Phóng viên Thời sự: Những ngày "trực chiến" trên biển

Yến Trần-Thứ sáu, ngày 27/06/2014 21:22 GMT+7

"Trong tình hình căng thẳng, chúng tôi gặp không ít khó khăn nhưng với sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất chuyên nghiệp từ đất liền, nhóm đã đều đặn đưa thông tin từ thực địa đến với khán giả", PV Tùng Khánh chia sẻ về những ngày "trực chiến" trên biển của các phóng viên VTV.

Phụ trách nhóm PV đầu tiên tác nghiệp tại điểm nóng trên biển Đông, anh có thể cho biết nhiệm vụ đã được giao cho nhóm trong hoàn cảnh nào?

Đầu tháng 5, tin tức về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được phản ánh liên tục trên sóng của VTV. Những ngày sau, hình ảnh được truyền từ Hoàng Sa đã cho thấy rõ sự thách thức của Trung Quốc khi đâm thẳng và phun vòi rồng vào tàu của lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư của Việt Nam.

‘ PV Tùng Khánh

Những hình ảnh này đã được Bộ ngoại giao Việt Nam công bố rộng rãi trong buổi họp báo quốc tế. Tàu Cảnh sát biển (CSB) 4033 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng 20m lan can nên phải đưa về Đà Nẵng sửa chữa. Nhóm phóng viên Thời sự gồm tôi, Nguyễn Thương và quay phim Văn Công được phân công cùng tàu 4033 quay lại thực địa. Cùng đi còn có phóng viên của một số cơ quan báo chí khác và các phóng viên quốc tế.

Đến phút cuối, lãnh đạo Đài quyết định bổ sung phóng viên Việt Cường vào nhóm. Chúng tôi hiểu rõ sự có mặt của phóng viên VTV tại thực địa sẽ làm tăng tính chân thực và uy tín của Đài truyền hình Quốc gia. Cả nhóm đều hồi hộp và mong sớm có mặt ở điểm nóng này.

Khi đến điểm nóng, tình hình thực tế có khác nhiều so với những hình dung của các anh trước chuyến đi?

Lịch trình của chuyến đi không được thông báo trước quá sớm. 21h00 ngày Chủ nhật 11/5, chúng tôi mới nhận được thông báo của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển là 17h00 ngày hôm sau phải có mặt ở Đà Nẵng để sẵn sàng xuống tàu. Ngay lúc đó, chúng tôi báo cáo lãnh đạo và đặt vé máy bay, chuẩn bị đồ dùng cá nhân và máy móc, thiết bị.

Hôm sau, vào tới Đà Nẵng, anh em liền tranh thủ đi mua đồ để dùng trên biển cho khoảng 10 ngày. Được phổ biến là sẽ ăn ở cùng các chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu nhưng nhiều lần đi Trường Sa, đi biển đã cho chúng tôi kinh nghiệm "thừa còn hơn thiếu".

Đêm, tàu CSB 4033 nhổ neo rời quân cảng Tiên Sa, vùng ven biển sóng êm nhưng ra khơi thì sóng đã lên cấp 4, cấp 5. Tàu CSB 4033 có tốc độ cao nên lúc chạy không có cảm giác bị lắc và say sóng nhưng khi cặp mạn để lên tàu CSB 8003 thì cả đoàn đều mệt. (Hiện tượng này chỉ mất đi sau vài ngày ở trên tàu.)

Tuy mệt như vậy nhưng khi nghe thuyền trưởng thông báo: “Toàn tàu chuẩn bị tiếp cận giàn khoan…”, mọi người đều bật dậy và lên boong, tìm vị trí để tác nghiệp.

Trong những ngày "trực chiến" trên biển, nhóm PV Thời sự đã bám sát diễn biến sự kiện như thế nào? Để ghi lại được những hình ảnh, thông tin tại điểm nóng, các anh có gặp khó khăn gì không?

Trên tàu, mỗi khi tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981, thuyền trưởng luôn thông báo cụ thể các tình huống và hiện tượng để phóng viên có thể tác nghiệp: “Mạn trái có tàu Trung Quốc chuẩn bị phun vòi rồng”, “Mạn phải có hai tàu Trung Quốc đang áp sát tàu 2013”, “Tàu chiến Trung Quốc đang chạy phía mũi trái” hoặc “Máy bay hướng 10h”.

‘Pv Tùng Khánh với các chiến sĩ cảnh sát biển

Nhờ vậy, chúng tôi luôn bám sát được tình hình diễn ra và chủ động ghi lại các hình ảnh cần thiết để chuyển về đất liền. Tuy nhiên, chỉ khi nào thuyền trưởng "cho phép", phóng viên mới được ra mặt boong. Khi đó, tất cả đều phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng được phổ biến khi có tình huống phức tạp xảy ra trên biển cần phải bình tĩnh và chấp hành nghiêm sự điều hành của người chỉ huy trên tàu. Thực tế, khi tiếp cận giàn khoan, mọi người trên tàu không quá căng thẳng nhưng hết sức tập trung theo dõi mọi hành động của tàu Trung Quốc và cảnh giác cao độ. Trách nhiệm lúc đó chủ yếu dồn vào người quay phim khi cần có hình ảnh rõ nét, thuyết phục trong khi tàu chao đảo dữ dội.

Tác nghiệp nhiều ngày trên tàu, lịch sinh hoạt nhóm PV có gì đặc biệt?

Là nhóm phóng viên Thời sự đầu tiên ra thực địa, mọi thứ đều chưa thể hình dung rõ ràng nên chúng tôi xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho các nhóm đi sau. Ở trên tàu Cảnh sát biển nhiều ngày nên mọi sinh hoạt, tác phong của phóng viên cũng tuân thủ theo quy định trên tàu như những chiến sĩ cảnh sát biển và chúng tôi thích nghi cũng rất nhanh theo nề nếp đó. Ăn đúng giờ, ba ngày tắm một lần, quần áo phải tập trung để giặt và tiết kiệm nước ngọt tối đa.

‘ Sinh hoạt của PV VTV phải tuân theo quy định trên tàu

Nhưng trên tàu CSB 8003, chúng tôi cảm nhận rất rõ tình người, tình đồng chí đồng nghiệp giữa biển khơi bao la. Mỗi khi lên boong tác nghiệp, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của những cảnh sát biển, vì vậy, sự lo lắng không hề có. Những chiến sĩ cảnh sát biển luôn đứng gần chúng tôi khi tác nghiệp trên boong, hỗ trợ bất cứ điều gì chúng tôi yêu cầu và nhắc nhở chúng tôi những nguy hiểm có thể xảy ra như: Không nhoài người quá xa để quay phim, chụp ảnh, luôn phải mặc áo phao tìm chỗ an toàn khi có tình huống nguy hiểm...

Sau năm ngày ở điểm nóng, các phóng viên cùng đi quay trở về đất liền, chỉ có phóng viên VTV (phóng viên Việt Cường về trước) và Thông tấn xã được lệnh ở lại. Với sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất chuyên nghiệp từ đất liền, tình hình điểm nóng trên biển Đông vẫn liên tục được chúng tôi cập nhật với khán giả VTV.

Như vậy, vừa tác nghiệp ở thực địa, các anh đồng thời phải gửi tin bài về đất liền để cập nhật tình hình. Quá trình đó diễn ra như thế nào?

Trước khi đi, chúng tôi dự định là sẽ sản xuất tin bài trên tàu và chuyển về đất liền theo đường vệ tinh của tàu CSB nên thiết bị mang theo cũng đơn giản. Tuy nhiên, ngày đầu tiên ra tiếp cận giàn khoan thì vệ tinh trên tàu lại trục trặc. Việc liên lạc về đất liền cũng khó khăn. Chúng tôi phải gọi nhờ điện thoại vệ tinh của các đồng nghiệp nước ngoài để báo cáo tình hình.

Lúc đó trên tàu chỉ có một thiết bị truyền dữ liệu vệ tinh của đồng nghiệp nước ngoài hoạt động được. Tất cả phóng viên trên tàu đều nhờ thiết bị này để chuyển tin bài về. VTV được ưu tiên truyền tin bài về đầu tiên và Bản tin đầu tiên có mặt phóng viên của VTV ở điểm nóng biển Đông được phát sóng trong Bản tin chính.

‘PV Nguyễn Thương và quay phim Văn Công

Được biết, hành trình trở về của các phóng viên là một chuyến tàu nhiều bão táp. Xin anh chia sẻ thêm?

Sau 16 ngày "trực chiến", nhóm phóng viên Mạnh Cường, Đức Thắng, Đăng Thụ và Vũ Hoàng được cử ra thay thế chúng tôi. Khi cặp mạn để chuyển đồ và người, chúng tôi chỉ có ba phút gặp nhau rồi phải theo tàu HP34 của lực lượng Kiểm ngư về Đà Nẵng.

Tàu HP34 là tàu đầu tiên phát hiện sự di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước ta. Tàu HP34 đã hoạt động trên biển 41 ngày nên khi trở về thì nước ngọt và lương thực đã hết. Tàu mang đầy chứng tích do bị tàu Trung Quốc cố tình đâm và gây hỏng hóc ở mũi trước và sau lái. Trên tàu HP34, được nghe những câu chuyện về hoạt động của các thành viên trên tàu trong suốt thời gian đeo bám giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự gian khổ của các anh khi hoạt động trên biển.

Trong tình hình căng thẳng như vậy, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để lại trong anh ấn tượng sâu sắc như thế nào?

Những người cảnh sát biển rất có kỷ luật và ý thức trong công việc, đặc biệt là trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đại úy Nguyễn Văn Hưng - thuyền trưởng tàu CSB 8003 nhận lệnh gấp đã không kịp về nhà, chỉ kịp ứng hai tháng lương nhờ người đưa về cho vợ dù nhà chỉ cách đơn vị gần 3 km.

‘PV VTV chụp ảnh kí niệm với các chiến sĩ CSB - những con người có tinh thần thép nơi đầu sóng

Còn những cán bộ ở Bộ tư lệnh cảnh sát biển (trụ sở ở Hà Nội) thì 10h30 sáng 5/5 được triệu tập họp - phổ biến nhiệm vụ, 11h ăn cơm và sau đó đi ngày Hải Phòng để lên tàu CSB 8003. Và điều đặc biệt là trên tàu có hai anh em ruột. Người anh là trung tá Vũ Văn Ngọc, cán bộ phòng đối ngoại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và em trai là Trung úy Vũ Văn Kiên nhân viên trên boong tàu 8003. Có một điều khá thú vị là tàu CSB 8003 cách đây hơn một tháng còn đi tuần chung trên Vịnh Bắc Bộ với tàu hải tuần Trung Quốc mang số hiệu 3210.

Họ là những con người có tinh thần thép nơi đầu sóng, luôn đoàn kết, kiên định và sẵn sàng đối diện với hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ thực thi luật pháp tại vùng biển chủ quyền Tổ quốc. Nhưng sau những giờ cam go đấu trí với phía tàu Trung Quốc, họ cũng có những giây phút trở lại với cuộc sống bình thường.

Hình ảnh các chiến sĩ đứng trước boong tàu ngắm cảnh hoàng hôn trên biển, cắt tóc cho nhau, chơi thể thao rèn luyện sức khỏe… ở nơi biển khơi đang “dậy sóng” mãi để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước