Quy định doanh nghiệp không đặt tên "phạm úy" gây tranh cãi

Minh Thư (thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 25/10/2014 22:50 GMT+7

Không thiếu những doanh nghiệp, công ty đặt tên trùng với tên danh nhân tại Việt Nam. Ảnh: Dân Việt

Đây là quy định trong Thông tư số 10 vừa được Bộ VH-TT&DL ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 25/11/2014. Tuy nhiên, quy định này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Xung quanh quy định không được lấy tên danh nhân đặt tên cho doanh nghiệp trong Thông tư 10 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội đặt ra câu hỏi: Hiện có rất nhiều trường dân lập lấy tên danh nhân như THPT Lê Quý Đôn, Đại học Nguyễn Trãi... đây thực chất là doanh nghiệp. Vậy những trường hợp này sẽ xử lý thế nào theo quy định?

Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng: "Những việc làm tốt mà có thể đánh đồng với việc không tốt thì phải làm rõ, tránh trường hợp làm ra quy định chung chung, thiếu tính khả thi hay bất hợp lý gây ra tranh cãi thì không phải điều tốt. Cụ thể hơn nữa là không nói rõ những doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì có được giữ tên đó hay không, mà đổi tên rất phức tạp".

Không chỉ doanh nghiệp, mà đến cả các nhà quản lý cũng tỏ ra bối rối trước quy định này. Bởi 1 tháng nữa, Thông tư 10 sẽ có hiệu lực, nhưng yếu tố quan trọng nhất để có thể thực hiện quy định này thì lại không có.

Ông Từ Danh Trung - Trưởng phòng ĐKKD số 3, Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội cho biết: "Xác định tên danh nhân thì ngay cả chúng tôi là cán bộ quản lý nhà nước dù biết, nhưng không thể biết hết được tên danh nhân, có lẽ Bộ Văn hóa cần ban hành danh sách các danh nhân để cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nắm được để thực hiện".

Luật sư Lê Quang Vinh - Văn phòng luật sư Bross và cộng sự thì cho rằng: "Không có khái niệm nào rõ ràng để biết thế nào là danh nhân, vì vậy có thể với các phòng đăng ký kinh doanh phải sang hỏi Bộ Văn hóa xem đây có thuộc đối tượng điều chỉnh hay không. Với quá trình đặt tên như thế lại phải dây dưa đến nhiều công việc, nhiều Bộ sẽ mất rất nhiều thời gian và được coi là rào cản bất hợp lý với hoạt động thương mại bình thường".

Theo Cục Văn hóa cơ sở, việc đặt tên trùng với danh nhân có thể sẽ trở thành nhạo báng tên tuổi danh nhân nếu doanh nghiệp làm ăn không tốt hoặc có vi phạm. Cân nhắc trong việc đặt tên cho doanh nghiệp được xem là sự trân trọng đối với lịch sử và là cần thiết.

Tuy nhiên, Cục thừa nhận do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên danh sách danh nhân vẫn chưa được ban hành.

Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch giải thích: "Trong thông tư không có quy định hồi tố, vì vậy những doanh nghiệp đã đặt tên trùng với danh nhân trước khi thông tư có hiệu lực thì sẽ không phải sửa đổi. Và đối với các DN đặt mới thì sẽ phải thực hiện theo thông tư và áp dụng trường hợp đó khi có danh sách danh nhân của cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành".

Quy định các doanh nghiệp không được đặt tên trùng danh nhân đã có trong Nghị định 43 của Chính phủ từ năm 2010 và phải sau 4 năm mới có được thông tư. Và dù là văn bản pháp lý thấp nhất, nhưng những hướng dẫn trong thông tư thì vẫn còn rất chung chung. Rõ ràng, khi chưa có được danh sách danh nhân thì việc thực hiện theo thông tư sẽ còn xảy ra nhiều tranh cãi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước