Thủ tướng: Không được để xảy ra sự cố môi trường biển lần thứ hai

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 17/05/2018 19:12 GMT+7

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị . (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp nhằm bảo vệ môi trường trong cả nước, nhất là không được để một vụ việc như Formosa xảy ra lần thứ hai.

Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Công ty Hưng nghiệp Formosa - Hà Tĩnh gây ra cách đây 2 năm đã diễn ra tại tỉnh Quảng Trị. Phát biểu kết luận vào đầu giờ chiều nay (17/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp nhằm bảo vệ môi trường trong cả nước, nhất là không được để một vụ việc như Formosa xảy ra lần thứ hai.

Ít có hội nghị tổng kết nào mà cả Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng cùng đi kiểm tra kết quả trước khi nghe các báo cáo. Sau huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tối 16/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm bà con ngư dân tại cảng cá Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. 

Sau Quảng Bình và Hà Tĩnh, thì Quảng Trị là tỉnh bị thiệt hại nặng thứ 3 do sự cố môi trường biển. Nhưng đến ngày hôm nay, bà con ngư dân trong tỉnh đã trở lại vươn khơi khai thác trên biển bình thường. 

Năm ngoái, cả 4 tỉnh đã khai thác được gần 152 nghìn tấn tăng 23% so với năm 2016. Trong 2 năm qua Bộ Y tế đã lấy trên 1.000 mẫu hải sản ở vùng biển 4 tỉnh và 300 mẫu đối chứng tại 3 tỉnh, thành không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển để so sánh, đánh giá. Để khẳng định cá ở biển miền Trung đã thực sự an toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mua liền 15kg cá bà con ngư dân ở cảng Cửa Việt vừa đánh bắt.

Tại hội nghị, theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức thông báo kết quả mới nhất về kiểm tra hải sản ở 4 Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Đã có trên nửa triệu người thuộc 130.000 hộ ở 22 huyện vùng ven biển từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển do Công ty Hưng nghiệp Formosa - Hà Tĩnh gây ra vào cuối tháng 4 năm 2016. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phải đối mặt với sự cố môi trường hết sức nghiêm trọng. Sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Formosa đã phải nhận trách nhiệm và chịu bồi thường 500 triệu USD, tương đương trên 11.000 tỷ đồng.

Đến nay, 99,1% trong gần 7.000 tỷ đồng tiền đề bù được Thủ tướng quyết định đã được trao đến tận tay bà con. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung thì môi trường biển đã được khôi phục hoàn toàn. Số tiền còn lại gần 3.000 tỷ đồng, sẽ được sử dụng để tạo sinh kế và chuyển đổi nghề cho bà con.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mặc dù sự cố môi trường biển xảy ra ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn, song chính nhờ chỉ đạo xử lý kịp thời, công khai minh bạch, tất cả vì quyền lợi của người dân, nên nhân dân đã tin Đảng, tin chính quyền. 

Thông qua việc xử lý khéo léo, có lý, có tình vụ việc này, nên các nhà đầu tư nước ngoài đã giữ vững niềm tin đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Hiện, toàn bộ các số liệu về môi trường của Formosa Hà Tĩnh đều được gửi liên tục về Bộ Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Ngày mai, Formosa sẽ được phép đưa lò cao số 2 vào hoạt động và dự kiến đến cuối năm sẽ sản xuất được từ 4,5 - 5 triệu tấn thép, đóng góp ngân sách cho Hà Tĩnh hơn 6.000 tỷ đồng riêng năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định môi trường là một trụ cột của sự phát triển, cùng với kinh tế, xã hội, tạo thành một tam giác phát triển. Tất cả các địa phương cần giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. 

Từ sự cố Formosa, phải làm tốt hơn việc bảo vệ môi trường, không được để ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nguồn nước. Vì thế Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đề xuất các giải pháp để bảo đảm môi trường trong đó có môi trường biển của Việt Nam được gìn giữ lâu dài. 

Trong đó, cần lắp đặt thêm những điểm quan trắc môi trường tự động ở các thành phố lớn, các Khu công nghiệp và các nơi đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc này phải công khai, minh bạch để người dân và cộng đồng giám sát. Bên cạnh đó, cần công khai bộ chỉ số đánh giá, thẩm định, kiểm tra chất lượng bảo vệ môi trường của các tỉnh và doanh nghiệp. Bởi mặc dù, Việt Nam tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhưng các doanh nghiệp phải bảo vệ môi trường để nhân dân có cuộc sống bình yên. 

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ nghiên cứu thuế môi trường đối với các chủ thể kinh tế gây ô nhiễm để thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Công Thương nghiên cứu để thí điểm thành lập thị trường mua bán phát thải khí carbon.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải kiểm tra định kỳ nghiêm túc đối với Formosa và các cơ sở công nghiệp ven biển miền Trung, nhằm tuyệt đối không để một vụ Formosa thứ 2 xảy ra. Còn Bộ Y tế phải tiếp tục giám sát để bảo đảm an toàn thực phẩm tuyệt đối đối với thủy sản. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành tiếp tục hướng dẫn các tỉnh tháo gỡ vướng mắc trong chi trả tiền bồi thường, nhất là đẩy nhanh giải quyết các vướng mắc trong xử lý thủy sản tồn đọng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước