THEO DÒNG LỊCH SỬ: FIFA WORLD CUP 1966 – ANH

-Thứ hai, ngày 02/06/2014 10:11 GMT+7

Than ngắn thở dài bao nhiêu về kì World Cup diễn ra trên đất Chile bốn năm trước, thì những NHM lại có dịp thỏa mãn bấy nhiêu bằng kì đại hội bóng đá năm 1966 lần này trên đất Anh. Mặc dù số bàn thắng mà 16 đội tuyển ghi được giải này bằng đúng những diễn biến tẻ nhạt của bốn năm về trước nhưng cái cách mà kì World Cup thứ tám trôi qua lại thực sự in đậm trong tâm trí khán giả.

TỔNG QUAN

Nước chủ nhà: An

Thời gian: từ ngày 11/7 đến ngày 30/7 năm 1966

Thể thức: đấu bảng và loại trực tiếp

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

World Cup 1966 trên quốc đảo phía Tây Âu tiếp tục chứng kiến một cột mốc mới về số lượng các đội tuyển khi đã có tổng cộng 71 quốc gia đăng kí tham dự giải.

Điểm đáng chú ý trong giai đoạn vòng loại này là việc châu Phi vẫn chưa thể có một đại diện chính thức tham dự nào kể từ trường hợp của Ai Cập vào năm 1934. Nhưng điều đáng tiếc lại không xuất phát từ trình độ chuyên môn của các đội bóng Lục địa đen mà nó lại đến từ sự bất tuân mà 16 đội tuyển châu lục này dành cho cơ quan quyền lực nhất bóng đá thế giới. Theo đó, các đội bóng châu Phi muốn giành một vé chính thức, chứ không muốn đá playoff với châu Á và châu Đại Dương. FIFA không chấp nhận đề nghị này và cả 16 đội của Lục địa đen đều bị loại.

Bắc Triều Tiên trở thành đại diện châu Á gần nhất có vinh dự thi đấu tại một VCK World Cup.

Danh sách 16 đội tuyển tham dự: Anh – Pháp – Uruguay – Mexico – Tây Đức – Argentina – Tây Ban Nha – Thụy Sĩ – Brazil – Bồ Đào Nha – Hungary – Bungary – Liên Xô – Italia – Chile – Bắc Triều Tiên.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Anh

Á quân: Tây Đức

Hạng ba: Bồ Đào Nha

Hạng tư: Liên Xô

Vua phá lưới: Eusebio (Bồ Đào Nha, 9 bàn)

Tổng số trận đấu: 32

Tổng số bàn thắng: 89 (trung bình 2.78 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 1,614,677 người (trung bình 50,458 người/trận)

ĐT ANH VÀ CHỨC VÔ ĐỊCH GÂY TRANH CÃI

 

Ngày 27/6 năm 2010 trong khuôn khổ vòng 1/16 World Cup trên đất Nam Phi, ĐT Anh có trận đấu loại được dự báo đầy khó khăn trước một tuyển Đức trẻ trung và cực kì quyến rũ. Đúng như dự đoán, Những cỗ xe tăng với dàn cầu thủ tấn công hảo hạng đã vươn lên dẫn trước 2 bàn chỉ sau 32 phút thi đấu. Nhưng nếu cho rằng chiến thắng 4-1 chung cuộc dành cho Đức là không có gì bàn cãi thì đó quả là một sai lầm lớn. Phút thứ 38, tức là chưa đầy 60 giây sau khi Matthew Upson rút ngắn tỉ số xuống còn 1-2, tiền vệ Frank Lampard có cú sút ngoài vòng cấm đầy tốc độ. Trong nháy mắt, bóng chạm xà trên trước khi lăn qua vạch vôi và nằm gọn trong tay… Neuer. Tranh cãi nảy lửa đã diễn ra sau đó khi Lampard cho rằng bóng đá qua vạch vôi (pha quay chậm cho thấy Lampard đã đúng) nhưng trọng tài chính Larrionda đã nói không.

Trở lại với “thực tại” là World Cup 1966 mà chúng ta đang theo dõi, có vẻ như ĐT Anh đã mang sẵn trong mình cái “dớp” ghi bàn gây tranh cãi, mà bằng chứng chính là trận chung kết World Cup lần này. Tây Đức, vâng vẫn là tuyển Đức, là đối thủ của bầy Tam sư nhưng nạn nhân lần này đã không gọi tên đội bóng Anh quốc khi họ được công nhận bàn thắng trong bối cảnh hiệp phụ thứ nhất chỉ còn lại gần 5 phút. Pha sút bóng của Geoff Hurst chưa đi qua vạch vôi (40 năm sau mới xác định được) nhưng đã được trọng tài nổi tiếng Tofig Bahramov công nhận. Tuyển Anh vươn lên dẫn 3-2 và sau đó kết thúc trận đấu với tỉ số 4-2. Khác với trọng tài Larrionda năm 2010, vị vua áo đen năm 66 tỏ ra “nổi tiếng” hơn hẳn không chỉ vì quyết định gây tranh cãi kể trên mà còn vì câu phát biểu: “Họ là người Đức và từ thế chiến thứ hai, tôi đã phải chờ đợi quá lâu để có được một cơ hội thế này”. (Câu nói ám chỉ sự thù địch với Tây Đức).

DẤU ẤN CHIẾN THUẬT

Người ta vẫn cứ nói bóng đá Anh là “kick and rush” (tức là chuyền và chạy), ý nói bóng đá nước này đề cao yếu tố nhanh nhẹn, tốc độ và thể lực. Dù bóng đá xứ sương mù đã thay đổi ít nhiều trong những năm trở lại đây song người ta vẫn không thể nào quên đi cái mác chuyền, chạy mà đỉnh cao của nó chính là chức VĐ World Cup 1966.

Lối đá bóng truyền thống mang thương hiệu Anh quốc kể trên thực chất xuất phát từ sơ đồ 4-4-2 kinh điển được HLV đội Anh Alf Ramsey phát minh vào đúng giai đoạn khi World Cup đang diễn ra và được áp dụng cho Tam sư bắt đầu từ vòng tứ kết. Điều đáng nói là nó đã phát huy hiệu quả kinh ngạc khi Anh lần lượt vượt qua hai đội bóng rất mạnh khi đó là Argentina và Bồ Đào Nha của Eusebio để tiến vào chung kết. Sở dĩ HLV Ramsey “phải” phát minh ra sơ đồ chiến thuật mới là bởi 4-3-3 đang thịnh hành khi đó chẳng thể nào phát huy tác dụng ở tuyển Anh vốn thiếu thốn nghiêm trọng những tiền đạo chạy cánh chất lượng. Không có được sự lựa chọn như ý ở vị trí tiền đạo cánh nhưng Ramsey lại sở hữu những cầu thủ tiền vệ cánh biết công thủ toàn diện. Hơn thế nữa, cặp tiền vệ trung tâm của Anh với tâm điểm là Bobby Charlton đã có một giải đấu hết sức thành công trên cả phương diện cá nhân và tập thể khi vừa thủ tốt và biết ghi những bàn thắng quyết định (Charlton ghi bàn giúp Anh vào tứ kết trước khi lập cú đúp trước BĐN ở bán kết).

 

Sơ đồ chiến thuật kinh điển 4-4-2 tiếp tục thịnh hành trong rất nhiều năm sau đó khi mà các đội bóng của giải VĐQG Anh và ngoại hạng sau này đều “mặc định” lựa chọn nó như cách các đội bóng Hà Lan tuân theo yêu cầu chiến thuật tấn công tổng lực 4-3-3. Không chỉ thống trị trong biên giới xứ sương mù, sơ đồ chiến thuật hai tiền đạo dễ sử dụng này còn là kim chỉ nam trong thành công của không ít đội bóng trên khắp thế giới như Milan trong thập niên 80 hay… Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2008.

Bên cạnh sơ đồ chiến thuật mới, bóng đá World Cup mùa hè năm 66 còn được chiêm ngưỡng một phát kiến mang tính lịch sử khác, đó chính là vị trí libero của “Hoàng đế” Franz Beckenbauer. Không hề dễ dàng khi đưa ra định nghĩa cụ thể về vị trí đa dạng này song có thể hiểu một cách “sơ sơ” rằng libero là một cầu thủ có thể tấn công ghi bàn khi đội nhà có bóng và trở thành một cầu thủ phòng ngự thực thụ khi đội bóng bị áp lực. Đơn giản hơn một chút, hãy hiểu nó giống một phần nào với mẫu tiền vệ con thoi kiểu Yaya Toure trong bóng đá hiện đại. Tất nhiên Toure chẳng thể nào giống như Beckenbauer nhưng một cách nào đấy, cầu thủ người Bờ Biển Ngà chẳng phải là hình mẫu nổi trội nhất trong thế giới túc cầu hiện tại hay sao!

BẤT NGỜ

Có hai bất ngờ xứng đáng được liệt kê nơi danh sách này và thứ nhất đó chắc chắn là Brazil. Nhà ĐKVĐ mang đến châu Âu đội hình cực mạnh gồm những siêu sao như Pele, Garrincha hay Jairzinho song những gì đội bóng siêu sao này làm được chỉ có thể gói gọn trong hai từ thất vọng. Ra quân đầy nhẹ nhàng bằng chiến thắng 2-0 cùng màn tỏa sáng của bộ đôi Pele-Garrincha nhưng Brazil sau đó đã thể hiện một bộ mặt vô cùng bạc nhược, thất bại chóng vánh với cùng tỉ số 1-3 trước Bồ Đào Nha, Hungary và phải xách va li về nước ngay sau vòng đấu bảng.

 

Khác với bất ngờ gây thất vọng của các nhà ĐKVĐ, đại diện duy nhất của châu Á là CHDCND Triều Tiên đã có một kì World Cup hết sức thành công khi vượt qua vòng đấu bảng nơi có sự góp mặt của hai “ông lớn” Italia và Liên Xô. Sau khi để thua Liên Xô và chỉ hòa được Chile, đội bóng đến từ Đông Á đã gây bất ngờ lớn khi đánh bại Italia với tỉ số tối thiểu trong trận quyết định và giành tấm vé còn lại của bảng 4 vào vòng tứ kết. Đáng ra, Triều Tiên đã có thể tiến xa hơn chút ít nhưng sự yếu kém trong khâu bản lĩnh đã khiến đại diện châu Á bị loại dù dẫn trước Bồ Đào Nha tới 3-0 trong trận tứ kết.

HI HỮU

 

Trước khi kì World Cup thứ tám diễn ra, cả nước Anh được một phen rúng động khi biết chiếc cúp VĐ với cái tên của người sáng lập Jules Rimet bị đánh cắp một cách bí mật. Hàng trăm cảnh sát cùng những điệp viên nổi tiếng nhất nhập cuộc nhưng cuối cùng, chiếc cúp vàng FIFA lại vô tình được tìm thấy bởi một chú chó có tên Pickles. Số là trong một chuyến đi dạo cùng chủ nhân tại phía Nam London, chú chó với hai màu lông đen trắng đã vô tình phát hiện ra chiếc cúp được giấu “kĩ” trong một chiếc thùng rác, bên ngoài cúp được bọc vài lớp giấy báo. Nếu như không có “thám tử” Pickles thì chẳng biết chiếc cúp hiện tại đang nằm ở đâu hay nó đã được… nấu thàng vàng khối mất rồi!



Cùng chuyên mục

TIN MỚI