Hội nghị G7 và những khác biệt về mối lo tăng trưởng kinh tế

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 27/05/2016 06:22 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, các nước G7 có mức độ quan tâm tới mục tiêu cũng như cách thức tăng trưởng kinh tế khác nhau.

Hôm qua (26/5), Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khai mạc tại bán đảo Ise Shima, miền Trung Nhật Bản. Thúc đẩy tăng trưởng là nội dung được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay do Nhật Bản chủ trì. Đây là chủ đề được thảo luận xuyên suốt tại Hội nghị với sự chia sẻ quan điểm của các nhà lãnh đạo G7. Tuy nhiên, quan điểm của các nước G7 lại khá khác biệt trong việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây là quan điểm chung được tất cả các nhà lãnh đạo G7 chia sẻ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thậm chí còn so sánh tình hình kinh tế thế giới hiện nay với thế giới trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Hiện nay, kinh tế thế giới có nhiều rủi ro đe dọa hủy hoại các nỗ lực phát triển. Tuy nhiên, quan điểm của Nhật Bản không được các quốc gia châu Âu chia sẻ và các bên chỉ đi đến một tuyên bố mang tính trung dung.

Lý giải nguyên nhân dẫn đễn hiện tượng này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng các nước G7 có sự quan tâm tới mục tiêu tăng trưởng ở mức độ khác nhau bởi có sự khác biệt trong thực trạng của từng nền kinh tế.

"Không chỉ ở Nhật Bản, tình trạng giảm phát còn là nguy cơ với nhiều quốc gia phát triển khác. Với nền kinh tế châu Âu trong một vài năm gần đây, vấn đề thiểu phát (tốc độ tăng trưởng kinh tế đi kèm tốc độ lạm phát đều ở mức thấp) đã tạo ra mối lo ngại khá lớn với nền kinh tế khu vực. Không chỉ vậy, giảm phát ở những nước phát triển thậm chí còn có thể dẫn tới giảm phát toàn cầu", ông Vũ Đình Ánh phân tích.

"Đây là vấn đề kinh tế vĩ mô không mới, nhưng rõ ràng hiện tượng xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế không chỉ ở các nước phát triển mà của toàn cầu trong thời gian gần đây đã đặt ra bài toán về giảm phát, rút kinh nghiệm từ bài học mô hình kinh tế 2 năm qua của Nhật Bản".

Không thể phủ nhận kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn khó khăn. Trong dự báo đưa ra vào tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế nhấn mạnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng quá chậm trong một khoảng thời gian dài. Trước tình hình đó, vấn đề phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng đang ngày càng trở nên cấp thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước