Tăng cường xét xử lưu động án ma túy

Liên Liên-Thứ ba, ngày 03/07/2012 07:00 GMT+7

Góp phần đem lại hiệu quả cao trong việc tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm ma túy, thời gian qua, nhiều vụ án đã được Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử lưu động.

Xét xử lưu động góp phần tăng cường giáo dục pháp luật trong cộng đồng. Ảnh: Internet

Sáng sớm, tại Nhà văn hóa thôn La Dương, xã Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, hàng trăm người dân đã có mặt để dự phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Thị Phương Mai và Nguyễn Quốc Huân về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Phiên tòa bắt đầu cũng là lúc hội trường chật kín người. Với những người dân ở thôn La Dương, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến xét xử lưu động vụ án mua bán ma túy tại nhà văn hóa thôn.
Bà Nguyễn Thị Chi, thôn La Dương, xã Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Tôi nghe tin có xét xử vụ buôn bán ma tuý nên đến xem, quả thật đây là lần đầu tôi xem. Qua theo dõi phiên tòa, tôi biết thêm được những quy định của pháp luật, tôi không nghĩ quy định của nhà nước với mua bán ma túy lại nặng như vậy…, tôi sẽ dạy bảo con cháu mình đừng bao giờ mắc phải”.
Theo bản cáo trạng: Bùi Thị Phương Mai và Nguyễn Quốc Huân đã đem heroin từ Hải Phòng lên Hà Nội bán kiếm lời thì bị bắt quả tang cùng tang vật. Ngoài ra, Bùi Thị Phương Mai còn cất giữ ma túy tổng hợp tại nơi ở của mình để bán. Tại phiên tòa, 2 bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. 20 năm tù là mức án mà Hội đồng xét xử đã tuyên đối với mỗi bị cáo.
Việc đưa các vụ án ma túy ra xét xử lưu động và xử lý nghiêm minh như thế này đã có tác dụng không nhỏ trong quần chúng nhân dân.
Thẩm phán Trần Mạnh Hà, Tòa hình sự - Tòa án nhân dân TP.Hà Nội khẳng định: “Đưa những vụ án ma túy xét xử lưu động như thế này là một cách tuyên truyền pháp luật trực tiếp đến người dân, qua theo dõi phiên tòa, người dân sẽ hiểu được cụ thể những quy định của pháp luật, từ đó có công tác phòng ngừa”.
Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xét xử tại trụ sở tòa án thường vắng người, ngoài những người được Tòa triệu tập chỉ có thêm vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thì nhiều người không thể chen nổi vào hội trường xét xử. Thông qua việc theo dõi phiên tòa và kết quả xét xử, người dân có điều kiện tiếp thu, hiểu biết thêm các quy định của pháp luật, vì vậy việc đưa xét xử lưu động, đặc biệt là những vụ án ma túy không những thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, mà còn có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa chung và phát động quần chúng tham gia công tác phòng, chống ma tuý.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước