VTV.vn

Phóng viên điều tra
có cần "điên"?

Bài: T.H – Thanh Thủy

Ảnh (NVCC)

Thiết kế: Duy

“…Với chúng tôi, khi đã làm, chỉ cần làm thôi, làm gì có thời gian mà nghe những lời thị phi. Cận kề với nguy hiểm, chúng tôi còn nói với nhau rằng đúng là chúng ta điên thật, người ta không tin người điên làm cũng phải thôi, có ai lại thích đi rước hoạ vào thân đâu. Chỉ khi chúng ta bỏ nghề, may ra mới bớt điên đi được thôi. Nhưng..... không phải ai cũng có cơ hội được điên…”. Đây là dòng chia sẻ của nhà báo Liên Liên - tác giả của nhiều phóng sự điều tra gây tiếng vang trong dư luận - đăng tải trên trang cá nhân vào những ngày giữa tháng 5. Đây cũng là nguồn cảm hứng để chúng tôi tìm gặp chính nhà báo Liên và nhiều phóng viên điều tra khác, đi tìm đáp án cho câu hỏi - Các phóng viên điều tra có cần chất "điên"?

“Nếu nói về sự mạo hiểm trong công việc điều tra tôi từng làm thì rất nhiều, nhưng điên rồ thì CHƯA BAO GIỜ”
- Trường Sơn (Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài THVN)

Với nhiều loạt phóng sự phơi bày những sự thật giật mình, phóng viên Trường Sơn từ lâu đã trở thành cái tên quen thuộc trong các bản tin Chuyển động 24h. Anh đã có thâm niên công tác 13 năm tại Đài THVN, nhưng anh tiết lộ mới chính thức làm mảng điều tra được 5 năm, kể từ khi có chương trình Chuyển động 24h. Đây cũng là thời điểm anh khám phá thêm nhiều điều thú vị và cuốn hút trong nghề nghiệp của mình.

Thời điểm khởi đầu, phóng viên Trường Sơn cũng thực hiện những phóng sự thông thường về đời sống xã hội. Cho đến khi vô tình nhận được thông tin về nạn khai thác than trái phép tại Quảng Ninh, anh nhận ra đây là một đề tài hay dù nhiều người ngăn cản vì đề tài này chứa rất nhiều nguy hiểm. Đây cũng là phóng sự điều tra đầu tiên của anh.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ nếu ai cũng e ngại các đối tượng thổ phỉ thì ai sẽ là người đưa vấn đề này ra ánh sáng” – phóng viên Trường Sơn kể lại - “Nghĩ là làm. Tôi nhanh chóng cùng một anh quay phim quyết định đi vào vùng bị các đối tượng thổ phỉ khai thác than trái phép thuộc huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh”.

“Đó là phóng sự điều tra đầu tiên của tôi dù mạo hiểm nhưng được đánh giá rất cao, vì từ rất lâu rồi VTV24 không có những phóng sự như thế. Sau phóng sự đó tôi nhận ra mọi thứ cũng không quá khó như mình nghĩ và tôi quyết định đi theo mảng phóng sự điều tra”.

Làm phóng viên điều tra thường phải đối mặt với tiêu cực và những mặt trái của xã hội, hơn nữa, đặc thù của phóng sự điều tra còn là không thể hoàn thành chỉ sau 1 vài ngày hoặc 1 vài cảnh quay, phóng sự điều tra chứa đựng nhiều yếu tố may rủi mà mình không thể lường trước được, có thời điểm Trường Sơn cảm thấy mệt mỏi nhưng anh không bao giờ từ bỏ.

“Có nhiều phóng sự điều tra tôi phải thực hiện trong vòng 2 tháng , cứ 6h sáng đi quay đến tận 12h đêm mới về. Ngày nào cũng vậy, ròng rã nhiều tháng trời làm việc nhưng dù mệt mỏi chúng tôi cũng không bao giờ nản chí. Bởi mong muốn cuối cùng là có được những hình ảnh đắt giá, sự thật được phơi bày chưa có thì chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi đến cùng.

Và khi mỗi phóng sự lên sóng, đón nhận được nhiều tình cảm của khán giả, công chúng lại giúp những người làm phóng sự điều tra có thêm quyết tâm để bám trụ với nghề dù nhiều gian lao vất vả”, Trường Sơn tâm sự.

Với những phóng viên điều tra lâu năm, nguy hiểm thường không nằm ở quá trình tác nghiệp bởi bằng những kinh nghiệm có được, họ sẽ có biện pháp để không xẩy ra những tình huống đó. Tuy nhiên, sau khi phát sóng phóng sự, lúc đó mới nảy sinh tình huống nguy hiểm. Bởi nếu quá trình điều tra không kỹ, không có đầy đủ thông tin chính xác, có những kẽ hở dễ dàng để cho những đối tượng điều tra có cơ hội phản biện, kiện cáo. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến cơ quan và uy tín của chính phóng viên. Và những bài báo, phóng sự như vậy đưa lên cũng sẽ làm mất niềm tin của khán giả. Chính vì vậy, mỗi phóng sự lên sóng đều được kiểm duyệt rất kỹ và bắt buộc phải có sự can thiệp của cơ quan chức năng để chứng minh những thông tin đưa ra là chính xác và các cơ quan chức năng cũng sẽ có những biện pháp để xử lý vụ việc.

“Phóng viên điều tra phải có sự say nghề, yếu tố dũng cảm, sự quyết tâm. Nếu người hay nản chí, chóng chán sẽ không thể làm nghề này được. Nếu nói về sự mạo hiểm trong công việc điều tra tôi từng làm thì thất sự rất nhiều nhưng điên rồ thì chưa bao giờ”, Trường Sơn chia sẻ tiếp.

“Nếu điên rồ sẽ dễ đẩy mình vào trạng thái giống như một con báo săn một con linh dương. Khi quá say mồi sẽ khiến nó không để ý đến những nguy hiểm xung quanh và rất dễ bị rơi vào trạng thái vừa không đạt mục địch và còn tự gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Với phóng viên điều tra không được phép như vậy. Phải luôn tỉnh táo, luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh để không có những bước đi sai lầm. Bởi chỉ sai một chút thôi cũng đủ gây ảnh hưởng cho sự nghiệp và chính tính mạng bản thân mình”.

VTV.VN

“Làm điều tra, không chỉ giữ ở nhiệt độ thường mà phóng viên còn phải khiến cái đầu lạnh hơn, lạnh một cách ổn định”

“Sự điên rồ áp dụng trong công việc thì sẽ dẫn tới những hậu quả mà không có cơ hội sửa chữa” - nữ nhà báo Liên Liên cho hay - “Để lột tả được từ điên rồ thì phải cho vào ngoặc kép vì đôi lúc mình say nó quá, một đề tài mình thực sự đam mê, mê mải với nó tới mức mình quên hết mọi thứ, bỏ nhà cửa để đi làm thì với người khác, có thể họ gọi đó là điên rồ. Làm điều tra để có sự “điên rồ” như vậy thì cần. Bởi nếu lúc nào chúng ta cũng chỉn chu, tính toán cứng nhắc thì sẽ không có tác phẩm mang tính đột phá và chất riêng của mình”.

Bắt đầu công việc phóng viên điều tra từ 2007, tới nay, phóng viên Liên Liên đã có hơn 10 năm làm ở lĩnh vực này. Từ thời còn sợ hết hồn khi nhận được tin nhắn đe dọa tính mạng, giờ phóng viên Liên Liên thấy những điều đó là bình thường.

Tuy nhiên, với Liên Liên, phóng viên điều tra là công việc không bao giờ có màu hồng. Người ta thường chỉ nhìn được hào quang lúc tác phẩm lên sóng, nhưng còn có những áp lực trước và sau đó.

“Nó khác với nhiều lĩnh vực khác, xong là xong, mình có thể tiếp tục làm việc khác mà không cần nghĩ gì. Với điều tra, khi tác phẩm lên sóng, những tài liệu, chứng cứ mình còn phải cất kỹ vì biết đâu có đơn kiện, yêu cầu giải trình thì lúc đó mình sẽ đưa ra những bằng chứng để bảo vệ mình.

Áp lực rất dài và không phải ai cũng có thể chịu suốt được những áp lực đó. Áp lực ở đây đến từ yếu tố pháp lý. Một lần bạn ngã thì có thể bạn sẽ không muốn làm nữa và chuyển sang theo dõi lĩnh vực khác để nhẹ đầu hơn. Mỗi khi va vấp, việc giải quyết rất mệt mỏi, bị bắt bẻ từng câu chữ. Lúc đó thì bạn sẽ hiểu nghề này là màu hồng hay xám”.

Nữ nhà báo cho rằng phóng viên điều tra cần có một cái đầu lạnh và trái tim nóng. Một cái đầu lạnh là để bảo vệ bản thân, bởi nóng giận mất khôn, sẽ rất dễ gặp sai sót. Có thể trước một sự việc, tất cả mọi người có thể nhảy dựng lên nhưng bản thân phóng viên phải bình tĩnh.

“Khi mọi người quan sát và hành động không phải từ con mắt làm nghề thì bản thân mình càng phải tỉnh táo hơn để đưa ra căn cứ, lập luận. Đôi lúc, người trẻ mới vào nghề có nhiệt huyết rất mãnh liệt, lúc nào cũng hừng hực và muốn cống hiến, ra sản phẩm ngay, nhanh. Điều đó quá tốt nhưng trong điều tra mà mình không tự nhắc nhở bản thân xem đã đúng chưa, cẩn thận kiểm tra thì sẽ vấp. Vấp một vài lần thì sẽ chọn con đường phẳng, không còn muốn đi con đường gồ ghề”, chị nói.

Nhiều lần chính bản thân chị rơi vào tình huống bị mọi người xung quanh khuyên can bỏ đề tài theo dõi, hay thậm chí cũng có lần chính chị cũng phải bỏ cuộc giữa chừng đề tài mình thực hiện.

“Không nhiều nhưng cũng sẽ có đề tài phải bỏ vì khi đi tìm sự thật, quá trình mình thu thập thông tin thì thấy chưa đủ, không đúng với những tài liệu mình đã có sẵn khi mới bắt đầu, hoặc có đề tài mà mình thấy nguy cơ hậu quả sau khi phát sóng có liên quan kiện tụng và có khả năng mình thua” – phóng viên Liên Liên cho biết – “Chẳng hạn như với đề tài ma túy, một loại chất màu trắng, với chức năng, nhiệm vụ của báo chí là không có chức năng gửi kiểm nghiệm, để xác định là ma túy. Nó có thể giống đường hay muối. Trong quá trình điều tra, hình ảnh và lời nói chưa đủ căn cứ. Nếu mình không đủ căn cứ pháp lý để tiếp tục thì phải bỏ”.

“Trong điều tra, mỗi năm mình lại muốn chinh phục ngọn núi cao hơn. Những đề tài càng ngày càng khó hơn mà như vậy cũng nguy hiểm hơn. Sự nguy hiểm ở đây là về tính pháp lý trong bài viết của mình. Nhiều khi tôi cũng phải đọc lại bài viết của mình rất nhiều lần, đọc xong lại quên hoàn toàn nó để rồi đọc lại xem có vấn đề gì không. Mình phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình bởi nó còn liên đới tới nhiều cá nhân khác”.

"Phóng viên điều tra là công việc
và chẳng có công thức nào
để thành công "
Phóng viên Anh Tuấn - ĐTHVN

Giống như phóng viên Trường Sơn, Anh Tuấn cũng là một gương mặt phóng viên điều tra trẻ của Đài THVN. Anh được khán giả biết đến là tác giả của loạt phóng sự như Buôn lậu rác thuốc vào Việt Nam, vụ lạm dụng tình dục trẻ em nam tại Phú Thọ, vụ tiêu cực trong hoạt động mua máy xét nghiệp tại CDC Hà Nội, góc khuất đằng sau những tai nạn chết người ở các mỏ đá ở Hòa Bình… Với Anh Tuấn, phóng viên điều tra là công việc mà ở đó anh và các đồng nghiệp phải luôn tìm tòi, khám phá, tâm huyết với nó.

“Với mỗi phóng sự điều tra, mọi bước đi đều phải được tính toán kỹ lưỡng. Nếu định làm gì có nguy hiểm tới bản thân và đồng nghiệp thì người phóng viên cũng phải cân nhắc. Không thể đánh đổi sự mất an toàn của chính mình và ê-kíp để lấy một bài báo. Nhưng đương nhiên, với nhiều vụ phóng viên cũng chấp nhận sự mạo hiểm để khai thác được thông tin, có được bằng chứng” - Anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh, khi thực hiện một đề tài phóng sự điều tra, điều quan trọng là phải thu thập tài liệu, bằng chứng.

Vậy một phóng viên điều tra có công thức để thực hiện thành công tác phẩm của mình?
“Chẳng có công thức nào để phóng viên điều tra có thể áp dụng thành công. Nó là công việc mình luôn phải tìm tòi, phát hiện và tâm huyết với nó. Báo chí điều tra có nhiều dạng. Chúng tôi thường làm điều tra xã hội, những vấn đề mình nhìn, nghe thấy. Nhiệm vụ của mình là thu thập bằng chứng. Ngoài những điều đó thì tôi cũng có hứng thú với điều tra dữ liệu hồ sơ. Dạng điều tra này đòi hỏi mình phải có nhiều kỹ năng khai thác thông tin, tài liệu, có nguồn tin mật cá nhân thì mới quyết định được bài điều tra có dữ liệu sâu tới đâu. Dạng điều tra này khó hơn vì không phải lúc nào mình cũng có thể tiếp cận nguồn thông tin. Nhưng những dạng này thường có thông tin gây sốc. Nó là sự thật không phải ai cũng biết và không phải ai cũng thấy”.

“Tôi còn trẻ, tôi có lợi thế là nhiệt huyết. Đó là thuận lợi lớn nhất cho tôi khi làm các bài điều tra. Về kinh nghiệm có được từ quá trình làm việc, tôi xác định mình vừa làm vừa trau dồi kinh nghiệm và học hỏi từ đồng nghiệp, từ những điều mình trải qua”, phóng viên Anh Tuấn cho hay.

PV
Anh Tuấn

(Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài THVN)

“Đằng sau mỗi phóng sự điều tra luôn cần sự hi sinh và tâm huyết của những nhà báo theo đuổi. Đôi khi mình thích những đề tài đó nên muốn khám phá tìm hiểu thôi” - phóng viên Anh Tuấn (Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài THVN)

Anh Tuấn chia sẻ, phóng viên điều tra là công việc bình thường của một phóng viên. Chẳng qua mình có hứng thú và hay làm những đề tài như vậy nên mình tâm huyết với nó.

“Với truyền hình, phóng sự điều tra là sản phẩm của cả tập thể, ê-kíp. Anh em lái xe quay phim đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những phóng sự điều tra.

Ở VTV, nhà báo nào cũng có những điều kiện tốt nhất để thực hiện được phóng sự điều tra. Đó là điều tôi trân trọng. Tôi nghĩ vì lẽ đó chẳng có lý do gì để mình không tâm huyết thực hiện các phóng sự điều tra cả”.

“Với mỗi đề tài sẽ ở hoàn cảnh, có đặc thù khác nhau, tôi nghĩ mình cần cân nhắc việc đó. Nhiều lúc yêu nghề quá nên không nhớ ra rồi sau đó lại nghĩ sao lúc ấy mình liều thế. Đằng sau mỗi phóng sự điều tra luôn cần sự hi sinh và tâm huyết của những nhà báo theo đuổi. Đôi khi mình thích những đề tài đó nên muốn khám phá tìm hiểu thôi”, Anh Tuấn kết lại.

Thống kê của Ủy ban bảo vệ các nhà báo, công chúng sẽ còn bất ngờ hơn khi biết năm 2018 trên thế giới có 53 nhà báo bị giết hại do bị trả thù. Liên hợp quốc đã xếp phóng viên trong danh sách những công việc nguy hiểm nhất thế giới.

Nguy hiểm là vậy nhưng công việc này vẫn có những con người đam mê và không ngừng cống hiến. Mỗi ngày, sẽ có những vấn đề tiêu cực được phơi bày ra ánh sáng, mang tới cuộc sống tốt hơn cho nhiều người, từ những bài báo như thế.

Anh Tuấn chia sẻ, phóng viên điều tra là công việc bình thường của một phóng viên. Chẳng qua mình có hứng thú và hay làm những đề tài như vậy nên mình tâm huyết với nó.

“Với truyền hình, phóng sự điều tra là sản phẩm của cả tập thể, ê-kíp. Anh em lái xe quay phim đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những phóng sự điều tra.

Ở VTV, nhà báo nào cũng có những điều kiện tốt nhất để thực hiện được phóng sự điều tra. Đó là điều tôi trân trọng. Tôi nghĩ vì lẽ đó chẳng có lý do gì để mình không tâm huyết thực hiện các phóng sự điều tra cả”.

“Với mỗi đề tài sẽ ở hoàn cảnh, có đặc thù khác nhau, tôi nghĩ mình cần cân nhắc việc đó. Nhiều lúc yêu nghề quá nên không nhớ ra rồi sau đó lại nghĩ sao lúc ấy mình liều thế. Đằng sau mỗi phóng sự điều tra luôn cần sự hi sinh và tâm huyết của những nhà báo theo đuổi. Đôi khi mình thích những đề tài đó nên muốn khám phá tìm hiểu thôi”, Anh Tuấn kết lại.

Thống kê của Ủy ban bảo vệ các nhà báo, công chúng sẽ còn bất ngờ hơn khi biết năm 2018 trên thế giới có 53 nhà báo bị giết hại do bị trả thù. Liên hợp quốc đã xếp phóng viên trong danh sách những công việc nguy hiểm nhất thế giới.

Nguy hiểm là vậy nhưng công việc này vẫn có những con người đam mê và không ngừng cống hiến. Mỗi ngày, sẽ có những vấn đề tiêu cực được phơi bày ra ánh sáng, mang tới cuộc sống tốt hơn cho nhiều người, từ những bài báo như thế.