Khuất tất tại gói thầu xe bus Hà Nội: Có dấu hiệu thông thầu

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/05/2017 08:57 GMT+7

VTV.vn - "Khuất tất tại gói thầu xe bus Hà Nội: Có dấu hiệu thông thầu" là nhan đề bài viết đáng chú ý trên Báo Lao động sáng nay (24/5).

* "Cần làm gì để đảm bảo tăng trưởng GDP?" là nhan đề bài báo đáng chú ý trên tờ Đầu tư và cũng là câu hỏi được rất nhiều chuyên gia nêu ý kiến trong 2 ngày vừa qua.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, muốn thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay theo quyết tâm của Chính phủ thì vẫn nên tính đến phương án tăng khai thác dầu thô và tập trung giải ngân vốn đầu tư. Tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào giá cả dầu thô trên thị trường thế giới, nhưng ít nhất cũng phải bằng năm ngoái hoặc năm kia, thay vì chỉ khai thác 14,2 triệu tấn như kế hoạch. Nhưng lâu dài, để kinh tế phát triển bền vững thì phải chuyển đổi dần mô hình tăng trưởng, không nên quá phụ thuộc vào vốn và tài nguyên thiên nhiên.

* Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với Chính phủ về việc bổ sung vào chương trình năm 2017 dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là dự án Luật được kỳ vọng sẽ mở đường cho phát triển đặc khu kinh tế và lan tỏa tác động tích cực ra cả nước.

Tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam thông tin cụ thể, theo đó, Luật đơn vị hành chính - kinh tế là nội dung rất mới nên Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn nữa nội dung các chính sách cơ bản trong luật, xác định cơ chế, chính sách đặc thù cho từng đơn vị để làm nổi bật thế mạnh của từng địa phương; bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

* Liên quan đến việc Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ thanh tra 60 dự án "đất vàng", Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế) khẳng định trên tờ Thời báo Tài chính: Kiến nghị này không chỉ thể hiện trách nhiệm cao của Bộ Tài chính trong việc thực hiện, chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn đáp ứng và phù hợp với mong muốn của người dân về việc công khai, minh bạch các nguồn lực, trong đó có nguồn lực về đất đai. Những dự án này trước đây là điểm đặt trụ sở hoặc cơ sở của các doanh nghiệp nhà nước nhưng giờ trở thành dự án bất động sản như: Triển lãm Giảng Võ, Công ty Giày da Thụy Khuê, Bến xe Lương Yên….

Câu hỏi mà người dân quan tâm là: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng, những dự án này có thực hiện đúng quy định của pháp luật không và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước chưa?.

* Có dấu hiệu thông thầu tại gói thầu tuyến xe bus 82 (bến xe Yên Nghĩa - Mỹ Đức, bến xe Tế Tiêu) khi công ty Bảo Châu không đủ điều kiện dự thầu nhưng vẫn được Sở Giao thông vận tải Hà Nội chấm trúng thầu.

Theo phản ánh của phóng viên báo Lao động, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: điều kiện để tham dự thầu gói số 2 của Sở Giao thông vận tải là nhà thầu phải có doanh thu 3 năm gần đây tối thiểu là xấp xỉ 40 tỷ đồng. Nhưng báo cáo tài chính 3 năm gần đây của công ty Bảo Châu có tổng doanh thu chỉ gần 30 tỷ đồng. Để "lách" được điều này, công ty Bảo Châu đã nộp một báo cáo mới với kết quả tài chính sai lệch, trong đó đã khai tăng doanh thu 3 năm lên hơn 41 tỷ đồng.

* Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chi ngân sách hơn 5 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 600 sinh viên người dân tộc thiểu số theo học hệ chính quy, tự dự thi và trúng tuyển tại các trường đại học và cao đẳng.

Nhưng cũng như sinh viên hệ cử tuyển, sau khi ra trường, đa số sinh viên hệ chính quy người dân tộc thiểu số đều thất nghiệp. Bài viết trên tờ Dân tộc và Phát triển cho rằng: Phải khẳng định các em là những sinh viên có trình độ, năng lực mới thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và được coi là nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương miền núi. Quan điểm là như vậy nhưng thực tế, các huyện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế không biết bố trí các em vào làm việc ở đâu bởi lý do: Nơi nào cũng đủ biên chế cả rồi.

* Một đề tài nóng rất được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây đó là cấp phép ca khúc. Cục nghệ thuật biểu diễn tiếp tục đưa ra những động thái khiến công chúng cho rằng, đến thời điểm này, Cục mới cấp phép cho các ca khúc đã mòn lối trên sân khấu, thậm chí là Quốc ca của Việt Nam.

Lời xin lỗi chính thức từ người đứng đầu Cục nghệ thuật biểu diễn đã được đưa ra kèm với khẳng định là Cục chưa bao giờ ra quyết định cấp phép cho 300 bài hát ca khúc cách mạng mà chỉ công bố nhằm giảm các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, cách làm này là sai lầm trong phương thức quản lý, ngây thơ trong tư duy.

* Ngày 23/5, khi cho ý kiến dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa số đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh đến việc các Hiệp hội đều có quyền bình đẳng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp bởi rõ ràng, bình đẳng trong các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp là một nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường.

Hơn thế nữa, việc tham gia hoặc không tham gia các Hiệp hội doanh nghiệp là quyền của mỗi doanh nghiệp, không thể bắt buộc, trong trường hợp nào thì nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước