Được dự đoán mức tăng trưởng khả quan: Cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh cải cách

PV-Chủ nhật, ngày 17/06/2018 09:24 GMT+7

VTV.vn - Những dự đoán của Ngân hàng thế giới về mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam được cho là cơ hội để tiến hành cải cách mạnh mẽ.

Tuần qua, Ngân hàng thế giới đã điều chỉnh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm nay đạt 6,8%, trong khi mức dự báo đưa ra trước đó là 6,5%. Có thể nói, các dự báo tăng trưởng mà nhiều tổ chức nước ngoài đưa ra cho Việt Nam đều rất khả quan, như ngân hàng ANZ dự báo mức tăng trưởng 6,8%, ngân hàng phát triển châu Á ADB còn lạc quan hơn khi đưa ra con số 7,1% cho năm nay. Những điều kiện vĩ mô đang hết sức thuận tiện như hiện nay của Việt Nam là cơ hội để tận dụng cải cách.

Thời báo kinh tế Việt Nam đã trích lời Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới cho rằng giai đoạn kinh tế đang vận hành vững chắc này là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, nhờ đó giải quyết những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng, đồng thời, giảm chi phí thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề cần được ưu tiên.

Trong khi Thời Báo Ngân hàng ghi nhận cải cách nhằm nâng cao chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn của nhà nước tại các DNNN, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh… là những nội dung đang được Việt Nam thúc đẩy. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn nằm dưới mức bình quân của ASEAN-4, do vậy cần tiếp tục cải cách và cải cách mạnh hơn nữa.

Việc Việt Nam duy trì được tăng trưởng vĩ mô ổn định trong thời gian dài vừa qua đã được Ngân hàng thế giới đánh giá cao. Các mục tiêu của nghị quyết 19 rất cụ thể như tăng được 8-18 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới. Dù cho rằng Việt Nam sẽ có những tiến bộ nhất định, nhưng các chuyên gia của tổ chức này cũng thận trọng kiến nghị trong lúc Việt Nam cải cách thì các nước khác cũng sẽ tiến hành cải cách nên việc tăng bậc quá lớn sẽ rất khó khăn.

Nghị quyết 19 năm nay cũng đặt mục tiêu đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Từ nay đến hết năm chỉ còn 6 tháng, đây là một áp lực rất lớn cho các bộ trưởng, các ngành.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 lần này cũng nhấn mạnh đến vai trò của địa phương, thúc đẩy việc đánh giá năng lực cạnh tranh đến cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Với cách làm này, sẽ không còn hiện tượng "trên nóng dưới lạnh" như trước, thay vào đó là "trên nóng, giữa nóng và dưới cũng nóng", tạo ra công cụ "đốt nóng" từ trên xuống dưới.

Là một nước tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và cả nhập khẩu, việc giảm bớt thủ tục, thời gian kiểm tra chuyên ngành là mấu chốt để tăng năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam. Với những hành động muc tiêu cụ thể, sự triển khai và cạnh tranh cùng lúc của các bộ ngành, nghị quyết 19 sẽ sớm đi vào cuộc sống, tiếp sức cho kinh tế tư nhân Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước