Những điều nên biết khi chọn mua máy ảnh (P2)

Minh Nguyễn-Thứ tư, ngày 10/07/2013 10:02 GMT+7

 Nếu đang cần mua một chiếc máy ảnh, những chỉ dẫn sau đây có thể sẽ hữu ích với bạn.

3. Những yếu tố đáng quan tâm

Độ phân giải

Độ phân giải là yếu tố có liên quan đến độ sắc nét và kích cỡ của một bức ảnh phóng. Một thiết bị có độ phân giải càng cao thì bức ảnh đầu ra sẽ càng sắc nét và có thể in được bức ảnh càng lớn và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết mẫu camera hiện tại đều cung cấp thừa (hoặc ít nhất là đủ) cho nhu cầu của đại đa số người dùng (ở mức mắt thường có thể phát hiện được sự khác biệt).

Ống kính (Lens)

Có thể nói, thành công của một bức ảnh phụ thuộc tương đối nhiều vào chất lượng thấu kính. Và muốn chọn ống kính phù hợp, chúng ta cần quan tâm tới 2 yếu tố sau đây: độ dài tiêu cự và độ mở ống kính.

Độ dài tiêu cự, được ghi bằng mm trên thân lens, cho biết chính xác độ phủ quang học của ống kính (nôm na là góc nhìn qua kính ngắm). Tiêu cự càng tăng, chủ thể chụp trông có vẻ càng lớn hơn (thực chất chủ thể chiếm nhiều không gian trong bức ảnh hơn). Ngoài ra, độ dài của tiêu cự cũng ảnh hưởng tới độ sâu của trường ảnh (deep of field). Tiêu cự càng lớn thì trường ảnh càng nông (mỏng) và ngược lại. Ví dụ, chụp một bức ảnh ở tiêu cự 100 mm, mở 2.8, ảnh đầu ra trông sẽ sâu hơn một bức ảnh được chụp với ống kính tiêu cự 200 mm với độ mở ống kính tương đương.

‘ Một ống kính có 2 tiêu cự gọi là ống zoom. Tuỳ vào dải zoom và chủ ý riêng mà người chụp có thể quyết định được việc có phải di chuyển nhiều trong lúc chụp hay không.

Ngược lại, ống kính có 1 tiêu cự được gọi là ống fix. Chữ fix ở đây có nghĩa là tiêu cự cố định và người dùng buộc phải tự di chuyển khi thiết kế bố cục cho một bức ảnh. Nôm na, đây có thể hiểu là hành động “zoom bằng chân”.

Vấn đề nào cũng có mặt tốt và mặt hạn chế của riêng nó. Ống kính máy ảnh cũng không ngoại lệ. Ống zoom thuận tiện trong việc tác nghiệp nhưng lại không được đánh giá cao bằng ống fix về chất lượng ảnh đầu ra (so sánh giữa những ống kính cùng tầm giá và thương hiệu). Thêm vào đó, ống zoom thường không có độ mở lớn bằng những ống fix.

Trên thị trường hiện tại, có thể phân thành các loại ống kính như sau:

· Ống kính siêu rộng (thường có tiêu cự nhỏ hơn 18mm) nhưng không có hiệu ứng cong “mắt cá” (fish eyes), phù hợp để chụp những bức ảnh cần lấy cảnh cực rộng. Chất lượng ống kính càng tốt thì độ méo ảnh càng giảm xuống. Mức giá của những ống kính siêu rộng có mặt trên thị trường không hề rẻ.

· Ống kính góc rộng (tiêu cự từ khoảng 18mm đến 30mm), phù hợp để thực hiện những bức ảnh tập thể, phong cảnh, nhiếp ảnh đường phố hay chụp trong điều kiện không gian hẹp.

· Ống kính tiêu chuẩn (có tiêu cự từ khoảng 30mm đến 70mm), đây là dải tiêu cự được sử dụng rất nhiều trong nhiếp ảnh, đặc biệt trong thể loại ảnh chân dung và thời trang.

· Ống kính Tele (có tiêu cự từ khoảng 70mm to 300mm) phù hợp để chụp chân dung hoặc thể thao.

· Ống kính “siêu Tele” (tiêu cự lớn hơn 300mm), phù hợp cho chụp thể thao, chụp động vật hoang dã.

Khẩu độ là yếu tố quyết định phần lớn độ sâu của trường ảnh. Vấn đề nông hay sâu của trường ảnh tuỳ thuộc vào mục đích mà tác giả gửi gắm vào một bức ảnh. Thông thường, một bức ảnh chân dung thường được chụp với khẩu độ lớn trong khi đó, một bức ảnh phong cảnh sẽ được khép khẩu sâu khi chụp.

Độ nhạy sáng

Độ nhạy sáng được biết đến qua thông số có tên là ISO. Ngoài tốc độ màn trập và khẩu độ của ống kính, ISO cũng là yếu tố ảnh hưởng đến độ sáng tối của bức ảnh. 3 yếu tố nói trên có mối quan hệ với nhau theo một tam giác (thông dịch: tam giác phơi sáng, xem ảnh dưới).

Thông thường, ISO càng thấp thì bức ảnh đầu ra sẽ càng trở nên mịn màng, ít hạt, nhiễu(noise). Và một máy ảnh có chất lượng hay không cũng có thể đánh giá phần nào qua độ khử nhiễu của nó. Những mẫu máy chuyên nghiệp có mặt trên thị trường như 5D Mark III hay D800 (cao cấp hơn có Leica S2, Hasselblad H4D, H5D…) đều có khả năng khử noise vô cùng ấn tượng khi chụp một bức ảnh với ISO cao.

Tương tự, những mẫu máy cấp thấp hơn, với cảm biến nhỏ hơn, độ khử noise cũng vì thế mà kém đi, kéo theo đó, dải ISO không thể sử dụng triệt để (có nhiều mẫu máy cho phép sử dụng ISO 6400 hay thậm chí 12800 để chụp ảnh song chất lượng ảnh đầu ra vô cùng đáng thất vọng).

Viewfinder (kính ngắm)

Nhiếp ảnh từ khi ra đời đã gắn liền với kính ngắm. Và cho đến thời đại kĩ thuật số hiện tại, ống ngắm dường như vẫn là một bộ phận khó có thể thiếu với nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Người dùng sẽ dễ bao quát được toàn bộ các thông số như tốc độ, ISO, khẩu độ… khi nhìn qua kính ngắm thay vì theo dõi trên màn LCD. Bên cạnh đó, màn LCD sẽ trở nên “tắt điện” khi sử dụng ngoài trời nắng.

Hiện tại, có 2 loại kính ngắm phổ biến nhất đã và đang được lưu hành trên những mẫu máy kĩ thuật số hiện đại:

· TTL (through-the-lens): đúng như tên gọi, ngắm qua lens, cho người dùng cái nhìn trực tiếp và chính diện về khung hình của mình. TTL thường được sử dụng trong hầu hết những máy DSLR hiện hành.

· EVF (electronic viewfinder): kính ngắm điện. EVF có thể được coi là dòng kính ngắm cao cấp hơn TTL thông thường. Ưu điểm của dòng kính ngắm này so với "người tiền nhiệm" TTL chính là ở khả năng bao quát được cả việc ghi hình. Ngoài ra, nó sẽ hiển thị chính xác bức ảnh đầu ra trông thế nào. Mọi thay đổi về tốc độ, khẩu độ, ISO đều sẽ được ghi nhận và hiển thị trước cho người dùng.

Chống rung ảnh

Nhiều mẫu ống kính tháo rời hiện nay được lắp đặt thêm mô-tơ chống rung và điều này sẽ giúp người dùng thuận tiện hơn rất nhiều trong việc giảm thiểu hiện tượng rung lắc, out nét khi chụp. (Ví dụ dưới đây cho thấy tác dụng của việc có chế độ chống rung. Bức ảnh bên trái không được sắc nét do rung lắc trong khi đó bức ảnh bên phải - có chống rung, đã trở nên sắc nét hơn).

Pin

Thông thường, pin máy ảnh không tính theo thời lượng sử dụng mà tính theo số bức ảnh chụp được trong một vòng sạc. Nếu nhu cầu sử dụng nhiều và liên tục, người dùng thật sự nên cân nhắc tới yếu tố này.

Khả năng chụp nhanh

Nắm bắt khoảnh khắc là một yếu tố rất quan trọng trong nhiếp ảnh (đặc biệt là trong ảnh thể thao, động vật hoặc nhiếp ảnh đường phố). Do đó, nếu là một người ưa thích những thể loại kể trên, người dùng nên chọn cho mình những dòng sản phẩm thật sự phù hợp. Bởi lẽ, không phải mẫu máy ảnh đắt tiền nào cũng cho khả năng chụp nhiều ảnh liên tiếp ở tốc độ cao. Ngược lại, những mẫu máy ảnh rẻ tiền hơn chưa chắc đã chụp chậm hơn so với một thiết bị tối tân. Mỗi dòng sản phẩm được làm ra với mục đích sử dụng khác nhau, tuỳ vào túi tiền và nhu cầu, hãy cân nhắc để chọn cho mình một máy ảnh phù hợp nhất.

Khả năng ghi hình

Dù máy ảnh với chức năng chính là chụp ảnh nhưng chất lượng ghi hình của những mẫu sản phẩm hiện tại không hề tồi chút nào. Thậm chí, trên khắp thế giới và ngay cả tại Việt Nam, nhiều dự án hình ảnh cũng sử dụng thiết bị máy ảnh để ghi hình. Độ phân giải cao (full HD) và giá thành tương đối rẻ (nếu so với một thiết bị ghi hình chuyên nghiệp) là một trong những yếu tố khiến người dùng mê quay phim tìm đến với các thiết bị máy ảnh.

4. Kết luận:

Không có máy ảnh tệ nhất và cũng không có máy ảnh “xịn” nhất trên thị trường. Các nhà sản xuất hẳn đã phải nghiên cứu rất kĩ lưỡng trước khi tung ra một mẫu sản phẩm nào. Vấn đề ở đây là mỗi mẫu máy ảnh sẽ phục vụ cho một thị trường khác nhau. Và tuỳ vào nhu cầu cũng như túi tiền mà người dùng có thể chọn cho mình một mẫu sản phẩm phù hợp nhất. Hi vọng những thông tin trên có thể giúp ích phần nào cho độc giả trong việc lựa chọn mua máy ảnh kĩ thuật số!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước