GLTT với nhà văn Lê Lan Anh

VTV News-Thứ hai, ngày 24/06/2013 14:54 GMT+7

Nhà văn Lê Lan Anh - tác giả tiểu thuyết "Ở đất kẻ thù" đã có buổi GLTT với độc giả tại VTV News.

Là một doanh nhân nhưng những hoài niệm về quá khứ dân tộc và cuộc đời mình đã khiến Lê Lan Anh cầm bút khi đã ngoài 50 tuổi và chị được độc giả biết đến với tiểu thuyết mang tên Ở đất kẻ thù.

Lê Lan Anh tìm đến với văn nghiệp, bởi sự thôi thúc trong tâm cảm của chính mình về giá trị cuộc sống, tình người, lòng yêu nước… “Những kí ức về những năm tháng chiến tranh, khi mới 14 tuổi đã theo tôi suốt 40 năm qua, nên những gì nung nấu, ấp ủ trong người, mọi cảm xúc, lòng yêu tổ quốc tôi đổ hết ra trang sách, và chỉ khi cuốn Ở đất kẻ thù hoàn thành, tôi mới thấy nhẹ nhõm đi” - nhà văn Lê Lan Anh chia sẻ.

Nghiêm khắc nhìn nhận, chị hiểu viết văn không hề dễ dàng gì, lại là câu chuyện chiến tranh - vấn đề khó nhằn và đã có nhiều người đề cập. Ban đầu chị còn không biết phải bắt đầu câu chuyện của mình ra sao, cách viết, bố cục, tuyến nhân vật… như thế nào.

‘ Nhà văn Lê Lan Anh

Vì thế, người đàn bà 50 tuổi này đã quyết tâm gạt bỏ công việc kinh doanh đang rất tốt rồi sang Mỹ chỉ với một mục đích... học tiếng Anh để có thể đến các bảo tàng, vào được thư viện Mỹ lục lọi tài liệu, gặp gỡ các nhân vật phục vụ cho viết sách. Sau đó, chị trở về Việt Nam để Ở đất kẻ thù được viết liên tục trong 3 tháng tại Mỹ và khi trở về Việt Nam chị dành thêm 3 tháng để chỉnh sửa lần cuối và xuất bản. Vốn là người phụ nữ năng động nhưng khi đắm chìm với văn học, chị tự “cấm túc” mình chỉ để hoàn thành bằng xong tác phẩm.

Đây cũng là lần đầu tiên một cuốn tiểu thuyết Việt Nam do người Việt Nam viết lại lấy nhân vật trung tâm là một tù binh Mỹ - nguyên mẫu từ thượng nghị sĩ John McCain. Ở đất kẻ thù kể lại câu chuyện về viên phi công Mỹ bị các nông dân Việt Nam bắt sống cho tới khi anh ta bị giải về trại giam tại Hà Nội. Trong vòng 20 tiếng đồng hồ bị tạm giam tại ngôi làng, tiếp xúc với lão nông, cô con gái 14 tuổi của ông và những người nông dân nơi đây, tù binh người Mỹ đã chứng kiến sự khốc liệt và tàn bạo của cuộc chiến mà trước đó anh ta không thể hình dung. Cùng lúc, anh ta cũng cảm nhận được tấm lòng nhân hậu của những người dân Việt Nam.

Vào 15h ngày 24/7, nhà văn Lê Lan Anh đã có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả tại VTV News. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung cuộc trò chuyện!

Cô ơi! cháu xem chương trình Talk Cafe sáng VTV3 thấy cô nói cô không nhận mình là nhà văn, vậy cô thích nhận mình là gì? Một người yêu văn chương, có tác phẩm được xuất bản và dịch tại Pháp, tại sao không thể gọi là nhà văn ạ? Theo cô, một người sáng tác một ca khúc và (Nguyễn Tiến Đạt, tiendatnguyen@gmail.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi thích gọi tôi là tác giả của cuốn sách Ở đất kẻ thù. Đâu cứ phải nhà văn mới có sách xuất bản tại Pháp. Các nhà khoa học thậm chí, những nghệ sỹ nghiên cứu về nhạc cụ, nhạc dân tộc cũng có sách xuất bản tại Pháp.

Tiếng Việt mình cứ ai sáng tác, nhạc, ca khúc và giao hưởng thì đều gọi là nhạc nhưng ở tiếng Anh phân rất rõ. Ví dụ bạn sáng tác một ca khúc song-maker, còn sáng tác bản giao hưởng gọi là composer... Ở Việt Nam, ai cũng gọi nhạc sỹ thì tôi không rõ lắm vì từ sáng tác đến một bản giao hưởng thì "một trời một vực" vì sáng ca khúc thì không cần học, chỉ cần một cảm xúc bất chợt cộng với khiếu âm nhạc thì có thể viết và nổi tiếng luôn. Ví dụ như ông Placide Cappeau chỉ là một người nấu rượu vang nhưng đã sáng tác một ca khúc bất hủ được biết tới nhiều nhất trên thế giới - Holy night. Tuy nhiên, chưa ai gọi ông ấy là composer mà chỉ gọi là song-maker.

‘ Cháu rất hâm mộ cô vì hơn 50 tuổi cô sang Mỹ học tiếng Anh, điều gì hối thúc cô làm việc này? (Bùi Thị Xuân, Đà Nẵng)

Nhà văn Lê Lan Anh: Không phải 50 tuổi mà là 52 tuổi sang để học tiếng Anh tìm hiểu người Mỹ, văn hóa Mỹ đến tất cả những nơi như trường học, học viện Hải quân Hoa Kỳ, thư viện... để xây dựng được nhân vật Jim. Vì có tiếng Anh thì mới làm được những việc trên.

Chị Lan Anh thân mến! Chị có phải là chị gái ruột của họa sĩ Lê Thanh Sơn không? Tôi là người mê tranh của anh ấy. Nếu đúng thì chị là con nhà nòi đúng không? Bố mẹ chị có phải là nghệ sĩ không? (Tóc xù, cobetocxuxu_19@gmail.com, HN)

Nhà văn Lê Lan Anh: Đúng! Tôi là chị ruột của họa sỹ Lê Thanh Sơn. Bố mẹ tôi không phải nghệ sỹ nhưng có máu nghệ sỹ. Hằng đêm bố tôi vẫn kéo vilon, mẹ tôi đánh ghita, thổi kèn và hát. Mẹ tôi thuộc kinh khủng các bài hát. Hầu như bài nào trước kia bà cũng biết và giờ vẫn say mê hát mặc dù đã ở tuổi 82. Bất cứ ai yêu cầu, bà sẵn sàng hát với cả trái tim mình với đầy xúc cảm.

Tại sao chị lại đặt tên cho cuốn sách của mình hay và xúc tích đến vậy: Ở đất kẻ thù . Chị tìm ý tứ ở đâu để tìm tên cho đứa con tinh thần của mình vậy? (Phạm Thị Thanh Xuân, Nghệ An)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi đã tìm được 25 cái tên trước khi cái tên Ở đất kẻ thù xuất hiện. Tại sao ư? Vì 25 cái tên tôi vẫn chưa hài lòng. Cho đến một ngày tôi đi chợ, băng qua đường Trần Hưng Đạo sang chợ Bến Thành thì tự nhiên trong đầu vang lên 4 chữ Ở đất kẻ thù và tôi thấy hài lòng với cái tên đó.

Tôi đã đến Trung tâm Cột sống Xương khớp Quốc tế tại Hà Nội và được biết chị là Chủ tịch HĐQT. Thưa chị, doanh nhân Lê Lan Anh và nhà văn Lê Lan Anh chiếm bao nhiêu % trong con người chị? (Phan Bích Hòa, muabaytrenphoco_yu@yahoo.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi không phân định bao nhiêu % nhà văn và bao nhiêu % doanh nghiệp. Trong người tôi có nhiều ngăn kéo. Lúc tôi kéo ngăn kéo nhà văn ra thì tôi đóng ngăn kéo doanh nghiệp lại. Vấn đề là kéo ngăn kéo nào và đóng ngăn kéo nào cho phù hợp với thời gian và hoàn cảnh của mình.

‘ Tôi biết rất nhiều doanh nhân làm thơ, sáng tác văn rất giỏi nhưng nhà văn nhà thơ... kinh doanh lại rất tồi, đúng không chị ? (Lâm Lâm, Sơn Tây, Hà Nội)

Nhà văn Lê Lan Anh: Vấn đề này tôi không biết nên không bình luận.

Chị đã từng là cô giáo dạy Tiếng Nga, hình ảnh nước Nga với chị giờ đây thế nào? Khi chị có một hành trình sang... Mỹ học Tiếng Anh? Tôi thích chị so sánh nước Nga và nước Mỹ trong 1 câu ngắn gọn được chứ? (Tố Thanh Phiên, Quảng Bình)

Nhà văn Lê Lan Anh: "Nước Nga nằm trong trái tim tôi còn nước Mỹ nằm trong đầu tôi".

Viết sách "Ở đất kẻ thù" để chị nhớ về một thời trẻ của mình, hoài niệm về một quá khứ anh hùng nhưng cũng đầy... đau thương. Chị Lan Anh ơi! Nhớ về quá khứ, hoài niệm về nó thì không xấu nhưng nếu cứ mãi ngợi ca quá khứ, liệu có nên không? Khi thế giới luôn luôn nghĩ đến hiện tại và phấn đấu cho tương lai? (Tố Thanh Phiên, Quảng Bình)

Nhà văn Lê Lan Anh: Như của tôi ở lời tựa đầu cuốn sách, người ta không nên quên dĩ vãng mà hãy học ở đấy nhiều điều để trong hiện tại và tương lai không vấp phải những sai lầm của quá khứ.

Cháu đã khóc khi xem chương trình Cafe sáng trên VTV3, cô là người có nghị lực phi thường về sự học và viết sách? Có cách nào để chúng cháu thích đọc hơn không cô, khi mà sự "đọc" nay đã bị... mất dần, nhường chỗ cho công nghệ iPad, iPhone và lang thang trên mạng xem, nghe các thông tin tầm (Hoa cỏ may, Hòa Bình)

Nhà văn Lê Lan Anh: Đọc sách, iPhone, iPad... đều là đọc, không quan trọng là đọc bằng phương tiện nào. Tất cả đều tốt miễn là cháu thích đọc. Còn tại sao thích đọc bởi trong tất cả các cuốn sách viết ra đều chắt lọc được trí khôn của nhân loại. Đấy là con đường tự học ngắn nhất và cô luôn là người làm việc đó suốt cuộc đời.

‘ Chị đã phải đi học ở Mỹ lúc đã 52 tuổi? Đi học ở tuổi đó, Chị vượt qua những khó khăn gì? (Hoàng Hà, halan_tinhyeucuatoi@yahoo.vn , Hà Nội)

Nhà văn Lê Lan Anh: Đi học ở tuổi 52 rất nhiều khó khăn nhưng khó khăn nhất là trí nhớ. Trí nhớ luôn luôn phản bội tôi. Trí nhớ của tôi lúc đó như cục sắt, ấn mãi chẳng vào nhưng nếu khắc lên nó thì mãi mãi sẽ không quên. Muốn khắc nó thì mình phải làm gì bạn biết rồi.

Cô có mấy người con và có ai yêu văn chương không ạ? (Nguyễn Thị Loan, Nam Định)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi có một người con trai yêu thể thao, yêu khoa học và không thấy nói gì tới văn chương.

Cô ơi, Cô từng học Tiếng Nga và bây giờ Cô có hay sử dụng ngôn ngữ này không? (Quỳnh Nga, Thành phố Lào Cai)

Nhà văn Lê Lan Anh: Ít lắm! Nên mỗi khi ở trung tâm Cột sống xương cốt có bệnh nhân Nga tới khám chữa bệnh thì tôi luôn là người phiên dịch để hâm nóng lại tiếng Nga.

Tôi thích câu hát cách đây 40 năm của thời chúng mình ở HN "Em lớn lên trong kháng chiến - em ăn rau và cải - trồng trên đống tro tàn - trên nền trời đen cháy - hàng cột nhà thành than...”. Thưa chị, ký ức đáng nhớ nhất trong chiến tranh của chị là gì? Chị có đưa vào những trang viết không ? Tôi muốn mua sách th (Hoàng Mai Trang,nucuoitre_tho@yahoo.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Ký ức lớn nhất trong chiến tranh của tôi là những đêm trăng ra đầu làng, dưới gốc cây muỗm già, bụng đói meo nhưng say sưa hát múa cùng các bạn- đứa nào cũng đói cả. Có chứ! Na hát múa bên bờ sông dưới ánh trăng: Từng đoàn bươm bướm bay, tung tăng bướm bay rờn...

Chị cảm phiền đợi nhé, sách sắp tái bản rồi!

‘ Chị là người đi nhiều và hiểu biết rộng, chị yêu quê hương nhất ở điều gì? (Ngô Thảo Lộc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi yêu quê hương nhất ở điểm tất cả những người tôi yêu thương nhất đều sống ở đây.

Chị Lan Anh ơi, tác phẩm muốn đến được với công chúng thì hãy chạm đến trái tim của họ. “Ở đất kẻ thù” là những cảm xúc thật của chị. Nhưng văn chương vẫn có thể tưởng tượng hoặc bịa hoàn toàn, mà vẫn hay chị ạ, vẫn có thể đoạt giải Nobel , dù là câu chuyện hư cấu? Tại sao chị phải đi học "viết" tại trường viết văn Nguyễn Du? (Phạm Ngô Đào Thảo, Thái Bình)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi học viết văn ở trường Nguyễn Du sau khi đã xuất bản Ở đất kẻ thù. Tôi học ở đây 1 điều là những bạn học của tôi rất có năng khiếu văn chương còn tôi thì không nên càng cần phải cố gắng nhiều.

Chị viết không phải vì... thương mại, chị viết vì sự... hối thúc của con tim về quá khứ. Nhưng sách của chị được in và phát hành tại Pháp thì chị được nhuận bút không ạ? Nếu không có gì là bí mật, chị có thể tiết lộ thông tin được không? (Nguyễn Thu Trang, Hạ Long, Quảng Ninh)

Nhà văn Lê Lan Anh: Sự thật là tôi cũng chưa nhìn thấy hợp đồng mà ủy quyền hoàn toàn cho anh Tuấn - người dịch quyển sách này. Anh Tuấn đã nói là toàn bộ số tiền của anh ấy đã cho từ thiện còn tôi thì sao. Tôi đã trả lời là tôi đồng ý đưa vào quỹ từ thiện nuôi trẻ mồ côi của chị Bích Đào- bác sỹ tại Pháp hiện đang quyên góp tiền chăm lo cho 3 trại trẻ mồ côi ở miền núi và miền Trung. Chị Bích Đào đã làm việc này 18 năm rồi và anh Tuấn đảm bảo với tôi số tiền sẽ đến tay các cháu mồ côi. Vậy đi làm từ thiện có nên nói số tiền của mình đóng góp là bao nhiêu không?

Cô Lan Anh ơi, mẹ cháu đã mất trong chiến tranh, cháu hay làm thơ về mẹ, có cách nào để quên đi quá khứ không cô? Cháu không thích phim về chiến tranh, không thích đọc sách về chiến tranh và càng không muốn... tìm hiểu tại sao lại cứ có chiến tranh trên thế giới mỗi ngày đến vậy? (Bé Heo, Sài Gòn)

Nhà văn Lê Lan Anh: Ai mà chẳng có nỗi buồn, kể cả cô. Cách cô quên nỗi buồn là làm việc. Bởi khi làm việc, cháu bị cuốn hút vào công việc. Đêm về mệt lả chắc là ngủ được một ít. Chiến tranh ở thế giới vẫn cứ tiếp diễn và không biết bao giờ chấm dứt bởi vì lòng tham con người muốn sắp đặt lại bản đồ thế giới.

Một ngày của nhà văn Lê Lan Anh là thế nào ạ? Cô thức dậy lúc mấy giờ và dành cho việc gì đầu tiên vào mỗi buổi sáng? (Phan Ngọc Mai, nang_kieuthi_dangyeu@gmail.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Sáng ngủ dậy tôi đi thể dục từ 30 phút đến 1 tiếng tùy theo sức khỏe. Nhưng trong lúc thể dục, tôi vẫn có quyển sách nhỏ để học từ tiếng Anh. Nhiều khi tôi vừa đi vừa nhẩm thành lời trông rất giống bà điên. (Cười).

Thưa chị, chị có thích thời trang không ? Tôi thấy thế hệ chúng ta có vẻ không quan tâm mấy đến diện mạo của mình, như các con các cháu bây giờ? (Hoa nắng, hoanang_benthem@yahoo.com.vn)

Nhà văn Lê Lan Anh: Bình thường! Tôi không hứng thú lắm bởi vì đối với con người tôi, cách mặc đẹp nhất vẫn là classic - đơn giản và đơn giản.

Đúng vậy! Thế hệ chúng mình quá vất vả để lo cho cuộc sống. Cái dạ dày không kêu réo thì mới dành thời gian và suy nghĩ cho thời trang chứ.

Món ăn yêu thích của chị là món ăn Việt hay món Âu? (Đăng Quang, HN)

Nhà văn Lê Lan Anh: Món ăn yêu thích, tất nhiên là Việt Nam rồi!

‘ Cháu được biết Cô không phải nhà văn, và ban đầu cũng không muốn viết sách. Nhưng cuốn Ở đất kẻ thù của Cô lại được NXB nước Pháp phát hành. Vậy sau thành công này cô có ý định viết một cuốn sách nào khác không? Nếu có thì cô có thể chia sẻ về ý tưởng đó không ạ? (Nguyễn Hồng Nhung, xitrum2204@yahoo..com , Hà Nội)

Nhà văn Lê Lan Anh: Có chứ! Tôi đang giành thời gian để suy nghĩ về chủ đề: Sự chênh lệch của các giá trị.

Chị có hay xem truyền hình không? Chương trình nào chị quan tâm nhất (Kể cả Việt Nam hay nước ngoài)? Chị phải nói thật đấy nhé! ^^ (Nguyễn Thị Thanh Bình, Thành phố Vinh)

Nhà văn Lê Lan Anh: Chương trình Việt Nam tôi quan tâm nhất là VTV1. Tối nào, tôi cũng cố gắng dành thời gian xem chương trình Thời sự 19h. Còn kênh nước ngoài tôi thích Discovery, HBO, National Geography...

Nhìn trên tivi, thấy chị là người rất trẻ so với tuổi 60 của mình và rất sắc sảo, nhưng cũng thấy chị... khóc , rất đàn bà. Chị tự nhận mình là tuýp người như thế nào? (Phạm Thu Hà, Hải Dương)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi là tuýp người sống thật với những gì tạo hóa ban cho. Tôi ghét sự giả vờ, dối trá, giấu dốt...

Phụ nữ phải rất đa cảm và lãng mạn mới trở thành nhà văn được, điều đó đúng không cô? Cô đang yêu điều gì nhất trong cuộc sống này? Một người đàn ông hay có làm cho cô "say nắng" không? (Múp mập, bemap_dangyeu@gmail.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Cô không nghĩ như thế! Trước khi cuốn sách Ở đất kẻ thù ra đời, bạn bè cô toàn gọi cô là "Bà đầm thép". Tôi yêu nhất trong cuộc sống này là thiên nhiên. Tôi đang háo hức chờ đợi người đàn ông làm cho "say nắng" đây. (Cười)

‘ Cô thích điện ảnh không? Cô thích xem phim Nga, Pháp hay Mỹ? Bộ phim ám ảnh cô nhất là phim nào? (Mai Đào Thu Thủy, Lạng Sơn)

Nhà văn Lê Lan Anh: Thích chứ! Bởi vì học ở điện ảnh nhiều lắm! Ở đấy cũng có nhiều trí khôn mà. Phim Nga thích nhất là phim "Bài ca người lính". Phim Mỹ thích nhất là phim mới nhất gần đây "King Speech". Bộ phim ám ảnh tôi thì rất nhiều như "The Reader".

Cuốn sách gần đây nhất cô đọc là cuốn nào ạ? (Thảo, HN)

Nhà văn Lê Lan Anh: Gần đây, tôi đọc cuốn Chiến tranh tiền tệ.

Thành công với vai trò là nhà văn, doanh nhân.. sự nghiệp của Cô được mọi người đánh giá rất cao. Nhưng với vai trò một người mẹ, một mình nuôi con ở tuổi còn rất trẻ, cô có nghĩ mình đã thành công hay không? (Nguyễn Hồng Nhung, xitrum2204@yahoo.com, Hà Nội)

Nhà văn Lê Lan Anh: Với vai trò là người mẹ đã làm hết sức mình đứng vậy nuôi con hơn 30 năm và cố gắng làm tấm gương để con noi theo. Nhưng tôi không dám nhận tôi đã là một người mẹ thành công vì con trai của tôi còn nhiều điều cần phải sửa chữa, nắn chỉnh suốt đời, kể cả tôi nữa.

Cô ơi! Cháu rất thích thời trang. Xem ảnh cô trên mạng cháu thấy cô mặc đẹp và sang trọng quá! Cô chỉ cho cháu cách kết hợp trang phục nhé và sao cô phối màu đẹp thế? Có phải học không cô? (Mây, Đà Nẵng)

Nhà văn Lê Lan Anh: Việc gì mà chẳng phải học, đặc biệt là sự phối màu. Khi mặc ta chỉ cần lấy một màu chủ đạo thôi, các màu khác chỉ đi theo để bật màu chủ đạo lên. Muốn mặc sang và đẹp thì phải thật đơn giản.

‘ Cháu đang học báo chí, được xem cô trong mục "Chuyện bên ly cafe" của VTV3, cháu thấy phóng sự rất hay. Cô có nhận xét gì về cách làm của các anh chị không, cô cho cháu biết để cháu còn học tập? Cháu cám ơn cô nhiều! (Đàm Ngân Linh, Vĩnh Phúc)

Nhà văn Lê Lan Anh: Chị Diệp Chi đã đọc sách và tự tìm hiểu về người sẽ phỏng vấn là Lê Lan Anh rất nhiều trước khi tiến hành làm việc. Cách tốt nhất để cháu thành công trong bất cứ nghề nghiệp gì là phải kiên trì học tập. Đặc biệt là không giấu dốt.

Chị Lan Anh ơi! Em rất ngưỡng mộ khi biết chị trên 50 tuổi còn sang Mỹ học tiếng Anh và đã đạt bằng giỏi. Em cũng kha khá tuổi rồi, học hay quên quá, nhưng rất muốn hoàn thiện vốn tiếng Anh của mình. Chị có thể cho em biết trong quá trình học bên Mỹ, điều gì khó khăn nhất? Và chị có kinh nghiệm gì chia sẻ cho em, làm thế nào mà chị đã đạt bằng loại xuất sắc? (Đào Hoa Mai, HN)

Nhà văn Lê Lan Anh: Bí quyết để học bất cứ cái gì là phải kiên trì. Riêng tiếng Anh thì trong người trong túi lúc nào cũng quyển sổ nhỏ để khắp nơi ghi những câu mẫu cần thuộc để lúc nào cũng có thể học được. Chắc nhờ thế mà tôi đạt được danh hiệu sinh viên xuất sắc của trường đại học Westchester, New York, Mỹ.

Cô ơi! Cháu xem trên FB còn thấy cô làm nghề y? Có đúng vậy không cô? Sao cô nhiều nghề thế ạ? (Búp bê, con_bup_be_nho@yahoo.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Đúng rồi! Cô là người sáng lập ra Trung tâm cột sống xương khớp quốc tế. Tại sao lại làm nghề này thì câu chuyện dài lắm, cứ như là nhân duyên thôi. Số phận cô bắt cô phải làm nhiều nghề. Chắc thế mới khai thác được hết tiềm năng của mình do tạo hóa ban cho. Sống như thế mới thú vị chứ!

Dạy học, kinh doanh rồi viết văn, nghe có vẻ ít liên quan nhưng rồi chị lại quay ngoắt sang với nghề y? Tôi rất tò mò muốn biết vì sao chị lại quay 180 độ về nghề thế này ạ? Chắc phải có một lý do đặc biệt? (Lady girl, moc_mai_lady@gmail.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Tôi bị đau lưng trong 2 năm. Chất lượng cuộc sống của tôi xuống thấp khủng khiếp. Những việc đơn giản như chải tóc hay đi vệ sinh đều không tự làm được. Tôi đi chữa chạy rất nhiều, kể cả lên rừng, sang Trung Quốc 2 lần, các bệnh viện nhưng chữa mãi không khỏi. Cuối cùng, tôi đi Mỹ thì chỉ một thời gian ngắn bệnh đã khỏi hoàn toàn cho tới nay. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu sắc về kỹ thuật Chiropractic của Mỹ.

Sau khi học hỏi kỹ lưỡng, tôi đã mang toàn bộ thiết bị, kỹ thuật, bác sỹ Chiropractic từ Mỹ về Việt Nam với một mong ước là những bệnh nhân Việt Nam như tôi sẽ có được một dịch vụ chữa trị rất chuyên nghiệp để chữa đúng bệnh với khẩu hiệu - HẾT ĐAU, KHỎI BỆNH HOÀN TOÀN - KHÔNG THUỐC KHÔNG TIÊM KHÔNG PHẪU THUẬT.

‘ Cô ơi, bố cháu bị đau cột sống thắt lưng nhiều năm rồi, bác sĩ bảo bị thoát vị đĩa đệm, phải mổ. Trung tâm cột sống xương khớp ở chỗ Lê Quý Đôn đó chữa như thế nào ạ? Liệu khỏi được không cô? Sao cô không phải bác sĩ, mà lại mở phòng khám thế ạ? (Bùi Diễm Trinh, Hà Nội)

Nhà văn Lê Lan Anh: Trước hết phải được thăm khám để đi đến kết luận bố cháu bị bệnh gì ở cột sống. Bởi hiện tượng đau ở cột sống, đặc biệt là L4, L5, C1 rất giống nhau nhưng gốc bệnh lại hoàn toàn khác nhau. Vấn đề là có xác định, tìm được đâu là các bệnh gây ra đau cho bố cháu không thì chữa mới khỏi.

Chắc chắn là khỏi. Chỉ có thời gian thì phụ thuộc rất nhiều ở những yếu tố sau: thời gian mắc bệnh, tuổi tác, nghề nghiệp, cơ địa, sự phối hợp giữa bác sỹ và bệnh nhân...

Xin cô cho biết, mẹ tôi bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ, thường rất khó khăn trong việc nhai nuốt và đau nhức. Công nghệ cô giới thiệu, có chữa được bệnh thoái hóa đốt sống cổ hay ko? (Nguyễn ngân, nguyenngan167@yahoo.com, HN)

Nhà văn Lê Lan Anh: Trước hết phải xác định mẹ chị có thật sự bị thoái hóa đốt sống cổ không vì mẹ chị khó khăn trong việc nhai nuốt, đau nhức. Chưa thăm khám trực tiếp thì chưa thể xác nhận được bà bị bệnh gì. Còn nếu chỉ thoái đốt sống cổ thì chữa không có gì phức tạp cả.

Tại sao chị là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng trong những trang sách viết về nông dân, ngôn ngữ đậm đặc “nhà quê”? (Son môi hồng, Nghệ An)

Nhà văn Lê Lan Anh: Vâng! Đúng như vậy. Những trang sách của tôi viết về người nông dân đậm đặc chất "nhà quê" mặc dù ông bà và mẹ tôi đều là người Hà Nội. Chất "nhà quê" nó ở sẵn trong mạch máu của tôi. Vì thế, khi viết những trang về nông dân tôi không phải cố gắng gì hết mà cứ tự tuôn ra một cách tự nhiên. Có phải khi mình yêu ai thì mình đề tâm đến người ta và bị người ta ảnh hưởng không. Hiện nay, tôi thấy rất nhiều bạn trẻ cố gắng tẩy "chất nhà quê". Thực ra điều này đã có từ thời Nguyễn Bính và ông đã làm bài thơ rất hay về vấn đề này. Vì thế, tôi nghĩ rằng cái gì thuộc về mình là chính mình là hay nhất.

Những nhân vật nữ của chị trong cuốn sách đều chết hết. Sao lại vậy? Chị là đàn bà sao lại khắc nghiệt thế? Điều gì chị trông đợi ở cuốn sách để một người cầm bút không chuyên có đủ nghị lực bắt đầu cho tác phẩm đầu tay của mình ở tuổi 55 – cái tuổi theo luật Lao động Việt Nam là tuổi về hưu, nghỉ ngơi sau những năm tháng l&agra (Hoàng Thị Phương, phuong_hoang@gmail.com)

Nhà văn Lê Lan Anh: Những nhân vật nữ của tôi trong cuốn sách đều chết hết vì mạch truyện nó dẫn đến kết cục như vậy. Hơn nữa, những năm chiến tranh khốc liệt ở nông thôn miền Bắc chỉ còn toàn đàn bà, thiếu nữ và trẻ con, trai tráng đã ra hết mặt trận. Bom đạn đâu biết chọn chỗ nào là đàn bà hay trẻ con để ném đâu.

Sự chia sẻ để giải cùng giải thoát nỗi ám ảnh của riêng tôi. Con người chỉ thật sự được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu khi trong lòng mình thật sự được thảnh thơi. Làm sao bạn vui chơi, vui vầy được khi trong lòng bạn còn có nỗi ám ảnh chưa được giải thoát.

‘ Câu châm ngôn nào theo đuổi chị suốt cuộc đời, giúp chị vững vàng trong cuộc sống, vượt qua mọi chông gai cuộc đời khi góa chồng ở tuổi 25 và ở vậy nuôi dạy con?(Đàm Thị Mai Ngân, , Đà Lạt)

Nhà văn Lê Lan Anh: "Học, học nữa, học mãi" (Lenin) - nghe câu này dường như có vẻ không liên quan gì đến đời sống góa bụa đầy gai góc của tôi nhưng thật sự điều này đã giúp tôi luôn vượt qua những thử thách của cuộc đời. Vì sao ư? Tôi luôn học được trong những giây phút chông gai, những thử thách, cách vượt qua của những người khác và sàng lọc để áp dụng vào cho mình, thậm chí, học ngay từ những khuyết điểm, thất bại của mình để không bao giờ mắc lại trong tương lai.

Tôi rất cảm ơn các độc giả của VTV News đã dành thời gian quý báu của mình trong một giai đoạn xã hội đang quay cuồng vì thiếu thời gian. Rất mong được gặp các bạn ở những chương trình khác để chúng ta có nhiều thời gian chia sẻ và học tập lẫn nhau nhiều hơn nữa!

Cầu mong mọi việc tốt đẹp đến với tất cả các bạn!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước