Nhiều di tích, di sản tại các địa phương đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, không có kinh phí cho công tác sưu tầm hay hồi hương cổ vật. Mặc dù, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng công tác bảo tồn di sản. Tuy nhiên nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn khu vực công tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Thực trạng này đòi hỏi cần có một quỹ riêng có khả năng huy động những nguồn lực ngoài ngân sách, để nâng cao hiệu quả bảo tồn phát huy giá trị của các di sản. Chính vì vậy, vấn đề quỹ bảo tồn di sản văn hóa đã chính thức được quy định tại Luật di sản văn hóa sửa đổi và được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua.
Luật di sản văn hóa sửa đổi quy định quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, để hỗ trợ cho kinh phí, cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ, bao gồm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một thất truyền, thực hiện các công trình hạng mục bảo quản tu bổ phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng, cho của tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của quỹ này. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trên thực tế trước khi được luật hóa, đã có những quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa được thành lập vận hành. Tuy nhiên, việc chưa có cơ sở pháp lý vững chắc đã phần nào ảnh hưởng tới quy mô, chất lượng của hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tài trợ cho các quỹ. Chính vì vậy, việc Quốc hội đồng ý thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vướng mắc khó khăn hiện nay, nhất là công tác tu bổ, sưu tầm, đưa các hiện vật cổ vật có giá trị đặc biệt về nước sẽ được kịp thời và dễ dàng hơn.
Rõ ràng, việc luật hóa Quỹ bảo tồn di sản sẽ gỡ khó cho công tác này trong thời gian tới, bởi thời gian qua đã có những mô hình thử nghiệm thành công tại các địa phương. Điển hình là tại Huế, việc quốc hội cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế vào 2023 được xem là cách làm có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định cân đối, hài hòa, dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn phát huy giá trị di sản vừa tạo động lực đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương này.
“Việc Quốc hội thông qua các cơ chế chính sách đặc thù này tạo cho chúng ta một cơ sở nền tảng pháp lý hết sức quan trọng. Chắc chắn trong thời gian tới, Quỹ bảo tồn di sản sẽ vận hành một cách tốt nhất, để chúng ta huy động được nguồn lực xã hội mạnh mẽ nhất cho công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản”, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Mô hình và kết quả hoạt động bước đầu của Quỹ bảo tồn di sản Huế càng cho thấy sự cần thiết của việc phải có cơ chế để tích hợp các nguồn tài chính từ cộng đồng. Vấn đề hiện nay là cần phải nghiên cứu về cơ chế vận hành để hoạt động hoạt hiệu quả. Cùng với việc thành lập, đòi hỏi công tác tổ chức quản lý cần được cụ thể hóa bằng những quy định chi tiết nhằm đảm bảo ứng minh và khách quan, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng. Có như vậy, quỹ mới có thể tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách để xã hội hóa tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!