Việt Nam đang nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô

Minh Hằng - Sơn Tùng (VTV4)-Thứ tư, ngày 12/11/2014 12:17 GMT+7

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, đợt chào bán trái phiếu 1 tỉ USD của Việt Nam là một thành công, khẳng định lại nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Mới đây, Bộ Tài chính Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Theo thông tin từ đợt chào bán, nhu cầu trái phiếu của các nhà đầu tư lần này gấp 10 lần so với lượng chào báo ra. Các chuyên gia nước ngoài nhận định, đợt chào bán vừa rồi là một thành công, khẳng định lại nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính về đợt chào bán trái phiếu tuần qua, có khoảng 437 nhà đầu tư quốc tế đăng ký mua 10,6 tỷ USD trái phiếu, cao hơn gấp 10 lần so với lượng chào bán. Trong đó, 17% nhà đầu tư ở châu Á, 28% ở châu Âu và 55% ở châu Mỹ. Xét theo loại hình đầu tư, 84% các nhà đầu tư là công ty quản lý quỹ, 12% là các ngân hàng và 4% là các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Đây là kết quả khá khả quan, theo đánh giá của Standard Chartered, một trong những ngân hàng tư vấn bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán vừa qua.

Ông Rock Eunsuk Chun - Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc nguồn vốn và ngoại hối, Standard Chartered Bank, Việt Nam đánh giá: “Sự thành công của đợt chào bán trái phiếu vừa rồi đã chứng minh về một cái nhìn tổng quát của nhà đầu tư nước ngoài về vai trò của Chính phủ trong việc duy trì ổn định kinh tế cũng như tăng tín nhiệm của Việt Nam”.

Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cho rằng: “Nhìn từ khía cạnh quốc tế, các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi và đi tìm những lợi suất hấp dẫn, do đó việc họ tìm tới trái phiếu Việt Nam không có gì ngạc nhiên. Bên cạnh đó, cần phải thừa nhận rằng, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định trong 2, 3 năm trở lại đây, chính vì thế mà chúng ta thấy lãi suất của đợt phát hành lần này thấp như vậy”.

Trong khi đó, việc Fitch nâng mức xếp hạng của Việt Nam từ B+ lên BB- cũng là một phần yếu tố cho sự thành công của đợt phát hành. Mức lãi suất phát hành lần này đạt 4,8%/năm, thấp hơn so với dự kiến chào bán 5,125%. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây, làm thế nào để sử dụng tốt nhất nguồn vốn huy động này.

Ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trú, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam nói: “Lượng vốn huy động cần phải được sử dụng tối ưu để người đi vay có khả năng chi trả cho các khoản vay. Đây cũng là bài học nhắc nhở các công ty nhà nước cần phải hoạt động hiệu quả hơn nếu họ muốn nhận được khoản vốn này. Ngoài ra, việc đảo nợ bằng bán trái phiếu này là hợp lý nếu phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước