Xu hướng ăn tết Tây của người Việt

Cẩm Tú-Thứ tư, ngày 01/01/2014 17:30 GMT+7

Hiện nay, xu hướng ăn Tết Tây của người Việt ngày càng rõ rệt hơn bên cạnh Tết cổ truyền của dân tộc.

Có người nói vui rằng: Người Việt Nam hơn nhiều dân tộc khác vì có được hai cái Tết trong một năm: Tết dương lịch (Tết Tây) và Tết âm lịch (Tết ta).

Với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trước đây ông bà ta thường chỉ ăn Tết âm lịch với rất nhiều phong tục truyền thống. Nhưng hiện nay, xu hướng ăn Tết Tây của người Việt cũng ngày càng rõ rệt hơn bên cạnh cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Từ thời Pháp thuộc, lịch Tây bắt đầu được sử dụng tại nước ta. Ngày đầu năm mới theo dương lịch được ông bà xưa gọi là Tết Tây. Từ cái tên gọi đã thể hiện sự phân biệt: Tết của người phương Tây.

Ngày nay, Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ truyền thống. Trong ngày này, gia đình ông Bùi Văn Dũng ở thôn Cẩm Toại Tây, Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng, cũng rộn ràng sắp đặt để hương khói tổ tiên và chờ con cháu về sum họp.

Ông Bùi Văn Dũng cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ chuẩn bị Tết âm lịch, bây giờ, Tết Tấy cũng là dịp để sum họp gia đình”.

Nếu như trước đây ông bà ta chỉ chú trọng vào cái Tết nguyên đán, hiện nay bên cạnh Tết cổ truyền, xu hướng “ăn” Tết Tây ngày càng rõ rệt, nhất là với các gia đình trẻ, ở các thành phố lớn. Dù chỉ là một ngày nghỉ lễ trong năm nhưng với họ, đó là thời gian đặc biệt để mở ra một năm mới với nhiều hy vọng mới, đoàn tụ bên gia đình, sum họp với bạn bè để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp.

Chị Nguyễn Võ Huyền Dung, người dân thành phố Đà Nẵng nói: “Ngày trước, mọi người nghĩ Tết dương lịch là ngày của người phương Tây. Hiện nay, xu hướng Tết dương lịch cũng là ngày mọi người vui chơi nghỉ ngơi giải trí. Đó cũng là ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong ngày này, gia đình tôi cùng nhau mua sắm, chuẩn bị cho năm mới thành đạt và hạnh phúc hơn”.

Mỗi người một cảm xúc, một cách tận hưởng ngày đầu năm mới, nhưng ai cũng lắng lòng cùng với sự chuyển giao của đất trời. Nhịp sống cũng chậm lại giữa những tất bật hối hả cuối năm. Phố phường cũng trở nên sạch đẹp khang trang hơn.

Anh Đinh Lê Vũ, người dân thành phố Đà Nẵng nói: “Ngày xưa người ta ít quan tâm Tết Tây, nay du nhập giao lưu văn hóa nên người dân Đà Nẵng quan tâm đến Tết Tây nhiều hơn. Thời khắc Tết Tây cũng như sự khởi đầu và sự khởi đầu nào cũng khiến người ta hy vọng vào những điều tốt lành may mắn”.

Tết Tây giờ đây đã trở thành ngày lễ và là nét đẹp văn hóa chung của người Việt Nam, là ngày để mỗi người quên đi mọi lo toan để chúc nhau một năm mới ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước