hay không - đó là thực tế từ nhiều năm nay ở xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa. Câu hỏi đặt ra là có hay không việc lạm thu ở đây?

Đường giao thông nông thôn đang được xây dựng tại xã Trường Sơn (Ảnh: Dân Việt)

Là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, người dân xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa đã đóng góp khoảng 10 tỉ đồng cho việc xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó có cả những khoản đóng góp cho nông thôn mới. Tuy nhiên, cách vận động đóng góp, ủng hộ của từng thôn có khác nhau.
Lấy ví dụ ở thôn Kim Phú. Ở thôn này, huy động dân đóng góp đều phải dựa trên hương ước và quy ước của làng, kể cả hộ nghèo, gia đình chính sách. Cụ thể, theo lời ông Nguyễn Trọng Khoa, trưởng thôn Kim Phú, mức đóng góp xây dựng đường bê tông nội thôn là 300.000 đồng/người, trong đó có 100.000 đồng/người là khoản xây dựng nông thôn mới. Theo sổ sách thu chi của các hộ dân trong xã, bình quân mỗi hộ phải đóng khoảng 17 đầu mục phí các loại, riêng cho nông thôn mới, mỗi thôn thu từ 100.000đ đến 150.000đ/hộ.
Cũng theo ông Khoa, theo hương ước, ai cũng phải đóng góp khoản này, tuy nhiên “với các hộ nghèo thì thôn xem xét có thể cho nợ đến vụ thu hoạch mới trả cũng được”.
Còn theo lời ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Nông Cống thì “17 khoản này không chỉ mang tính kinh tế mà có khoản thu mang tính răn đe, giáo dục như xử phạt hộ dân không tuân thủ nghĩa vụ quân sự, không theo quy trình sản xuất hoặc vi phạm an ninh trật tự”. Ông Thành cũng nhấn mạnh, tuy quy định đề ra là vậy nhưng “không phải năm nào cũng thu”.
Cũng theo lời ông Thành, “khi các thôn thu của dân đều phải báo cáo lên xã về chủ trương, định mức thu, xử lý, sử dụng các khoản thu, nên xã đều biết”. Và tất cả những khoản thu này, đều dựa theo Pháp lệnh 34 của chính phủ, “thu cái gì đều do dân bàn, dân quyết định”.
Giải thích cho việc, có hộ phải đóng tiền cho các khoản nợ của thôn, xã mỗi năm lên tới hàng chục triệu đồng, lãnh đạo xã cho biết, trong đó là tiền các hộ dân mua chịu vật tư nông nghiệp của Hợp tác xã, cuối vụ mới thanh toán, chiếm đến hơn 70% tổng thu của hộ đó.
Tuy nhiên, đối chiếu các khoản thu đã được ghi rõ trong bản kê khai, ông Thành cũng thừa nhận, trong việc thu phí của dân xã còn có sai sót chưa kiểm tra hết. Một số quỹ do các tổ chức đoàn thể đứng ra vận động như quỹ Khuyến học, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Văn hóa… đều tập trung một lúc, dẫn đến việc người dân hiểu lầm.
Về vấn đề này, ông Trần Đức Năng, phó văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho rằng, mặc dù việc thu phí đóng góp ở xã Trường Sơn là minh bạch, nhưng địa phương “cũng cần phải tăng cường kiểm tra, giải thích để dân biết chủ trương xây dựng nông thôn mới là vì dân và dân được hưởng lợi”.
Việc các cơ quan báo chí phát hiện xã Trường Sơn đưa ra 17 khoản thu, cũng đã được huyện Nông Cống xem xét và có công văn đề nghị các xã không được lạm dụng nông thôn mới, để thu các loại phí nằm ngoài quy định của nhà nước. Hội Nông dân Việt Nam cũng có văn bản gửi các ban ngành cần rà soát lại các khoản thu phí, cái gì không còn phù hợp, người dân không đồng tình thì nhất thiết phải loại bỏ.
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình hợp lòng dân, tuy nhiên đây là chương trình được triển khai dài hạn với lộ trình đến tận năm 2030. Do vậy, không nên vì áp lực thành tích, chạy đua cho đạt được tiêu chí, mà các địa phương thi đua lạm thu các khoản đóng góp của người dân. Nếu cách làm như thế không được chấn chỉnh, điều chỉnh kịp thời, đến một lúc nào đó sẽ làm chính người nông dân mất niềm tin vào chương trình.

Tin bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước