Tượng vàng Oscar ngày càng xa đạo diễn Mỹ?

Tuổi trẻ Online-Thứ năm, ngày 27/02/2014 12:00 GMT+7

Trong 20 năm trở lại đây đã có đến 11 lần tượng vàng Oscar giải Đạo diễn xuất sắc nhất được trao đạo diễn người nước ngoài.

Nếu như đạo diễn người Mexico Alfonso Cuaron chiến thắng giải Oscar với bộ phim Gravity (Không trọng lực) như nhiều người dự đoán thì 4 năm liên tiếp chiến thắng ở hạng mục này thuộc về đạo diễn nước ngoài. Kết quả vẫn tương tự nếu đạo diễn của phim 12 Years a Slave (12 năm nô lệ), ông Steve McQueen (người Anh) được vinh danh Đạo diễn xuất sắc.

Năm 2011, giải Oscar vinh danh đạo diễn người Anh Tom Hooper với bộ phim The King’s Speech (Bài diễn thuyết của nhà vua). Năm 2012 thì tượng vàng thuộc về đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius (phim The Artist - Nghệ sĩ). Đạo diễn Lý An tiếp tục khẳng định tên tuổi với giải Đạo diễn xuất sắc qua bộ phim Life of Pi (Cuộc đời của Pi) năm 2013.

Sự thành công của các đạo diễn nước ngoài không phải là điều ngạc nhiên. “Chúng ta có rất nhiều đạo diễn người Anh giỏi, Alfred Hitchcock chỉ là một trong số đó. Giữa nền điện ảnh Anh và Mỹ luôn có sự giao lưu với nhau. Dĩ nhiên, tình hình sau này phụ thuộc hoàn cảnh thế giới. Rất nhiều nhà làm phim đã đến Mỹ, chính quyền Đức Quốc xã đã buộc nhiều đạo diễn giỏi phải rời bỏ châu Âu” - nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Jonathan Kuntz nói với AFP.

Ông Kuntz cho biết thêm: “Nhiều nhà làm phim cũng rời bỏ khu vực Đông Âu giai đoạn 1960 - 1970, nên những Milos Forman hay Roman Polanski đã đến Hollywood”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng làn sóng nhà làm phim ngoại quốc đổ về Hollywood kể từ khi bước sang thiên niên kỉ mới xuất phát từ sự thay đổi mô hình kinh tế của các hãng phim. “Cách đây 50 năm, doanh thu của ngành điện ảnh đến 70% là từ các phòng vé trong nước. Ngày nay thì tỉ lệ đến 80% là từ các rạp chiếu nước ngoài và chỉ còn 20% nội địa” - AFP dẫn lời giáo sư sử học Steve Ross.

Phó giáo sư ngành nghệ thuật điện ảnh Laura Isabel Serna nói thêm: “Một phần chiến lược tiếp thị toàn cầu của Hollywood là khuyến khích khán giả nhận ra đạo diễn và diễn viên mà họ yêu thích. Điều thú vị là nếu như trong quá khứ Hollywood hướng về châu Âu, thì ngày nay các hãng phim tăng cường mở rộng đến các vùng khác trên thế giới - một minh chứng cho hoạt động sản xuất phim nhộn nhịp tại những nơi như Mỹ Latinh”.

Một ví dụ điển hình là bộ phim Gravity do đạo diễn Cuaron và người con trai Jonas thực hiện đã thu về hơn 700 triệu USD từ các phòng vé toàn cầu. Bộ phim Pacific Rim (Siêu Đại Chiến) của người đồng hương Guillermo Del Toro kiếm được gần 410 triệu USD vào năm 2013.

“Del Toro là một người thú vị - giáo sư Kuntz nói - Ông ấy là người Mexico và trưởng thành ở nền văn hóa đại chúng Mỹ. Ông ấy biết rõ về nền văn hóa này hơn bất kì người Mỹ nào. Thể loại phim mà ông sản xuất như kinh dị, khoa học viễn tưởng… đều là thể loại Hollywood rất thích. Ông ấy tỏ ra phù hợp với guồng máy này”.

Dẫu vậy, ông Ross cho rằng mẫu số chung và rất thực giữa các nhà làm phim trong thời kì vàng của điện ảnh Hollywood thập niên 1970 và thế kỉ 21 là thành công thương mại của bộ phim. “Cuối cùng thì Hollywood vẫn xem trọng vấn đề doanh thu. Mục tiêu tối thượng của các hãng phim là tìm kiếm những người có thể giúp họ mở rộng thị trường và tăng lợi nhuận. Tin tôi đi, vì nếu các đạo diễn nước ngoài mà không làm ra tiền thì hào quang sẽ lại thuộc về những đạo diễn Mỹ thôi”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước