Cùng phóng viên VTV khám phá vùng đất du mục Kazakhstan

Hà Dung (ghi theo lời kể của đoàn phóng viên VTV)-Thứ bảy, ngày 11/01/2014 10:14 GMT+7

Nằm giữa hai châu lục Á-Âu, thiên nhiên, con người Kazakhstan làm mê lòng người. Đoàn phóng viên Thời sự VTV đã may mắn được cử sang Kazakhstan làm phim. Những phóng viên trong đoàn sau khi trở về, vẫn còn nhớ như in những ấn tượng về 10 ngày làm việc ở vùng đất này.

Ấn tượng ban đầu

Trưởng nhóm, nhà báo Thu Hằng chia sẻ: "Sau rất nhiều thư từ qua lại, sắp xếp công việc, tháng 7 chúng tôi lên đường. Ngoài tôi, trong đoàn còn có phóng viên Cẩm Nhung và quay phim Phi Hùng. Trên chuyến bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh sang Almaty, thủ đô cũ của Kazakhstan, chuyến bay kéo dài 8 tiếng, tôi lân la hỏi chuyện những hành khách đi cùng. Một gia đình 4 người, đích thị là gốc Nga, vừa có 1 tháng nằm dài trên bãi biển Mũi Né, vô cùng sung sướng khoe - đây là lần đầu nhưng không phải lần cuối họ sẽ sang Việt Nam vì đồ ăn ngon, khí hậu tuyệt vời, giờ lại có đường bay thẳng.

‘ Nhà báo Thu Hằng (người cầm đàn)

Đón đoàn chúng tôi là một thanh niên trẻ, Danyar, 26 tuổi, đã làm Giám đốc Công ti truyền thông Damu vài năm. Công ti toàn người trẻ, nhiệt huyết và đôi lúc tếu táo. Nhưng rất thạo việc. Và chúng tôi bắt đầu chuỗi ngày khám phá đất nước, con người nơi đây".

Cả đoàn chưa ai đến Kazakhstan, kể cả chị Thu Hằng, cho dù đã có 6 năm học tập ở Liên Xô. Và bất ngờ là điều đầu tiên mà cả đoàn cảm nhận, bất ngờ bởi sự phát triển của Kazakhstan.

Chị Hằng cho biết : “Cách đây 15 năm, thủ đô Kazakhstan là Almaty, còn bây giờ đã là Astana, một thành phố ở phía Bắc. Almaty, thủ phủ của táo, vẫn giữ dáng vẻ một thành phố kiểu Xô Viết, nhưng Astana là một sự lột xác - theo kiểu Các tiểu vương quốc Ả Rập. Thật sự bất ngờ khi thấy thành phố này được xây dựng mới gần như hoàn toàn, giữa sa mạc, chỉ trong vài năm, mà kiến trúc thì rất lạ. Hóa ra, thiết kế thủ đô tổng thể là một kiến trúc sư nổi tiếng Nhật Bản - Kisho Kurakawa, ông đã vượt qua rất nhiều kiến trúc sư danh tiếng để giành dự án này. Từng công trình kiến trúc lại có một cuộc thi quốc tế tương tự.

Chúng tôi ấn tượng nhất với Khan Shartyr - lều của lãnh chúa. Đây là 1 trong 10 tòa nhà sinh thái của thế giới được tạp chí Forbes bình chọn. Dưới mái lều bằng chất liệu đặc biệt, ánh sáng tự nhiên đủ để chiếu sáng sảnh của 5 tầng nhà, mùa hè 30 độ C không nóng, mùa đông kể cả -40 độ C cũng không lạnh”.

Khan Shartyr với diện tích lớn hơn 10 sân đá bóng gộp lại, được thiết kế bởi kiến trúc sư ngôi sao Italia Norman Foster. Chiếc lều này bao gồm khu phức hợp vui chơi, mua sắm và có một bãi biển nhân tạo ngay bên trên đỉnh, với những cây dừa được mang về từ vùng biển Caribe và cát trắng từ Malaysia.

‘ Phóng viên Cẩm Nhung

Còn chị Cẩm Nhung cũng không khỏi bất ngờ : “Tôi lần đầu được biết tới Kazakhstan mà trước đó chỉ được nghe nói là một nước thuộc Liên Xô cũ. Không ngờ đó là một đất nước rất phát triển, đầy sức sống nhưng vẫn lưu giữ rất tốt bản sắc du mục của mình: trong kiến trúc, âm nhạc, sinh hoạt hàng ngày, tính cách phóng khoáng, thân thiện. 10 ngày lưu lại đất nước Kazakhstan cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt với Việt Nam”.

Cuộc sống trên thảo nguyên

Kazakhstan là nước cộng hòa lớn thứ 2 sau Nga trong "Cộng đồng các Quốc gia độc lập" bây giờ. Diện tích thứ 9 thế giới, nhưng dân số chỉ có 17 triệu người, mà trữ lượng các kim loại quý hay dầu thì trong nhóm hàng đầu thế giới, nên cuộc sống của người dân khá ổn định. Nhưng sự hiện đại và trù phú có lẽ chỉ thấy ở Astana và Almaty. 44% diện tích Kazakhstan là hoang mạc, thảo nguyên chiếm tới 26%. Thế nên cho dù người Kazakhstan không còn sống trong những chiếc lều du mục nữa thì sự chênh lệch về mức sống giữa thành phố và nông thôn vẫn là chuyện đương nhiên. Người nông dân Kazakhstan quen sống tự cung tự cấp, họ nuôi ngựa, chăn cừu, lạc đà... trên các thảo nguyên mênh mông. Những hình ảnh này thực sự gây thích thú.


Người dân Kazakhstan rất hiếu khách. Chả thế mà bữa ăn đầu tiên cả đoàn được họ thiết đãi toàn những thịt. Người Kazakhstan ăn rất nhiều thịt vì mùa Đông của họ có khi lạnh tới - 40 độ, phải ăn nhiều thịt thì mới có sức làm việc và chống rét. “Thế nên cứ được mời dùng cơm ở nhà người dân Kazakhstan là chúng tôi phải tế nhị nói trước rằng người Việt Nam ăn ít lắm vì nếu họ tiếp đồ ăn mà mình từ chối thì họ sẽ áy náy vì nghĩ là họ đãi khách chưa tốt” – chị Cẩm Nhung chia sẻ.

Trở về trong luyến tiếc

Đoàn phóng viên Ban Thời sự - VTV khi lên máy bay vẫn không quên nhìn lại qua ô cửa sổ lần nữa, cho đến khi máy bay đã lên cao và đất nước Kazakhstan chỉ còn nhỏ như ô bàn cờ. Trong 10 ngày có mặt ở Kazakhstan, các phóng viên đều tiếc là chỉ loanh quanh giữa Astana và Almaty, không đến được bãi phóng tàu vũ trụ Baiconua vì vừa xảy ra một vụ nổ tên lửa. Cũng được đưa đến một nơi mà người Kazakhstan xuýt xoa khen là nơi du lịch tuyệt vời nhất - khu nghỉ mát Burabai - một vùng đồi mát mẻ quanh một cái hồ, ở giữa hồ là những hòn đá hình thù kỳ lạ. Thua xa Vịnh Hạ Long của mình!

‘ Đoàn phóng viên VTV

Nói thế nhưng Kazakhstan vẫn là một nơi thú vị để khám phá - đặc biệt là văn hóa du mục. Chúng tôi đã làm riêng một bộ phim về đề tài này trong loạt ký sự về Kazakhstan, phát sóng trên VTV1. Một bộ phim khác mang tên "Cây cuộc sống" nói về Astana, thủ đô mới, là hiện thân của đất nước Kazakhstan độc lập, ngày càng phát triển.

Kazakhstan thực sự có thể thu hút du khách bằng những công trình kiến trúc kỳ vĩ của những kiến trúc sư bậc thầy thế giới và cả những nét văn hóa đặc trưng khó lẫn của vùng Trung Á. Đất nước này cũng có thể là điểm đến của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi quan hệ hai nước đã bắt đầu khởi sắc sau chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo

Mỗi vùng đất ta tới đều giúp ta mở rộng thêm tầm mắt của mình. Chuyến đi Kazakhstan không chỉ vậy, nó còn để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc về những con người thân thiện, dễ mến. Giá như có thể quay lại lần sau...

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước