Những bước đi dài…

Mỹ Quy-Thứ tư, ngày 08/01/2014 21:00 GMT+7

Phim Người cộng sự

Năm 2013, phim truyền hình Việt Nam trên sóng VTV đã có bước chuyển mình mang tính đột phá, dần lấy lại niềm tin của khán giả và bắt đầu sải những bước dài…

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Liên hoan THTQ lần thứ 33, Tổng Giám đốc Đài THVN Trần Bình Minh khẳng định: “Chỉ khi có sự tận tâm, nhiệt huyết, sự sáng tạo không ngừng nghỉ và tôi luyện bản lĩnh chuyên nghiệp, ngành truyền hình mới có thể tiếp tục khẳng định là công cụ truyền thông có tính định hướng dư luận sắc bén, đúng đắn và quan trọng hàng đầu để tiếp tục giữ được sự yêu mến của khán giả”. Không nằm ngoài quỹ đạo đó, năm 2013, phim truyền hình Việt Nam trên sóng VTV đã có bước chuyển mình mang tính đột phá, dần lấy lại niềm tin của khán giả, và bắt đầu sải những bước dài…

Thực đơn nhiều món

Đã từng có thời gian, phim truyền hình Việt Nam gần như lép vế trước phim ngoại trên các kênh sóng của các đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sự lấn át của phim ngoại đã và đang giảm dần khi thời lượng phát sóng của phim truyền hình trong nước gia tăng đáng kể, nhất là sau khi VTV chủ trương ưu tiên phát sóng phim truyền hình Việt vào buổi tối trên hai kênh VTV1 và VTV3. Có thể nói, hiện tại phim truyền hình Việt Nam đã giành lại vị thế trước sự “tấn công” của làn sóng phim Hàn Quốc, Trung Quốc… Không chỉ nhiều về số lượng, phim truyền hình Việt trên sóng VTV còn đa dạng về thể loại và cách khai thác các vấn đề về con người, xã hội.

Nhìn lại năm qua, phim truyền hình Việt có sự đa dạng, phong phú về thể loại: từ chính luận đến giải trí, từ cổ điển đến hiện đại, từ trong nước đến nước ngoài…, được sản xuất bởi những đơn vị uy tín như VFC, TFS… đến các công ti, hãng phim tư nhân đều có sự khởi sắc. Phim thuộc dòng chính luận - xã hội có: Bản di chúc bí ẩn, Lạc lối, Làng ma 10 năm sau; phim cổ trang – lịch sử: Thái sư Trần Thủ Độ, Trò đời; phim hình sự: Bí mật tam giác vàng, Sát thủ online, Chạm tay vào nỗi nhớ…; phim giải trí với đề tài về tuổi trẻ, tình yêu, cuộc sống gia đình: Khi đàn ông góa vợ bật khóc, Ba đám cưới một đời chồng, Tình yêu không hẹn trước, Hoa nở trái mùa, Váy hồng tầng 24, Hương ngọc lan, Gái già xì tin...; phim có yếu tố nước ngoài như: Hai phía chân trời, Người cộng sự…

Năm 2013, phim Việt trên sóng VTV còn ghi dấu ấn với dòng phim một tập, phát vào tối Chủ nhật hàng tuần trên VTV1. Mỗi bộ phim mang một thông điệp riêng, giúp người xem đồng cảm với số phận con người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Một số bộ phim như: Nữ xế, Tu hú lạc bầy, Những tia nắng ấm, Miền chân sóng, Bướm đêm… đã nhận được những phản hồi tích cực của người xem. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ phim Việt đang lấy lại vị thế của mình trước làn sóng phim ngoại vẫn đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam trên khắp các phương tiện giải trí. Với nội dung phong phú và cách thể hiện đa dạng, những bộ phim truyền hình trên sóng VTV ngày càng trở nên gần gũi với người xem, giúp khán giả thay đổi khẩu vị một cách kịp thời, và quan trọng nhất là đưa họ trở về với thói quen “người Việt xem phim Việt”.

Tăng lượng, có tăng chất?

Luật Điện ảnh quy định: “Tỉ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng”, nhờ vậy khán giả có cơ hội được xem những bộ phim “made in Việt Nam” nhưng điều đó cũng đi kèm với mặt trái là sự buông lỏng khâu sản xuất, kiểm duyệt, dẫn đến tình trạng chêch lệch về chất lượng các bộ phim truyền hình. Bên cạnh một số bộ phim hay, thu hút được công chúng, cũng có những bộ phim còn yếu cả về tính nghệ thuật cũng như kĩ thuật dàn dựng, quay phim.

Trong thời kì bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế phim truyền hình Việt nếu muốn lấy lại vị thế thì chỉ có cách nâng cao chất lượng và không ngừng làm mới “món ăn cũ”. Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài THVN (VFC) – một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất phim truyền hình đã mạnh dạn đầu tư vào nhiều thể loại phim và nâng cao chất lượng của phim truyền hình, thu hút khán giả thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Điểm lại những bộ phim nhận được các phản hồi tích cực từ khán giả có thể kể đến: Cầu vồng tình yêu và Tình yêu không hẹn trước” (đạo diễn Trọng Trinh và Bùi Tiến Huy); Hai phía chân trời (đạo diễn Quốc Trọng, Vũ Trường Khoa), Ba đám cưới, một đời chồng (đạo diễn Khải Anh), Ông Tơ hai phẩy (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng), Giọt nước rơi (đạo diễn Bùi Quốc Việt)…

Những bộ phim này được thực hiện bởi những ê kíp trẻ với sáng tạo đặc biệt về tạo hình, âm thanh, lối tiếp cận vấn đề mới mẻ và hiện đại, mang đến những góc nhìn, những cảm xúc mới lạ cho khán giả truyền hình và thổi luồng gió mới cho dòng phim giải trí trên sóng VTV. Ngoài ra, VFC cũng chú trọng đến việc nâng cấp thiết bị làm phim để tạo ra những bộ phim hình ảnh có chất lượng cao. Nhiều thiết bị mới, hiện đại cũng đã được đưa vào sử dụng như máy quay HD, Flyingcam (thiết bị quay bằng máy bay trực thăng mô hình), Steadycam (máy quay có hệ thống ổn định hình)… tạo ra những hình ảnh mới lạ, những góc quay độc đáo, ấn tượng…

Phim hình sự lâu nay vẫn là một trong những thế mạnh của VFC. Tuy nhiên, để tránh đi vào lối mòn, nhàm chán, nhiều bộ phim thuộc thể loại này đã được khoác lên mình chiếc áo mới: Chạm tay vào nỗi nhớ, Sát thủ online đang tạo nên những bình luận khen chê sôi nổi... Bằng lối kể chuyện hấp dẫn, đề cập đến đời sống đầy biến động của giới trẻ ngày nay, Chạm tay vào nỗi nhớ và Sát thủ online được cư dân mạng xem lại khá nhiều trên mạng xã hội YouTube.

Dù có khen, có chê nhưng các ý kiến cho rằng các bộ phim này đã thoát ra được lối mòn chung thường thấy của phim hình sự Việt: công an đi bắt kẻ gian, nhiều cảnh quay các cuộc họp của ban chuyên án. Chuyện phim đã hướng đến nhiều đối tượng hơn: tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia, tội phạm mạng và cuộc sống nhiều màu sắc của sinh viên cảnh sát... Đúng như đạo diễn Vũ Hồng Sơn (phim Chạm tay vào nỗi nhớ) từng khẳng định: “Diễn biến và tình tiết trong tác phẩm hình sự lần này sẽ rất khó nắm bắt, và không thể đoán trước nội dung như những bộ phim khác. Thậm chí, nếu bỏ lỡ một tập phim, khán giả sẽ rất khó hiểu được tình tiết nội dung của các tập tiếp theo”.

Lại nói về sự trở lại của dòng phim một tập, có thể nói, đây là sự chấp nhận mạo hiểm của nhà Đài để phục vụ khán giả. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Phó Trưởng ban Thư kí biên tập, người chịu trách nhiệm chính về việc sản xuất dòng phim này cho biết: “Mục đích của VTV là sản xuất những bộ phim mới, hay, độc đáo về cả nội dung và cách thể hiện. Những series phim ngắn tập không chạy theo thị trường mà hướng đến những đề tài có tính nhân văn, bởi làm phim một tập khó hơn nhiều so với phim dài tập do không đạt được nhiều doanh thu từ quảng cáo. Để dòng phim này tiếp tục được duy trì, không có cách nào khác là phải thuyết phục khán giả bằng chính chất lượng sản phẩm.

Trong số các phim tạo nên sự hấp dẫn trong năm qua, không thể không kể đến Trò đời – đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Được chuyển thể từ 3 tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng là: Số đỏ, Kĩ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô, phim Trò đời đã tái hiện bức tranh sinh động xã hội Việt Nam trước 1945 với những nhân vật điển hình trong những hoàn cảnh điển hình, là người nông dân bần cùng hóa bị thu hút bởi ánh sáng ma mị của đô thị…

Với sự đầu tư lớn về kịch bản, trang phục, diễn viên, bối cảnh, bộ phim đã tạo một một món ăn lạ và là điểm nhấn cho phim truyền hình Việt. Người xem ghi nhận đây là một bộ phim tốt cả về không gian, thời gian và cách thể hiện. Đạo diễn đã làm rất sâu sắc phần thoại trong phim, khai thác kĩ lưỡng màu sắc điện ảnh trong từng cảnh quay, khắc họa đậm nét hơi thở của thời đại. Trò đời là sự thử nghiệm để thăm dò khán giả và thử sức của chính giới làm nghề trong điều kiện kinh phí eo hẹp hiện nay. Thành công của Trò đời là sự mở đường cho tác phẩm nhiều nổi tiếng khác của các nhà văn như Ngô Tất Tố, Lan Khai, Thạch Lam, Kim Lân, Nguyên Hồng... sẽ lần lượt đến với khán giả.

Có ý kiến cho rằng, đài truyền hình tăng thời lượng và khung giờ phát sóng phim Việt Nam để ép khán giả xem phim. Nói như vậy là hoàn toàn phiến diện bởi trong thời đại công nghệ số tràn ngập các phương tiện giải trí, nếu không muốn xem phim trên truyền hình, người ta hoàn toàn có thể chủ động mở xem một bộ phim khác theo sở thích riêng. Vậy mà, vẫn còn rất nhiều khán giả theo dõi, bàn luận sôi nổi xung quanh những: Trò đời, Làng ma 10 năm sau hay Chạm tay vào nỗi nhớ… đủ cho thấy, chất lượng phim truyền hình Việt không phải “tuột dốc không phanh” như nhiều người vẫn nghĩ.

Đường tới chuyên nghiệp

Ðể có thể hình thành một nền công nghiệp sản xuất phim truyền hình Việt Nam đích thực và tạo ra các bộ phim chất lượng, yếu tố đầu tiên là phải tạo được một đội ngũ chuyên nghiệp, yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm. Phải có các đạo diễn làm phim chuyên biệt ở lĩnh vực này, bên cạnh những khâu chuyên môn khác như: xây dựng kịch bản, viết lời thoại, lo kinh phí sản xuất, chọn bối cảnh, diễn xuất, âm thanh, hình ảnh và nhiều yếu tố kĩ thuật khác…

Năm 2013 cũng là năm mà Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam hiện đại hóa công nghệ sản xuất phim với sự chuyển đổi mạnh mẽ về thiết bị, đồng bộ sản xuất phim theo chuẩn hình ảnh chất lượng độ nét cao HD, tạo ra những bộ phim có hình ảnh đẹp mắt. Cùng với đó, nhiều thiết bị vốn chỉ được dùng trong trường quay đã đưa ra sử dụng ngoài trời. Những thiết bị công nghệ mới cũng được đưa vào sử dụng, tạo hiệu ứng hình ảnh tốt hơn. Chưa kể, kĩ xảo làm phim cũng có cơ hội phát huy triệt để thế mạnh để đem đến cho khán giả những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người xem.

Trên con đường hướng tới sự chuyên nghiệp, không thể xem nhẹ việc học hỏi kinh nghiệm từ các nhà sản xuất phim truyền hình nước ngoài. Việc hợp tác thực hiện phim truyền hình sẽ giúp các nhà làm phim Việt Nam tiếp thu được công nghệ mới nhất và có bước tiến nhanh, vững chắc, bắt kịp với xu thế làm phim của quốc tế. Trong năm qua, VTV đã hợp tác với Đài TBS của Nhật Bản sản xuất Người cộng sự, bộ phim về chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Phim đã đạt giải Bông sen vàng tại LHP lần thứ 18 vừa qua, nhưng quan trọng hơn cả, đội ngũ làm phim truyền hình VTV đã được làm quen với các thiết bị hiện đại, sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới để có thể tạo ra các sản phẩm truyền hình có chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, VTV còn hợp tác với Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) để sản xuất một phim truyền hình dài hơn 30 tập, dự kiến sẽ lên sóng vào mùa thu.

Việc VTV hợp tác sản xuất với một trong những nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình lớn nhất Hàn Quốc nằm trong mục tiêu phát triển sản xuất các chương trình truyền hình ngoài nước của Đài THVN, qua đó cung cấp cho khán giả những sản phẩm chất lượng cao hơn. Đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ sản xuất phim truyền hình để trong tương lai, Đài THVN có thể trao đổi bản quyền phim với các nước khác và tiến gần hơn nữa trên con đường chuyên nghiệp hóa phim truyền hình.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước