“Chúng tôi tự hào khi được làm phim về Giáo sư Trần Đại Nghĩa”

Chu Anh, Ảnh: Đoàn làm phim-Thứ sáu, ngày 13/09/2013 09:57 GMT+7

 Đó là chia sẻ của nhà báo Nguyễn Kim Phượng (Ban Khoa giáo, Đài THVN) – tổng đạo diễn của bộ phim tài liệu "Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Chân dung nhà khoa học anh hùng” được phát sóng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư - Viện sỹ  - Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa.

Xin chị cho biết vì sao Ban khoa giáo – Đài THVN lại quyết định thực hiện bộ phim tài liệu "Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Chân dung nhà khoa học anh hùng", khi trước đó đã có khá nhiều bộ phim nói về chân dung của ông?

NB Kim Phượng:Giáo sư – Viện sỹ - Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học tiêu biểu của giới trí thức Cách mạng Việt Nam. Ông là một trong những nhà nghiên cứu các loại vũ khí quân sự hàng đầu và là người đặt nền móng đầu tiên cho ngành Công nghiệp Quốc phòng của đất nước.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư – Viện sỹ - Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Ban Khoa giáo đã quyết định thực hiện bộ phim tài liệu chân dung ông với độ dài 2 tập. Trong quá trình đi khảo sát, tìm hiểu nhân chứng và nghiên cứu tài liệu, đoàn làm phim chúng tôi lại càng cảm thấy việc lựa chọn nhân vật là hoàn toàn đúng đắn. Giáo sư – Viện sỹ - Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là một tấm gương tiêu biểu về nhân cách và đạo đức của một nhà cách mạng xứng danh người lính bộ đội cụ Hồ.

Nếu so với các bộ phim trước đây thì phim tài liệu ""Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Chân dung nhà khoa học anh hùng" khai thác những khía cạnh nào mới về Giáo sư Trần Đại Nghĩa không thưa chị?

NB Kim Phượng: Ban Khoa giáo thực hiện bộ phim tài liệu chân dung của ông dưới góc độ là nhà khoa học tiêu biểu của giới trí thức Cách mạng Việt Nam. Đồng thời bộ phim cũng đưa thêm một góc nhìn về nhân cách và đạo đức tuyệt vời của ông, cũng như ý chí học tập và nghị lực kiên cường của một thanh niên sống trong hoàn cảnh đất nước đô hộ nhưng đã nuôi ý chí xuất dương du học chế tạo vũ khí xây dựng kiến thiết nước nhà. Bộ phim là hành trình tìm lại những tư liệu về Giáo sư Trần Đại Nghĩa, về những phát minh của ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp thông qua những tư liệu của chính người Pháp.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm lại những nhân chứng để có thêm thông tin về cuộc gặp định mệnh giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Giáo sư Trần Đại Nghĩa bên lề hội nghị Fontainebleau năm 1946. Chính cuộc gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời ông từ thanh niên Phạm Quang Lễ để trở thành Trần Đại Nghĩa, một vị anh hùng của cách mạng Việt Nam, cha đẻ của ngành quân khí nước nhà.

Tất cả mục đích của phim nhằm làm nổi bật chân dung về sự nghiệp và con người của Thiếu tướng - Giáo sư – Viện sỹ Trần Đại Nghĩa.

‘ Đoàn làm phim trong quá trình tìm lại tài liệu về GS Trần Đại Nghĩa

Vậy, chị có thể chia sẻ chi tiết hơn về một khía cạnh mới trong phim?

NB Kim Phượng:Một trong những khía cạnh đó là ý nghĩa việc đặt bí danh của Giáo sư. Vốn dĩ, tên thật của Giáo sư là Phạm Quang Lễ, còn Trần Đại Nghĩa là bí danh cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt riêng cho ông khi trở về nước. Chúng tôi cũng lấy ý tưởng từ chính hai tên gọi của ông để xây dựng thành hai tập phim nói về nhân cách, đạo đức và sự nghiệp của của Thiếu tướng - Giáo sư – Viện sỹ Trần Đại Nghĩa.

Khi Giáo sư được gọi về nước để giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất vũ khí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bí danh Trần Đại Nghĩa cho Giáo sư để hoạt động cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của ông là việc đại nghĩa (việc lớn), trách nhiệm với đất nước và nhân dân cũng rất nặng nề, vì vậy bí danh Trần Đại Nghĩa được Bác đặt riêng cho ông, đã theo ông trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sau này.

Trong quá trình thực hiện, đoàn làm phim đã gặp khó khăn và thuận lợi gì, thưa chị?

NB Kim Phượng:Điều đầu tiên, chúng tôi cảm thấy may mắn khi đã lựa chọn được nhân vật đúng thời điểm và đúng vị thế cho phim. Điều làm chúng tôi rất tự hào khi trong quá trình quay là đi tới đâu cả đoàn đều nhận được sự ủng hộ và lời khen ngợi của mọi người dành cho Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Họ coi Giáo sư là một vị tướng huyền thoại của dân tộc, là nhân vật xứng đáng được ghi công trong lịch sử. Càng tìm hiểu sâu về ông, chúng tôi càng trân trọng và khâm phục Giáo sư hơn bởi cả sự đơn sơ và bình dị trong cuộc sống.

Khó khăn của đoàn làm phim là việc tìm tài liệu và nhân chứng vì đến thời điểm này cũng đã tròn 100 năm ngày sinh của Giáo sư. Tài liệu bị thất lạc nhiều và hầu như những nhân chứng đều là những người thuộc thế hệ sau của Giáo sư. Có một số nhân vật chúng tôi muốn phỏng vấn và đưa lên phim nhưng vì lý do khách quan nên cũng không thể thực hiện được.

Tài liệu thì khó khăn hơn khi chúng tôi phải vào thư viện và photo lại, những cuốn sách viết về ông lại càng khó tìm. Đoàn làm phim cũng đã đến thư viện tỉnh Vĩnh Long, nhưng cũng phải mất khá nhiều thời gian để tìm tài liệu vì hầu như còn sót lại rất ít. Bên cạnh đó, đoàn làm phim phải gặng hỏi nhiều thông tin từ những người thân trong gia đình và mượn tài liệu ở khá nhiều nơi khác.

Về thuận lợi, đoàn làm phim được tạo điều kiện và nhận được sự động viên rất lớn về tinh thần của tập thể lãnh đạo Ban khoa giáo, đặc biệt là Trưởng ban Đỗ Quốc Khánh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng), nơi đầu mối để đoàn làm phim có thể tổ chức được các cảnh quay ở một số địa điểm như: Chùa Trầm, lò cao kháng chiến ở Thanh hóa, An toàn khu ở Thái Nguyên, Quảng trường Ba Đình - Lăng Bác…

Chúng tôi thực hiện 2 tập phim, chia thành 7 đợt quay trong khoảng gần 6 tháng và ghi hình ở nhiều nơi như Vĩnh Long, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên… trong đó một số địa điểm quay thuộc Quân đội cũng phải chờ xin giấy phép mới được thực hiện.

‘ GS Trần Đại Nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với chị, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong quá trình làm phim?

NB Kim Phượng: Quá trình làm phim lần này, đoàn làm phim có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với nhau. Đối với tôi, điều đầu tiên, tôi nghĩ đó là yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa” trong lúc quay. Ví dụ như khi vận chuyển từ điểm này sang điểm khác thì trời mưa khá to, tuy nhiên khi chúng tôi đến nơi ghi hình thì thời tiết lại tạnh ráo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tình cờ gặp được nhân chứng của phim. Đó là lúc quay cảnh ở chùa Trầm, đoàn làm phim đã gặp được ông Nguyễn Văn Sinh, người đầu tiên bắn thử súng Bazooka, một loại vũ khí do Giáo sư Trần Đại Nghĩa chế tạo.

Thông qua bộ phim tài liệu này, đoàn làm phim muốn gửi gắm thông điệp gì đến khán giả, thưa chị?

NB Kim Phượng: Chúng tôi mong rằng bộ phim tài liệu về Giáo sư – Viện sỹ - Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa sẽ góp phần giáo dục thanh niên, học sinh về tinh thần yêu nước và ý chí học tập. Là một thanh niên sống trong hoàn cảnh đất nước đô hộ nhưng GS Trần Đại Nghĩa đã nuôi ý chí xuất dương du học về chế tạo vũ khí, xây dựng kiến thiết nước nhà. Với một hoài bão lớn, ông trở về Hà Nội từ Paris với một sự kiên định, bỏ hết vinh hoa phú quý sau lưng để theo sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước, xây dựng ngành quân khí Việt Nam.

GS Trần Đại Nghĩa đã đặt nền móng trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nước nhà, góp phần không nhỏ vào những huyền thoại chiến công bất tử trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Xin cảm ơn chị!

Quý vị khán giả có thể xem lại 2 tập phim tài liệu dưới đây:

Tập 1

Tập 2

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước