Loại trừ bệnh dại khu vực Đông Nam Á

Đặng Mai-Thứ bảy, ngày 24/08/2013 02:00 GMT+7

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ 1991-2010 đã có 8,9 triệu người Việt Nam nghi bị chó dại cắn, trong đó có 3.500 ca tử vong. Bệnh dại thường xảy ra tập trung ở một số địa phương có tỷ lệ chó được tiêm phòng thấp.

Ngày 23/8, các tổ chức bảo vệ động vật trong Liên minh Bảo vệ chó châu Á đã phối hợp với cơ quan chức năng 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Loại trừ bệnh dại từ chó ở khu vực Đông Nam Á”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, chó, mèo chính là nguồn lây nhiều bệnh giun sán, bệnh tả và các bệnh nguy hiểm khác cho người. Đặc biệt, chó, mèo thả rông, nhập lậu không được tiêm phòng, không được vệ sinh nên nguy cơ lây nhiễm bệnh càng lớn. Trên thực tế, số lượng chó nhập lậu không thể kiểm soát vẫn đang tràn vào Việt Nam mỗi ngày.

Tổ chức Động vật châu Á đã cung cấp nhiều hình ảnh cho thấy, hàng ngàn cá thể chó bị nhốt chặt cứng trên các lồng, cũi nhỏ xếp chồng lên nhau trên các xe tải vận chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam phục vụ cho nhu cầu giết thịt.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ thịt chó đã phát triển từ một ngành kinh doanh hộ gia đình quy mô nhỏ thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD lợi nhuận cho những người buôn lậu chó. Theo ước tính, mỗi năm có tới 5 triệu cá thể chó bị giết để lấy thịt. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, nạn buôn bán chó chính là tác nhân bùng phát dịch bệnh dại ở Indonesia và bệnh tả ở Việt Nam.

‘ Ảnh minh họa

Ông John Dalley, Sáng lập viên Tổ chức Soi Dog Thái Lan nhấn mạnh: “Chỉ cần một động vật nhiễm bệnh cũng đủ để bắt đầu một đại dịch, ngăn chặn cả nguồn cung và lượng cầu đối với thịt chó là việc làm thiết yếu để chấm dứt tình trạng buôn lậu chó - vấn nạn đã gây ra nỗi đau đối với hàng triệu cá thể chó mỗi năm và gây ra mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người”.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế đã cho rằng, nạn buôn chó còn liên quan trực tiếp đến việc bùng nổ các dịch bệnh như giun xoắn, bệnh tả và bệnh dại. Theo điều tra của các nhà hoạt động vì quyền động vật, mỗi năm có chừng 200.000 con chó bị buôn lậu từ Thái sang Việt Nam.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật châu Á khẳng định: “Nạn buôn bán thịt chó đã thúc đẩy việc vận chuyển trái phép một số lượng lớn chó không rõ tình trạng bệnh tật và không kiểm soát tiêm chủng, đồng thời làm giảm hiệu quả của các nỗ lực xóa sổ bệnh dại ở khu vực, tạo ra mối lo ngại sâu sắc đối với cam kết mà các Bộ trưởng Y tế của các nước trong khu vực đã đưa ra đối với việc loại bỏ hoàn toàn bệnh dại vào năm 2020”.

Thực tế, buôn bán chó được coi là hành vi bất hợp pháp ở Thái Lan và nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí người dân còn biểu tình ngăn chặn hành vi này. Các chuyên gia cho rằng, nạn buôn bán thịt chó đều mang lại một mối nguy hại cho cả sức khỏe của con người và quyền lợi của động vật. Tại Hội nghị này, một số mô hình kiểm soát bệnh dại thành công của các địa phương trong khu vực cũng được phân tích, thảo luận và tìm hướng áp dụng phù hợp tại các quốc gia. Đại diện chính phủ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đồng thuận cam kết loại trừ bệnh dại từ chó thông qua việc kiểm soát và chấm dứt nạn buôn bán chó lậu xuyên biên giới, đồng thời thực hiện các giải pháp bền vững.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ năm 1991-2010 đã có 8,9 triệu người nghi bị chó dại cắn, trong đó có 3.500 ca tử vong. Bệnh dại thường xảy ra tập trung ở một số địa phương có tỷ lệ chó được tiêm phòng thấp. Các chuyên gia cho rằng việc nhập lậu chó sẽ gây khó khăn cho công tác khống chế và phòng trừ bệnh dại dù Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch đưa chó, mèo vào diện bị quản lý. Nếu tình trạng nhập lậu chó không được kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các vật nuôi khác, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước