Nghị định mới quản lý TMĐT: Vẫn cần đổi mới thường xuyên

Nguyễn Sơn-Thứ bảy, ngày 22/06/2013 04:08 GMT+7

 Ngày 21/6, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị “Phổ biển Nghị định số 52/2013 về Thương mại điện tử”, thay thế cho Nghị định 57/2006 vốn đã quá lạc hậu so với thực tế phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

Đây là sự kiện được rất nhiều người mong đợi sau khi xảy ra hàng loạt các vụ lợi dụng mạng Internet và hệ thống viễn thông để chiếm đoạt tài sản với số nạn nhân lên tới hàng trăm nghìn người.

Tham dự có đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Khác với Nghị định cũ chỉ có 7 trang giấy A4, Nghị định mới về Thương mại điện tử gồm 80 Điều, 7 Chương, quy định cụ thể về các mô hình và nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử. Trong đó có các điều kiện giao kết hợp đồng thương mại điện tử, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân và an toàn thanh toán.

Với quy định về các nhóm hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thương mại điện tử, Nghị định mới này sẽ ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng mạng Internet và hệ thống thông tin điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như các Công ty MB24, Tâm Mặt Trời hay Cộng đồng Việt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, Nghị định mới chỉ giúp giải quyết được những vấn đề đã bộc lộ trước đây, còn những vấn đề phát sinh là rất nhiều trong lĩnh vực thương mại điện tử.

‘ Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc thương mại điện tử Công ty VCCorp phản ánh: “Các khó khăn có thể kể tới như trong quy định về chế tài, thanh toán điện tử, quy định về thời hạn giao hàng cho khách. Một số khó khăn trong quá trình vận hành website thương mại điện tử… có vướng mắc trong quá trình thực hiện mà chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng”.

Với Nghị định mới này sẽ giải quyết được khoảng hơn 50% vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, do đây là lĩnh vực thay đổi thường xuyên và nhanh chóng, nên chắc chắn sẽ liên tục phát sinh thêm những vấn đề mới. Vì vậy, vấn đề tiếp theo là cần thường xuyên bổ sung, cập nhật kịp thời những quy định mới bằng những thông tư hướng dẫn thực hiện.

Tuy nhiên ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Không thể kỳ vọng tất cả các vấn đề được gói hết và đưa hết vào Nghị định 52, nhưng tôi tin rằng, những vấn đề nóng và vấn đề lớn mà trong thời gian vừa qua đã bộc lộ trên thực tế cũng đã được Nghị định 52 đề cập một cách thấu đáo. Tất nhiên chúng ta cũng sẽ không dừng ở Nghị định 52 mới được Chính phủ ban hành, mà còn đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, soạn thảo những văn bản pháp quy và các khuôn khổ pháp lý khác cần thiết và có liên quan trực tiếp đến thực tiễn của hoạt động thương mại điện tử”.

Chỉ trong vài năm qua, đã có hàng trăm nghìn người là nạn nhân của các vụ lợi dụng dụng mạng Internet và hệ thống thông tin điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tải sản. Chỉ riêng các vụ tiêu biểu như MB24, Cộng đồng Việt và DHT, tài sản bị chiếm đoạt đã là hơn 1.000 tỷ đồng. Nghị định mới này sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới. Thông tư hướng dẫn hiện đang được soạn thảo để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước