Quy hoạch 3 đặc khu kinh tế ở Phú Quốc, Vân Phong, Vân Đồn

Đặng Tú-Thứ năm, ngày 20/03/2014 20:05 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Qdnd)

Phát triển đặc khu kinh tế ở Việt Nam như thế nào, xây dựng thể chế cho khu vực kinh tế này ra sao, cơ chế đặc thù ở mức độ nào để thu hút nguồn lực của các thành phần đầu tư ngoài khu vực kinh tế?

Đó là hàng loạt vấn đề đã được các nhà khoa học, đại diện các bộ ngành địa phương đưa ra trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Phát triển đặc khu kinh tế, kinh nghiệm và cơ hội” được tổ chức sáng nay (20/3) tại Quảng Ninh. Phát biểu tại cuộc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, những ý kiến tại hội thảo này sẽ được làm cơ sở để Quốc hội cho ý kiến xây dựng luật khung về đặc khu kinh tế tại Việt Nam trong kỳ họp tới.

Không phải đến bây giờ mà từ năm 1997, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng ý tưởng phát triển các đặc khu kinh tế. Nhưng với nhiều lý do, gần đây việc thành lập các đặc khu kinh tế mới được đề đạt lại.

Các ý kiến tại cuộc hội thảo đều nhận định, so với các quốc gia lân cận, việc hình thành các đặc khu kinh tế ở Việt Nam chậm hơn, đây sẽ là thách thức rất lớn nhưng rất có thể lại là cơ hội vì Việt Nam sẽ rút được nhiều bài học kinh nghiệm để xây dựng các đặc khu kinh tế hiệu quả nhất.

Ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: “Phải xây dựng được thể chế cạnh tranh về kinh tế và hành chính, thứ 2 phải xác định ngành nghề phù hợp để tạo sự khác biệt, thứ 3 tạo nguồn nhân lực và thu hút các nhà đầu tư”.

Theo quy hoạch Việt Nam, sẽ có 3 khu vực Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Vân đồn, tỉnh Quảng Ninh sẽ được lựa chọn để xây dựng Đề án thí điểm mô hình Đặc khu hành chính, kinh tế. Dự kiến, đây sẽ trở thành khu vực kinh tế năng động nhất, tự do nhất với nhiều ưu đãi tiên tiến, nổi trội nhất để có sức lan tỏa cho những khu vực kinh tế khác

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang nói: “Khi thành lập các đặc khu chúng tôi hy vọng sẽ tạo lập được các thể chế từ đó tạo các hành lang pháp lý để cạnh trạnh quốc tế”.

Đến nay trên thế giới đã có hơn 3.500 khu kinh tế tự do tại 135 quốc gia. Mỗi đặc khu kinh tế ở các nước đều mang những sắc thái riêng với hàng loạt các biện pháp đặc biệt. Ví dụ như Thâm Quyến chuyển sang kinh tế thị trường để thu hút phần lớn các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới và thực tế đặc khu kinh tế này đã đạt tốc độ phát triển cực nhanh "Mỗi ngày một cao ốc, ba ngày một đại lộ". Trong khi đó, đặc khu kinh tế ven biển Dubai lại đặc trưng bởi tốc độ phát triển nhanh, nhiều kỷ lục, sang trọng và trình độ quốc tế về thể chế.

Giáo sư, Tiến sỹ Đào Nhất Đào, GĐ Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế, Đại học Thâm Quyến Trung Quốc chia sẻ: “Có 2 hình mẫu xây dựng đặc khu kinh tế ở Trung Quốc: Thứ nhất là chọn từ những địa phương có nền kinh tế phát triển còn thấp; thứ 2 là chọn từ địa phương có nền kinh tế phát triển cao có nhiều tiềm năng, lợi thế từ đó kéo theo cả khu vực, quốc gia cùng phát triển. Cùng với đó cần phải tạo một bộ máy chuyên nghiệp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào đặc khu kinh tế”.

GS. TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Có thể chúng ta phải thuê các công ty tư vấn tầm cỡ thế giới để tư vấn để đưa các nhà kinh doanh đến để tìm kiếm lợi nhuận, tức là chỗ người ta đang cần”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc xây dựng các đặc khu kinh tế đã và sẽ là đòi hỏi tất yếu để tạo thành những động lực kinh tế cho đất nước. Quốc hội sẽ sớm xây dựng, thông qua Luật khung về đặc khu kinh tế. Trên cơ sở đó, xây dựng, ban hành các thể chế hành chính và kinh tế có sức cạnh tranh với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước