Góc nhìn: Bóng đá châu Phi: Nét đẹp từ bản chất thô kệch

-Thứ tư, ngày 02/07/2014 07:57 GMT+7

Bóng đá châu Phi từ trước đến giờ vẫn luôn được biết đến với những nét đặc trưng từ yếu tố thể lực, sức mạnh và gần đây còn là… sự tham lam khi rất nhiều những gương mặt đình đám như Ghana, Cameroon dính vào nghi án bán độ và chuyện ăn chia đáng xấu hổ. Nhưng với nhiều khán giả rộng lượng và ít quan tâm tới yếu tố bên lề thì chắc hẳn họ cũng chịu ấn tượng không nhỏ từ cách thi đấu của các đại diện lục địa đen tại World Cup lần này.

Thể lực

 

Bất cứ một đội bóng châu Phi nào cũng “phải” được gắn với những phẩm chất liên quan đến thể lực. Dù anh ta có to cao hay không, có “đen” hay không, chỉ cần anh ta là người châu Phi, anh ta “phải” khỏe. Tất nhiên điều đó sẽ không chính xác đến 100% nhưng phần nhiều trong số đó sẽ đúng. Nhưng thể lực thì giúp gì cho các đội tuyển này tạo ấn tượng với khán giả, đương nhiên là có rồi. Cứ đơn giản thế này nhé, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy những Asamoah, Drogba, hay Toure đi bộ ngay cả khi đã là những phút cuối. Họ quá khỏe, quá bền, khiến cho những cuộc đối đầu giữa họ với nhau hay những đội bóng khác hoàn toàn không bị “đứng hình”. Mà đã di chuyển, đã có bóng thì họ rất ít chuyền qua lại, họ sẽ lao lên tấn công và cố gắng ghi bàn vào lưới đối phương. Xem bóng đá như thế thì chán sao được và cũng chẳng thể nào buồn ngủ được.

Vô kỉ luật

 

Vâng, các đội bóng châu Phi thì quá nổi tiếng với chuyện vô kỉ luật rồi. Chuyện lùm xùm trong phòng thay đồ thì không nói còn ở trên sân, họ cũng tỏ ra… ngẫu hứng không kém. Bình thường bạn có thể rất tức tối khi chứng kiến Muntari của Ghana chẳng thèm ban chuyền mà sút bóng từ khoảng cách chừng…35-40m như trong trận gặp Đức hay cái cách mà Yaya Toure sẵn sàng rê bóng mặc dù trước mặt anh có tới vài ba cầu thủ đối phương. Thất bại thì bực mình thật nhưng chỉ cần Muntari sút trúng khung thành thôi, ít nhiều những NHM cũng phải trầm trồ đến sởn gai gốc vì tốc độ của nó. Lại còn những lúc, việc chứng kiến một bàn thắng từ cú sút xa như thế chưa chắc đã “sướng” bằng cảm giác được nghe tiếng bóng chạm cột dọc hay xà ngang đến “chát” một cái. Đơn giản, đó là cảm xúc, là sự trầm trồ trước sức mạnh đến kinh ngạc của những ngôi sao da đen.

Tinh thần thi đấu

 

Có một công thức khá thú vị thế này, nếu bạn muốn xem một trận đấu hay, hấp dẫn và có thể giàu bàn thắng tại World Cup lần này, bạn phải lần theo công thức: một đội bóng lớn + một đội châu Phi. Ví dụ thì có nhiều nhưng tiêu biểu nhất là Ghana 2-2 Đức, Argentina 3-2 Nigeria, Brazil 4-1 Cameroon hay cả hai trận đấu của Algeria và Nigeria tại vòng 1/8. Những đội châu Phi bao giờ cũng là cửa dưới nhưng bạn sẽ thấy họ luôn sẵn sàng đá đôi công, nhất là lúc bị… khiêu khích. Algeria hay Nigeria có thể là những hình mẫu giàu sự tính toán hơn song nhiều lúc, điều này sẽ chỉ được duy trì trong một thời điểm ngắn còn một khi đã bị dẫn trước thì sự máu lửa là điều khó tránh khỏi. Xem cái cách mà Ghana thi đấu trước Đức, Nigeria trước Argentina hay mới nhất là Algeria trước Đức tại vòng 1/8 là thấy ấn tượng rồi. Algeria đã thua chắc với hai bàn cách biệt, trận đấu chỉ còn 1-2 phút nhưng họ vẫn dồn lên tấn công tìm bàn danh dự và phần thưởng xứng đáng đã đến vào đúng phút cuối cùng.

Ăn mừng bàn thắng

 

Đây có lẽ là yếu tố tạo nên sức ấn tượng sâu đậm nhất về các đội tuyển châu Phi. Giống như sự hoang dã và “dẻo” của những điệu nhảy Nam Mĩ, cách ăn mừng của các đội tuyển châu Phi đôi lúc còn tạo nên cảm xúc và sự hài hước hơn khi nó huy động rất nhiều thành viên, nhảy rất khiêu khích và đặc biệt là… rất lâu. Năm 2010 chúng ta nhớ nhất có lẽ là bàn ăn mừng của chủ nhà Nam Phi trong trận khai màn còn ở World Cup này, đó có lẽ sẽ là Asamoah Gyan với bàn thắng nâng tỉ số lên thành 2-1 trong trận gặp Đức.

Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)


Cùng chuyên mục

TIN MỚI