Sôi động Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14

(Theo VnMedia)-Thứ hai, ngày 22/02/2016 16:00 GMT+7

VTV.vn - Với chủ đề chính là “Đất nước - Cánh buồm xuân”, sáng nay (22/2) đã diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ… đại diện Bộ, ban, ngành TƯ; các vị khách quốc tế và đông đảo các nhà văn, nhà thơ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng.

Ngày thơ Việt Nam năm nay lấy chủ đề chính là “Đất nước - Cánh buồm xuân”. Đây là một hình tượng văn học, hướng ra biển đảo quê hương, tượng trưng cho một định hướng lớn của đất nước, định hướng của Đại hội lần thứ 12 của Đảng vừa qua. Ngày Thơ được chia thành 2 sân gồm: Sân thơ chính và Sân thơ trẻ kết hợp thiếu nhi. Bên cạnh đó là 26 câu lạc bộ thơ của các địa phương.

Ngày thơ Việt Nam được mở đầu với màn trống hội ra quân hào hùng. Sau đó là màn múa hát “Vịnh Xuân đất Tổ” do các ca sĩ và nghệ sĩ múa chuyên nghiệp biểu diễn.

Đặc biệt, Ngày thơ năm nay, lần đầu tiên ra mắt Liên khúc thơ “Biển đảo, biên cương” do các nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày cùng một số ca khúc về Trường Sa do các ca sĩ nổi tiếng trình diễn

Tiếp theo là phần đọc thơ của hai nhà thơ nước ngoài đại diện cho Cộng đồng Châu Âu.

Tiếp nối là Liên khúc thơ “Đất nước mùa xuân” với các nữ nhà thơ: Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà; Liên khúc thơ về “Mùa xuân quê hương” với các nhà thơ: Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Trung Lai, Trần Quang Quý, Hải Đường, Nguyễn Hưng Hải, Hoàng Trần Cương…

Cùng ngày, sân thơ trẻ cũng khai mạc sôi động với nhiều màn trình diễn thơ đương đại. Chủ đề chung của sân thơ Trẻ và Thiếu nhi năm nay là “Đường Xuân”, mở đầu với liên khúc thơ thiếu nhi “Reo vang bình minh”.

Sân thơ trẻ thu hút đông khán giả

Nền sân khấu năm nay là bức tranh rực rỡ mang biểu tượng ngũ hành xuân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đặc biệt, phần được chờ đợi của Ngày Thơ hàng năm luôn là sân thơ trẻ với sự mới mẻ qua từng năm.

Theo nhà thơ Hữu Việt, năm nay là sự kết hợp giữa sân thơ Trẻ và sân thơ Thiếu nhi. Có sự “đổi chỗ” so với mọi năm khi sân thơ truyền thống chuyển sang đọc liên khúc còn sân thơ trẻ và thiếu nhi lại toàn đọc thơ lẻ.

Trong 10 gương mặt dự sân thơ trẻ năm nay có đến 8 gương mặt mới. Trong đó, trẻ nhất là nhà thơ Ngô Gia Thiên An mới học lớp 11 với giọng thơ rất độc đáo.

Bên cạnh đó, trong khu Văn Miếu khai mạc không gian triển lãm về các nhà thơ thời kỳ chống Pháp và phố nghệ thuật dành cho các CLB thơ hoạt động. Ngày thơ được bế mạc với chương trình Thả thơ độc đáo của 50 thiếu nữ áo dài đỏ duyên dáng.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cho biết “Ngày thơ Việt Nam là không chỉ tôn vinh các giá trị thơ ca trong quá khứ mà điều rất quan trọng là giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong nhịp sống đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Qua đó, góp phần xây dựng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam của chúng ta”.

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì trong 13 năm qua, Ngày thơ Việt Nam đã thực sự trở một lễ hội văn hóa mới, tao nhã, lịch thiệp với các giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng được nguyện vọng đông đảo công chúng văn học trong cả nước.

Trong Ngày thơ lần thứ 10 và lần thứ 13, Ngày thơ Việt Nam đã kết hợp với tổ chức Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 1 và lần thứ 2 thu hút đông đảo hơn 300 nhà thơ đến từ 60 quốc gia trên thế giới. Các nhà lãnh đạo Festival thơ của các nước đều có một nhận định đánh giá rằng “Ngày thơ Việt Nam là một trong nhưng Ngày thơ đặc sắc nhất của 26 Festival thơ nổi tiếng trên thế giới”.

Năm nay, ngày thơ Việt Nam của chúng ta không tổ chức lồng ghép với Festival Thơ thế giới, nhưng tiếng vang của Ngày thơ Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu sa trong khu vực và thế giới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước