Thay áo mới cho nghệ thuật Hàn lâm

Thu Trang-Thứ tư, ngày 02/04/2014 16:05 GMT+7

Hàng loạt những chương trình nghệ thuật hàn lâm, kinh điển được thể hiện nhẹ nhàng, trẻ trung, nhiều màu sắc hơn trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm thay áo mới cho loại  hình nghệ thuật bác học này.

Trong nghệ thuật trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu. Nghệ thuật hàn lâm vốn là loại hình còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. Chính vì vậy thay vì ngồi chờ, một số nhà hát giao hưởng, thính phòng đã mạnh dạn chủ động đưa âm nhạc hàn lâm xuống đường, ra phố, về nông thôn tìm khán thính giả.

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án âm nhạc cộng đồng lớn mang tên Luala concert. Hơn 6 năm qua chương trình đã giúp khán giả làm quen, tiếp xúc và thưởng thức nhạc cổ điển ngay trên đường phố.

‘ Luala Concert thu hút đông đảo khán giả

Bằng cách riêng của mình Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM (HSBO) cũng có nhiều động thái để kéo khán giả tới nghệ thuật hàn lâm. Chương trình nghệ thuật Giai điệu trẻ - nằm trong dự án đưa nghệ thuật hàn lâm đến với khán giả trẻ tuổi, do HBSO thực hiện vào ngày 29 hàng tháng đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Ba năm qua, chương trình đã tạo một sân chơi nghệ thuật cho các bạn trẻ thành phố.

“Nói nhạc hàn lâm xa lạ với giới trẻ là không phải vì lý do giới trẻ không được học rồi nghe không được, mà vì điều kiện hoạt động âm nhạc của chúng ta còn đang rất khập khiễng. Giới trẻ không có thời gian để làm điều đó. Dòng nhạc này còn xa lạ với công chúng lỗi một phần cũng do giới âm nhạc cổ điển, họ tự bó mình vào một khuôn khổ, không tích cực hoạt động và không thường xuyên giao tiếp với giới trẻ Với chương trình này, chúng tôi sẽ chọn những tác phẩm cổ điển mang tính “nhập môn” để giới thiệu đến các em”. Nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch- GĐ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch cho biết.

‘ Vở Cosi fan Tutte

Các chương trình được dàn dựng với nhiều thử nghiệm độc đáo, mới lạ. Tính hàn lâm nhẹ nhàng pha trộn các chất liệu tươi trẻ, bắt mắt và “dễ hiểu” hơn để có thể thu hút khán giả. Các nhà hát thường dựng lại những tác phẩm tương đối quen thuộc, đặt lời Việt, đổi tiết tấu, hòa âm mới theo phong cách hiện đại.

Tối 18/3 vừa qua đêm nhạc và ballet của Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề Sắc màu tình yêu đã làm nức lòng khán giả. Người xem bị cuốn hút bởi màn trình diễn đẹp mắt, uyển chuyển và vui nhộn của các nghệ sĩ. Những màn diễn của các đôi học sinh ngoan, đôi học sinh tinh nghịch, đôi học sinh giỏi cùng "giấc mơ tiên nữ" hợp với lứa tuổi học trò nghịch ngợm, tươi vui và lãng mạn trong vở Buổi khiêu vũ tốt nghiệp khiến khán giả vô cùng thích thú.

Cô sao, vở Opera đầu tiên của Việt Nam vừa được phục dựng và đưa về công chiếu tại ngay quê hương của vở diễn này đó là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Không chỉ là một tác phẩm đánh dấu mốc cho nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam ở thể loại lớn: opera (nhạc kịch) khi được viết theo chuẩn mực của nhạc kịch quốc tế với giọng hát, hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng và múa ballet; cốt truyện, kịch bản, ca từ, âm nhạc, tổng phổ đều do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác. Opera Cô Sao còn có một vị trí đặc biệt đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, bởi nó gắn liền với lịch sử dân tộc qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Sơn La.

‘ Cô sao, vở Opera đầu tiên của Việt Nam

Vào ngày 25/4 các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ biểu diễn vở opera Cosi fan Tutte bằng tiếng Italy. Phần phụ đề tiếng Việt được chiếu trên màn hình giúp khán giả tiện hơn trong việc theo dõi. Đây là vở opera nổi tiếng được Mozart phối hợp với nhà thơ người Italy Lorenzo da Ponte viết lời. Tuy là vở opera cổ điển, Cosi fan Tutte lại có nội dung đi trước thời đại, hoàn toàn phù hợp với khán giả ngày nay. Câu chuyện nói về tình yêu, mối quan hệ tình cảm và tình dục, sự chung thủy và chân thành trong tình yêu.

Sau hai đêm công diễn đầu tiên tại Nhạc viện TP.HCM vào tháng 12 năm ngoái, nhạc kịch Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà phiên bản Việt sẽ có các suất diễn đều đặn vào 20g thứ sáu hằng tuần, bắt đầu từ ngày 4-4.

Lần ra mắt này, tác giả đã chỉnh sửa rất nhiều lần để trở thành một vở opera có sắc màu đương đại với điểm nhấn là sự phối hợp các phong cách âm nhạc như Jazz, Blue, Vpop để làm nổi bật thông điệp tình yêu vĩnh cửu: “Dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì chỉ có tình yêu là mãi mãi tồn tại”.

‘ Tiếp tục thành công với hai đêm diễn của vở vũ kịch nổi tiếng Cô bé lọ lem năm 2013, sắp tới, vào ngày 9/4 tới, khán giả sẽ lại có cơ hội đến với buổi biểu diễn vở vũ kịch Cô bé lọ lem tại Nhà hát lớn TP HCM. Phiên bản lần này do nữ biên đạo múa người Na Uy - Johanne Jakhelln Constant biên đạo các nghệ sĩ HBSO dàn dựng.

Và mới đây nhất Gameshow Chinh phục đỉnh cao của Đài truyền hình Việt Nam cũng giúp cho khán giả hiểu rõ hơn và có cái nhìn mới mẻ về Opera, một bộ môn nghệ thuật luôn bị “tránh né”.

Cứ đi rồi sẽ tới, hy vọng trong một thời gian không xa, khán giả sẽ mở lòng hơn với loại hình nghệ thuật vốn được cho là khó tiếp nhận này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước