Thành cổ Luy Lâu và câu chuyện buồn của một di tích

Việt Hùng (Ảnh: Thể thao & Văn hóa)-Thứ năm, ngày 18/07/2013 17:49 GMT+7

 Thành cổ Luy Lâu, từng là một thành cổ nổi tiếng phồn hoa, đô hội của xứ Giao Chỉ xưa. Tuy nhiên hiện nay, những chứng tích của một thời kỳ lịch sử với sự giao thoa văn hóa lớn của dân tộc, đang trở thành câu chuyện buồn về bảo tồn di sản.

Thành cổ Luy Lâu, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - tôn giáo đầu tiên và từng là niềm tự hào của nền văn minh đồng bằng sông Hồng những năm đầu Công nguyên giờ đang dần trở thành một khu di tích hoang phế với sự xâm lấn không thể chấp nhận được của chính cộng đồng địa phương tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang là câu chuyện được dư luận quan tâm trong những ngày vừa qua. Câu hỏi được nhiều người đưa ra là, tại sao một khu di tích lịch sử - văn hóa quan trọng như vậy của dân tộc lại bị lãng quên và thực tế Luy Lâu giờ còn lại những gì?

Từng là một ngôi thành cổ từng nổi tiếng phồn hoa, đô hội của xứ Giao Chỉ xưa, tuy nhiên cho tới nay chỉ còn lại một cây cầu đá ngót 2.000 năm tuổi dẫn vào ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp, người đầu tiên đưa Nho giáo vào Việt Nam. Quá khứ huy hoàng như vậy, nhưng trải qua thời gian đã chẳng ai còn nhớ tới Luy Lâu của ngày nào nữa. Vì thế mà những người trông coi ngôi đền ở đây giờ phải treo tấm biển công nhận Di tích quốc gia của Bộ Văn hóa ra tận ngoài cửa đền, để mọi người còn biết đây thực sự là một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

‘ Thành cổ Luy Lâu còn giữ được cây cầu đá cổ kính trên đường vào của đền thờ Sĩ Nhiếp là chứng tích may mắn vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Thiện Chiến, Thủ nhang đền thờ Sĩ Nhiếp, di tích thành cổ Luy Lâu, Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi phải treo tấm bằng công nhận ra cổng, để đỡ mối mọt. Hơn thế, để trong kia tối tăm, người dân đến, có những người không đọc được, không biết đây là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.

Luy Lâu được các chuyên gia xác định là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa tiền thân của Đại La và Thăng Long sau này. Vì vậy, đây là một khu di tích, khảo cổ học vô cùng quan trọng mà phát hiện quan trọng nhất gần đây là việc tìm thấy khuôn đúc trống đồng. Năm 1999, Bắc Ninh cũng đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ di tích với hơn 100.000 m2. Nhưng hiện tại, giữa vùng lõi của di tích, ngay bên cạnh đền thờ Sĩ Nhiếp và ngôi chùa Phi Tướng, người dân địa phương vẫn tiến hành trồng cấy, thậm chí là rất nhiều ngôi mộ cũng được đặt tại đây. Theo các chuyên gia, đây là một sự xâm phạm không thể chấp nhận được đối với một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

‘ Tấm biển công nhận "Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia" được treo ngoài cổng đền để người tới thăm biết được thành cổ Luy Lâu là di tích quốc gia.

‘ Cánh cửa vào hậu cung phải chằng bằng đủ loại dây thép để chống sập.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết: “Từ việc xâm hại di tích như vậy, cho tới việc người thủ nhang đền thờ Sĩ Nhiếp phải treo bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ra tận ngoài cổng đền, cho thấy Luy Lâu đang thực sự dần trở thành hoang phế. Người ta không quan tâm đến nó, bỏ mặc nó. Rõ ràng, đối xử với lịch sử dân tộc như vậy sẽ là một sai lầm rất lớn”.

Hiện tại, thành cổ Luy Lâu còn lại rất ít di tích, trong khi đó địa phương lại không có đủ khả năng để tiến hành những dự án quy hoạch và khảo cổ lớn đối với khu di tích quan trọng này. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới việc Luy Lâu, một di tích minh chứng cho một thời kỳ phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc đang dần trở thành phế tích trong sự quên lãng của chính người dân địa phương.

Hiện tại, những người đi qua khu phố Dâu, trung tâm của xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành chỉ còn biết tới thành cổ Luy Lâu thông qua cái cổng chào. Trong khi đó, những di tích còn sót lại bên trong minh chứng cho một thời kỳ phồn hoa, đô hội vàng son của đầu mối đầu tiên tiếp nhận Phật Giáo, Nho Giáo. Đó cũng là những minh chứng, khẳng định sự tự cường của văn hóa bản địa khi tiếp nhận một cách có chọn lọc những dòng văn hóa lớn. Tuy nhiên, những minh chứng ấy vẫn đang ngày một mục nát dần cùng với thời gian và sự quên lãng của các cơ quan quản lý văn hóa và của chính người dân địa phương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự: Thành cổ Luy Lâu bị xâm hại, ghi lại những hình ảnh hiện tại của thành cổ Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh trong chương trình Thời sự 19h00 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước