Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA: Cú hích đổi mới, tăng trưởng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/02/2020 10:10 GMT+7

VTV.vn - Việc Hiệp định được Nghị viện châu Âu thông qua với sự đồng thuận lớn đã tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam phát triển kinh tế.

Một tin vui cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nông nghiệp, du lịch, các chuỗi cung ứng, đó là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) đã chính thức được nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Sau gần 10 năm bắt đầu khởi động việc đàm phán, với số lượng phiếu thông qua cả 2 hiệp định đều trên 400 là kết quả cao, cho thấy một sự đồng thuận lớn từ phía châu Âu, và khẳng định vị thế của Việt nam như một cường quốc địa chính trị ở Đông Nam Á.

Sau Singapore, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á có thể ký ngay với Liên minh châu Âu một hiệp định có tầm cỡ như vậy. Việc phê chuẩn lần này đã mang lại một vị thế đặc biệt của Việt Nam trong mối quan hệ với Liên minh châu Âu.

Trong bối cảnh dịch COVID19 đang ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, dự báo khiến GDP sụt giảm thì việc phê chuẩn hiệp định sẽ là cú hích cho tăng trưởng. Báo Lao động dẫn dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023. Các sản phẩm như dệt may, thủy hải sản, rau quả, đồ gỗ, hàng điện tử điện thoại và các sản phẩm đặc trưng vùng nhiệt đới của doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội có thêm nhiều đơn hàng sang châu Âu. Bên cạnh đó là cơ hội đón dòng vốn và công nghệ hiện đại từ châu Âu.

Bên cạnh việc giúp thị trường nông, lâm thủy sản Việt Nam thay da đổi thịt, theo tờ Tiền Phong, thị trường EU rộng mở sẽ giúp ngành rau quả Việt Nam giảm dần vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sau ảnh hưởng từ dịch COVID-19, người dân đã có ý thức trong liên kết với doanh nghiệp có uy tín, để sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể xuất được EU, Mỹ hay chính ngạch đi Trung Quốc.

Một đường cao tốc nối giữa Việt Nam với EU là cách ví von nhiều tờ báo nhắc tới cho hiệp định này. Nó khẳng định sự tin cậy thực sự của EU với Việt Nam, với con đường Việt Nam đã chọn. Theo bộ trưởng Trần Tuấn Anh, từ nay đến kỳ họp quốc hội tới, Bộ Công thương sẽ triển khai ngay việc rà soát, hoàn thiện lại kế hoạch hành động của Chính phủ để ngay sau khi 2 hiệp định được phê chuẩn thì chương trình hành động cũng được ký ban hành. Không phải nghiễm nhiên các lợi thế sẽ từ trên giấy trở thành hiện thực, thành công ăn việc làm, thành thu nhập. Điều quan trọng đặt ra hiện nay là thời gian và chất lượng tái cơ cấu.

Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng pháp luật. Đặc biệt EVFTA đã là FTA thứ 13 của Việt Nam nên chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc thực thi tốt nhất hiệp định này. Hiệp định dự kiến sẽ có hiệu lực sau khi quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây.

Nhắc lại việc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng ví hiệp định như một đường cao tốc nối giữa Việt Nam và EU, tờ Thanh Niên đặt câu hỏi chúng ta sẽ chạy bằng phương tiện gì?. Bởi đàm phán mở cánh cửa này khó mười thì việc tái cơ cấu, vận động, thay đổi nội tại của mình để đáp ứng các điều kiện của EU khó trăm. Vì vậy nếu chọn tâm thế vào cuộc nhanh và quyết liệt sẽ là cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Đây có thể nói là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt và liên tục của của các Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong quá trình đàm phán và làm các thủ tục phê chuẩn 2 hiệp định này. Đây là cũng là kết quả của sự phối hợp tốt và chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội. Đặc biệt hơn, năm nay, Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN, việc triển khai hiệp định hiệu quả cũng sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN, nâng cao thêm vị thế của Việt Nam trong khu vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước