Chúng tôi là chiến sỹ: Chiếc áo mới và những nỗi niềm

Lê Hoa - Ảnh: Hải Hưng-Thứ sáu, ngày 27/12/2013 17:21 GMT+7

Là một sân chơi dành cho người lính, Chúng tôi là chiến sỹ đã có thời gian “hành quân” xa nhà khá dài, ghi hình tại nhiều điểm khác nhau trên mọi miền Tổ quốc. Đến năm 2014, một phần của Chúng tôi là chiến sỹ sẽ được trở về nhà và ghi hình tại trường quay S14 của Đài THVN.

Chiếc áo mới của chương trình

Ngay từ khi bắt tay làm chương trình, nhóm thực hiện Chúng tôi là chiến sỹ đã đặt ra tiêu chí “ba cùng” với bộ đội: cùng ăn, cùng nghỉ, cùng sinh hoạt. Đối với họ, mỗi một chuyến đi sẽ là một cuộc trải nghiệm. Và nếu không đến được với các đơn vị thì dường như họ sẽ chưa hiểu chiến sĩ là ai. Cứ vậy, mỗi khi thực hiện các phóng sự, Nhật kí chiến sĩ hay cùng với các nghệ sỹ trải nghiệm cũng đồng nghĩa với một tuần lăn lộn, ăn ngủ nghỉ tại đơn vị.

Sau 7 năm hành quân xa nhà, tháng 1/2014, Chúng tôi là chiến sỹ sẽ được trở về ghi hình tại trường quay S14 của Đài THVN. Sự trở về lần này không có nghĩa là những người thực hiện rời xa chiến sĩ mà ngược lại, họ đang giúp những người chiến sĩ có một môi trường hiện đại và thuận lợi để có hình ảnh tốt hơn. Nói cách khác là việc ghi hình một gói tại trường quay sẽ giúp cho nhóm thực hiện có một điều kiện kĩ thuật tốt nhất. Tuy ghi hình tại trường quay nhưng Chúng tôi là chiến sỹ năm 2014 vẫn sẽ dành tỷ lệ đến đơn vị và thời lượng phát sóng nhiều hơn dành cho các chiến sĩ, đưa phần biểu diễn và trải nghiệm gần gũi, hòa đồng với nhau hơn, phần nào giúp khán giả cảm nhận được đời sống trong quân ngũ.

Sân khấu của Chúng tôi là chiến sỹ sẽ được làm mới với đầy đủ màn LED, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại và đặc biệt là máy móc chuẩn HD. Hình ảnh của chương trình được đầu tư nghiên cứu và cải tiến. Hình dáng sân khấu cũng được thay đổi theo hướng gần gũi khán giả hơn và không phải là sân khấu hai mặt như mọi khi. Cùng với 300 cổ động viên tại trường quay, sân khấu dành cho biểu diễn được mở rộng. Tuy vậy, khoảng cách giữa cổ động viên và các phần biểu diễn sẽ được kéo gần lại, tạo không khí ấm áp hơn. Các cổ động viên sẽ được tham gia các phần chơi và lên sân khấu nhiều hơn. Tương tự, tất cả các phần biểu diễn sẽ được kéo xuống cổ động viên, tạo nên sự hòa quyện giữa người xem và người biểu diễn, trở thành một khối thống nhất. Và những người chiến sĩ sẽ biểu diễn cho chính đồng đội của họ chứ không phải một đối tượng khác.

Vẫn giữ tiêu chí là sự trẻ trung, khỏe khoắn và tính trí tuệ của người chiến sỹ, Chúng tôi là chiến sỹ tiếp tục đổi mới nội dung trong từng phần thi. Các phần chơi được nâng cấp, đầu tư hơn về ý tưởng kịch bản, giúp mỗi phần có một sự gắn kết. Điều quan trọng hơn cả là hình thức để biểu hiện cho chương trình Chúng tôi là chiến sỹ năm 2014 sẽ hiện đại hơn so với các năm trước. Các nghệ sĩ sẽ được xuống các đơn vị trải nghiệm nhiều hơn. Nhiều nghệ sĩ có tên tuổi, uy tín và đặc biệt thích đời sống quân ngũ sẽ xuất hiện. MC cũng sẽ mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ trong hình ảnh và cách dẫn. Sự truyền tải thông điệp của MC sau mỗi phần sẽ không đơn thuần là móc nối mà được trải nghiệm cùng với các chiến sĩ ngay tại đơn vị. Ngay cả ê-kíp biên tập cũng có sự “thay máu” để hướng đến sự đổi mới chương trình.

Điều đáng mừng là Chúng tôi là chiến sỹ năm 2014 sẽ có nhà tài trợ. Sự tham gia của nhà tài trợ một lần nữa khẳng định thương hiệu của chương trình và giúp những người thực hiện xác định rõ trách nhiệm của mình khi đưa một chương trình truyền hình lên sóng. Theo khảo sát, Chúng tôi là chiến sỹ là chương trình có số lượng người xem rất đông và cũng nhận được rất nhiều ý kiến góp ý. Chính sự kì vọng, đặt niềm tin của khán giả và số lượng lớn các gia đình quân nhân đang có con em nhập ngũ nên Chúng tôi là chiến sỹ luôn là sân chơi cần thiết và cần được đầu tư toàn diện cả về hình thức cũng như nội dung.


Nỗi niềm của người trong cuộc

7 năm “chiến đấu”, nhóm làm chương trình chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về những gì đã làm được. Với tiêu chí đặt ra là giải trí thì Chúng tôi là chiến sỹ vẫn bị khô cứng, rập khuôn và nhiều khi không thoát ra được sự sáng tạo. Điều này tất nhiên phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của các đơn vị, có những đơn vị nhiệt tình, có những đơn vị chưa thực sự tổ chức tốt, có đơn vị chỉ giới thiệu chương trình theo cách cho xong. Hơn nữa, do kinh phí eo hẹp nên Chúng tôi là chiến sỹ khá khó khăn trong việc mời nghệ sĩ tham gia vào chương trình. Đây cũng là một điểm khiến sân chơi này có phần thua thiệt so với các sân chơi có nghệ sĩ tên tuổi tham gia.

Một trong những hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất của Chúng tôi là chiến sỹ là lực lượng cổ động viên cũng đang dần bị phai nhạt. Những ngày đầu, số lượng cổ động viên lên đến 800 - 1.000 người nhưng hiện tại đã rút xuống còn 300 người. Đây cũng là nguyên nhân khiến quy mô chương trình bị giảm sút. Thêm nữa là vấn đề hậu kỳ chương trình cũng khiến những người làm nghề băn khoăn. Một chương trình giải trí cần phải đầu tư rất nhiều về kĩ xảo, nhiều tiêu chí về nghệ thuật, ánh sáng, màu sắc. Nhưng về tổng thể thì Chúng tôi là chiến sỹ chưa đạt được hiệu quả về hình thức.

Kết quả phát động cuộc thi Nhật ký chiến sỹ chưa khiến những người thực hiện hài lòng. Tuy trên thực tế đã có 500 lá thư của các nơi gửi về và đã tổ chức trao giải nhưng nhóm chưa đưa Nhật ký chiến sỹ trở thành một phần đinh trong chương trình. Trong mong muốn, Nhật ký chiến sỹ đáng nhẽ phải là nơi hội tụ của những cuộc gặp mặt để lấy ra giọt nước mắt của khán giả nhưng những kỳ vọng ấy chưa đạt được. Có thể do câu chuyện chưa được hay, có thể do sự khai thác của các biên tập viên chưa đủ độ chín… Không chỉ Nhật ký chiến sỹ, những người làm chương trình còn đặt kỳ vọng nhiều hơn vào trong từng phần để tổng thể chương trình chất lượng hơn, hấp dẫn hơn trong điều kiện hiện tại.

Mỗi chương trình có một khó khăn khác nhau. Với Chúng tôi là chiến sỹ, hai đối tượng được cố gắng gắn kết là nghệ sĩ và chiến sĩ lại có một ranh giới khá rộng. Người chiến sĩ bị bó hẹp trong đơn vị với tính kỉ luật rất cao và thường không có những kĩ năng sân khấu. Chính vì vậy khi khớp lại với nghệ sỹ thì sự kết hợp ấy dường như luôn có một khoảng cách. Hơn nữa, việc tìm nghệ sỹ nhiệt tình dám trở thành tân binh trải nghiệm trong một ngày cũng luôn là bài toán khó với nhóm làm chương trình. Khoảng cách địa lý xa xôi, mức độ thù lao dành cho nghệ sĩ chưa xứng đáng là “rào cản” lớn trong khâu mời nghệ sĩ. Trong đó, phải kể đến nghệ sĩ Quang Thắng là một trong những gương mặt nhiệt tình tham gia nhất và không bao giờ xác định về kinh phí.

Tính đến năm 2014, Chúng tôi là chiến sỹ đã được ghi hình gần 400 chương trình. Và mỗi năm, Chúng tôi là chiến sỹ đều thay đổi format từ 2-3 lần. Tự thay đổi, tự làm mới gần như đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi tất yếu của không chỉ khán giả mà cả những người sản xuất. Bởi bản thân họ cũng cảm thấy nếu không thay đổi thì không chỉ khán giả nhàm chán mà cả ê kíp cũng không còn hứng để sáng tạo. Chính sự thay đổi liên tục ấy khiến việc mua bản quyền của chương trình nhiều khi trở nên lãng phí và không cần thiết khi kinh nghiệm làm nghề của ê-kíp ngày càng dày lên. Được chủ động thay đổi và làm mới luôn là mong muốn của những người làm nghề và họ đang ấp ủ nhiều dự định táo bạo trong tương lai.

Trên chặng đường đã đi qua, Chúng tôi là chiến sỹ chỉ là một cuộc trình diễn gói gọn trong một đơn vị, không có thắng thua, không có sự cạnh tranh. Chính vì vậy, các đơn vị chỉ đầu tư ở mức mang tính chất biểu diễn chứ không phải là một cuộc chơi thực sự. Nhưng tiêu chí của chương trình được đặt ra trong tương lai sẽ thực sự một cuộc cạnh tranh quyết liệt giống như sự trải nghiệm của người chiến sĩ trên chiến trường. Và năm 2014 sẽ là một bước đệm để năm 2015, Chúng tôi là chiến sỹ bứt phá.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước