Vụ TQ đặt giàn khoan trái phép: Việt Nam cần cương quyết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

PV-Chủ nhật, ngày 11/05/2014 17:11 GMT+7

Ông Nguyễn Hùng Sơn trao đổi tại chương trình Toàn cảnh thế giới

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông - về hướng giải quyết vấn đề của Việt Nam trước sự nghiêm trọng ngày một gia tăng sau hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc.

Các tổ chức quốc tế và khu vực như LHQ, ASEAN, cùng với nhiều quốc gia đều chung nhận định rằng, sự kiện Trung quốc đặt dàn khoan là rất nghiêm trọng và có thể phương hại ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực. Thậm chí, nhiều nước như Mỹ và Nhật Bản còn đánh giá đây là một hành động gây hấn, khiêu khích không cần thiết, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Trước tình hình căng thẳng đó, ông Nguyễn Hùng Sơn cho rằng, một quốc gia như Việt Nam "cần phải là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và kiên trì, cương quyết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chúng ta cần phải đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao trên cả các kênh song phương và đa phương… để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế và kêu gọi sự hợp tác của họ trong việc duy trì, chung tay bảo vệ hòa bình ở biển Đông...".

PV: Trong những năm qua, quy định của Công ước khung về luật biển UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển đã vạch ra ranh giới pháp lý trên Biển Đông. Nhưng bằng hành động của mình, Trung Quốc đã phớt lờ luật pháp quốc tế đó. Vậy ông nghĩ như thế nào về cách ứng xử của nước nhỏ như Việt Nam một khi Luật biển bị phá vỡ?

Ông Nguyễn Hùng Sơn: Trong hơn 30 năm qua, từ khi UNCLOS được ký kết và có hiệu lực, đóng góp của Công ước luật biển quốc tế năm 1982 vào việc tạo lập trật tự thế giới trên biển rất rõ ràng trong việc duy trì hòa bình và ổn định chung của cả thế giới. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thương mại biển. Nếu không có đóng góp đó, quá trình phát triển kinh tế biển, quá trình toàn cầu hóa sẽ không thể nhanh chóng trong suốt hơn 20 năm qua.

Chính Trung Quốc được lợi rất nhiều từ trật tự thế giới trển biển này, từ việc phát triển của thương mại toàn cầu, từ việc phát triển toàn cầu hóa. Mà Trung Quốc lại đang cố tình phá vỡ trật tự đó. Tuy nhiên, việc một mình Trung Quốc phá vỡ, không tuân thủ nghiêm chỉnh luật biển này không có nghĩa là luật biển bị phá vỡ. Trái lại, các quốc gia trên thế giới càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng phải duy trì trật tự trên biển, duy trì tính hiệu lực của Công ước luật biển 1982.

Chúng ta thấy rất rõ, trong lời kêu gọi gần đây của các quốc gia, họ đều kêu gọi các bên phải tuân thủ chặt chẽ Công ước luật biển, làm rõ yêu sách của mình trên cơ sở Luật pháp quốc tế. Vì vậy, tôi cho rằng, một quốc gia nhỏ như Việt Nam, càng cần dựa vào Công ước luật biển để bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng ta phải gia tăng hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới để gia tăng nhận thức của cộng đồng quốc tế nói chung về luật biển, làm thế nào để áp dụng luật biển vào thực tiễn của cuộc sống và trong quan hệ quốc tế.

PV: Nhìn vào quá trình đấu tranh của Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích cũng như chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam đã thực hiện các đối sách như nỗ lực thúc đẩy đàm phán song phương, đưa ra diễn đàn đa phương và khu vực, từng bước một giải quyết những bất đồng trên biển phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Những biện pháp này, theo ông đã đạt được hiệu quả như thế nào? Dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình hình, liệu Việt Nam sẽ có phương cách ứng xử tiếp theo như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Sơn: Tôi cho rằng những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam có cả các kênh song phương và đa phương vừa qua đã đóng góp rất lớn cho việc nâng cao nhận thức của cộng đồng khu vực và thế giới về tầm quan trọng của biển Đông, về ý nghĩa của vấn đề biển Đông đối với hòa bình, ổn định chung của cả khu vực, về lợi ích chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đối với việc duy trì hòa bình và bảo đảm ổn định khu vực.

Mặc dù, họ không phải các nước có yêu sách trực tiếp đối với các tranh chấp chủ quyền biển Đông nhưng họ vẫn thấy vấn đề biển Đông có ý nghĩa và có lợi ích gắn bó với họ vì đây là vấn đề diễn giải luật pháp quốc tế, áp dụng luật pháp quốc tế trong cuộc sống, vấn đề bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải mà đó là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Vì vậy, các nỗ lực ngoại giao của chúng ta đã đóng góp rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng quốc tế nói chung. Nhờ vậy, vấn đề biển Đông đã trở thành trung tâm trong Nghị sự về an ninh của các diễn đàn khu vực. Điều đó đóng góp rất nhiều cho việc giúp tạo ra khuôn khổ, cơ chế và xây dựng các chuẩn mực khu vực để điều tiết hành vi của các bên ở biển Đông.

Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần phải là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và kiên trì, cương quyết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chúng ta cần phải đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao trên cả các kênh song phương và đa phương… để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế và kêu gọi sự hợp tác của họ trong việc duy trì, chung tay bảo vệ hòa bình ở biển Đông...

Để lắng nghe thêm những phân tích của ông Nguyễn Hùng Sơn, quý vị và các bạn có thể click vào video dưới đây và theo dõi:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước