Ngày 13 tháng giêng âm lịch, hội Lim – lễ hội lớn nhất và đặc sắc nhất của vùng đất Kinh Bắc vào chính hội. Nhắc đến hội Lim là phải nhắc đến những làn điệu quan họ. Có lẽ cũng vì thế mà nét đặc sắc nhất và được chờ đợi nhất trong hội năm nay chính là việc một kỷ lục quốc gia đã được xác lập – kỷ lục về “nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhất”. Tuy nhiên, nhiều du khách mang một cảm nhận khác về một hội Lim.
Hôm 13 tháng Giêng, “Khách đến chơi nhà” – làn điệu dân ca quan họ như một lời chào gửi đến du khách về với Hội Lim, được thể hiện bởi hơn 3500 liền anh, liền chị đến từ các làng quan họ trên địa bản tỉnh Bắc Ninh và những người yêu quan họ trên khắp cả nước đã chính thức xác lập kỷ lục “nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhất”.
Phát biểu về việc này, ông Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh cho rằng: “Sau khi UNESCO công nhận, việc làm này thể hiện cho UNESCO, cho thế giới biết rằng: quan họ của chúng ta trường tồn và lan tỏa. Tôi cho đây là một kỳ tích”.
Không biết có phải vì muốn được chiêm ngưỡng kỷ lục không mà lượng người về hội Lim năm nay tăng đột biến, dự khiến là hơn 10 vạn người trong mỗi ngày. Có lẽ cũng vì thế mà để được nghe và được xem được các liền anh, liền chị biểu diễn, du khách phải có sức khỏe để… chen. Nhưng chen được rồi cũng khó mà nghe được trọn vẹn một bài, bởi cùng lúc ấy, loa từ các lán sát bên cạnh cũng đang hát quan họ…
Một số trò chơi truyền thống cũng được đưa vào trong lễ hội, nhưng có lẽ, nó đã lọt thỏm giữa biển người tham gia hội Lim.
Anh Tống Quang Tú, du khách từ Chương Mỹ, Hà Nội nói: “Tôi thấy người rất đông, không khí ngột ngạt, cảm thấy rất xô bồ. Nếu nghe các cụ nói về Lim, tôi thấy một nét văn hóa truyền thống rất đẹp, nhưng thực tế, âm thanh nhiễu loạn và đủ thứ tạp”.
Tiến sỹ Đặng Hoành Loan – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hôm nay cũng về hội Lim. Đây là lần 8 ông dự hội. Ông Loan nói rằng, hội ngày xưa khác với bây giờ nhiều quá, khi ấy người ta không phải nghe quan họ trong các ki-ốt cạnh nhau. Nếu bây giờ đến Hội Lim để chờ đợi văn hóa thưởng thức, điều ấy đã quá xa vời.
“Trung tâm của hội dường như bị tan loãng, chỉ thấy ở đây sự ồn ào quá lớn. Nếu về đây để được nghe một câu quan họ cho hay, thực sự là điều đáng buồn bởi không còn câu quan họ hay nữa. Hát trong sự xô bồ thế này không phải nghệ thuật quan họ”, PGS.TS Đặng Hoành Loan ngậm ngùi.
Tạm biệt hội Lim, TS Đặng Hoành Loan nói với chúng tôi rằng: hội Lim này đã thành hội Lim khác.