Tiếc nuối những di sản "xấu số" ở Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 19/04/2019 20:09 GMT+7

VTV.vn - Không ít di sản đang hấp hối hoặc thậm chí biến mất không ai hay, trong đó có cả những nhà thờ có tuổi đời được tính bằng thế kỷ.

Ngày 5/8/2017, nhà thờ Trung Lao (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bốc cháy. Được xây dựng năm 1888, trước khi xảy ra hỏa hoạn, đây là một trong những nhà thờ cổ kính nhất thành Nam, một kiến trúc độc đáo kết hợp giữa yếu tố Gothic, Tây Ban Nha và Việt Nam chưa phải trùng tu trong gần 130 năm tồn tại. Đáng tiếc, không giống như Nhà thờ Đức Bà Paris được cứu những phần kiến trúc quan trọng, nhà thờ Trung Lao đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Ví dụ khác là Nhà thờ Trà Cổ (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) từng được coi là nhà thờ đẹp nhất ở vùng Đông Bắc. Là điểm đến mang giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ, đậm nét kiến trúc Pháp, công trình có tuổi đời hơn 120 năm được đập bỏ để nhường chỗ cho một trình to lớn hơn, hiện đại hơn, thay vì bảo tồn tôn tạo như không ít người tiếc nuối di sản vẫn nghĩ.

Hiện mới chỉ có một nhà thờ ở Việt Nam là Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình được xếp hạng Di tích quốc gia, được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Nhưng với nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM, Nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ gỗ ở Kon Tum hay hình ảnh hoài niệm về nhà thờ Trà Cổ mà nay đã được đập đi xây lại, mới thấy rằng, các nhà thờ Công giáo ở Việt Nam cũng có những giá trị lớn về mặt kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật cần được công nhận và bảo tồn.

Dĩ nhiên, không riêng gì các công trình tôn giáo như nhà thờ, đình, chùa việc cải tạo và bảo tồn các tòa nhà cũ là rất tốn kém. Xây dựng mới các khi các công trình cũ, chắc chắn là rẻ hơn nhiều và dễ hơn nhiều so với việc nỗ lực cải tạo và bảo tồn công trình di sản cổ. Nhưng cái giá phải trả cho sự mất đi của di sản chưa bao giờ rẻ.

Giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn vẫn luôn là bài toán khó với nhiều quốc gia đang phát triển, không riêng gì Việt Nam. Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra ngay trong giới nghiên cứu, cơ quan quản lý và người dân.

Một ví dụ khác nữa là "Vườn xuân Trung - Nam - Bắc" - kiệt tác để đời của danh họa Nguyễn Gia Trí. Tác phẩm được công nhận là Bảo vật quốc gia sau thời gian được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vệ sinh. Là học trò của danh họa, từng tham gia vào khâu cuối cùng của tuyệt tác sơn mài này như đánh bóng, làm vàng, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt cho rằng, chính việc vệ sinh này đã khiến tác phẩm xuống cấp trầm trọng.

Vườn Chuối là di chỉ khảo cổ 3.500 tuổi độc nhất vô nhị của Hà Nội và của cả nước. Gần 1 năm sau văn bản chỉ đạo bảo tồn nguyên trạng của UBND TP Hà Nội, công trình thi công đường vành đai 3,5 đang tiến hành đã san ủi vào lõi của di chỉ khảo cổ này.

Đó là câu chuyện của cả một di chỉ, chứng tích còn lại duy nhất của Văn hóa Hùng Vương. Cách đây không lâu, 16 trong số 18 pho tượng La Hán ngay tại chùa Long Khánh, Hà Nội bị đập phá không rõ nguyên nhân. Còn bức tượng Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt, kiệt tác kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX hiếm hoi còn tồn tại đến nay, sau 2 lần mất cắp đã không còn nguyên vẹn như xưa.

Rất nhiều di sản đang "kêu cứu" và thậm chí là không thể phục hồi sau danh nghĩa "trùng tu". Có nhiều thứ có thể mua được bằng tiền nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả.

Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris - Di sản có biến mất? Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris - Di sản có biến mất? Khu tập thể - 'di sản' văn hóa sống của đô thị Khu tập thể - "di sản" văn hóa sống của đô thị Những thách thức với bảo tồn di sản ở Việt Nam Những thách thức với bảo tồn di sản ở Việt Nam

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước