THEO DÒNG LỊCH SỬ: FIFA WORLD CUP 1982 – TÂY BAN NHA

-Thứ sáu, ngày 06/06/2014 00:17 GMT+7

Vẫn còn đang lâng lâng tiếc nuối về một kì World Cup thiếu sự công bằng và fair-play trên đất Argentina bốn năm về trước, những NHM túc cầu khắp thế giới tưởng chừng sẽ phải chứng kiến điều tồi tệ tương tự khi những gian lận trong thể thức bốc thăm vòng bảng World Cup 1982 lần này bị phanh phui. Theo đó, FIFA sẵn sàng “nhét” đội bóng khá mạnh khi đó là Scotland vào bảng tử thần, nơi đã có sẵn sự góp mặt của hai ông lớn Brazil và Liên Xô. Không tôn trọng quy luật ngẫu nhiên và tính may rủi trong quá trình bốc thăm chia bảng nhưng một điều vô cùng may mắn là các quan chức FIFA đã biết… ngừng quan tâm tới kết quả thi đấu và những NHM hoàn toàn có thể hài lòng về một kì World Cup hấp dẫn và ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị.

TỔNG QUAN

Nước chủ nhà: Tây Ban Nha

Thời gian: từ 13/6 đến 11/7 năm 1982

Thể thức: vòng bảng, bảng tuyển chọn và knock out

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

World Cup Espana 1982 chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thể thức thi đấu khi số lượng các đội tuyển dự VCK đã không còn là 16. Theo đó, 24 đội bóng sẽ được chia thành 6 bảng thi đấu vòng tròn, hai đội đầu bảng vào vòng kế tiếp và lại được chia thành 4 bảng, mỗi bảng ba đội. Bốn bảng đấu này sẽ tiếp tục thi đấu vòng tròn với nhau để tìm ra bốn cái tên xuất sắc nhất lọt vào vòng bán kết. Giai đoạn thứ ba quyết định sẽ bao gồm hai trận bán kết, một trận tranh HCĐ và trận chung kết.

Danh sách 16 đội tuyển tham dự: Tây Ban Nha – Ba Lan – Italia – Cameroon – Peru – Tây Đức – Áo – Algeria – Chile – Bỉ – Argentina – Hungary – El Salvador – Anh – Pháp – Tiệp Khắc – Kuwait – Bắc Ailen – Nam Tư – Honduras – Brazil – Liên Xô – Scotland – New Zealand.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Italia

Á quân: Tây Đức

Hạng ba: Ba Lan

Hạng tư: Pháp

Vua phá lưới: Paolo Rossi (Italia – 6 bàn)

Tổng số trận đấu: 52

Tổng số bàn thắng: 146 (trung bình 2.81 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 2.109.723 (trung bình 50.571 người/trận)

WORLD CUP CỦA ITALIA VÀ PAOLO ROSSI

 

Italia là nhà VĐ của kì World Cup thứ 12 trong lịch sử, chân sút số một của họ Paolo Rossi cũng ẵm luôn danh hiệu Vua phá lưới. Nhắc đến Italia năm 82 là nhắc đến Rossi và ngược lại. Họ tương đồng trong nhiều khía cạnh nhưng điều quan trọng hơn cả: Italia không có Rossi cũng đồng nghĩa với Italia không VĐ.

Italia đến với Espana 1982 với không nhiều kì vọng cho lần lên ngôi thứ ba trong lịch sử. Họ không sở hữu những cái tên nổi bật, đã lâu không giành được danh hiệu và thậm chí mới trải qua scandal dàn xếp tỉ số Totonero rúng động khắp châu Âu. Chân sút được HLV của họ, ông Enzo Bearzot tuyển chọn là Paolo Rossi cũng đồng cảnh ngộ. Anh này vốn chẳng phải một tiền đạo danh tiếng, kĩ năng hạn chế và cũng mới… ra tù vài tháng vì scandal kể trên. Người Italia tỏ ra bất bình vì quyết định triệu tập Rossi, họ càng có lí khi Italia thi đấu vật vờ tại vòng bảng, hòa cả ba trận còn Rossi chẳng để lại bất cứ dấu ấn nào. May mắn lọt vào vòng bảng tuyển chọn nhờ hơn Cameroon đúng một bàn thắng, những tưởng cuộc hành trình của Ý tại Espana lần này sẽ kết thúc chóng vánh khi đối thủ sắp tới của thầy trò Enzo Bearzot là hai gương mặt sừng sỏ Nam Mĩ: Brazil và Argentina. Nhưng với tinh thần chiến đấu quật cường, Italia và Rossi đã chứng minh cho tất cả thấy vì sao họ luôn được xem là một ứng cử viên tiềm tàng trước mỗi giải đấu lớn. Sau khi đánh bại Argentina 2-1, Italia tiếp tục có được một chiến thắng sát nút 3-2 nữa trước Brazil, nhưng điều mà người ta chú ý hơn cả chính là cú hattrick mà Rossi đã ghi được.

Ba bàn thắng “khởi động” World Cup trước Brazil như là một liều doping hạng nặng, giúp Rossi bộc phát hết tất cả những gì là tinh túy nhất của mình. Điều này càng được chứng tỏ khi ông là chủ nhân của cả hai pha lập công, giúp Italia đánh bại “Đại bàng trắng” Ba Lan trong trận bán kết. Trong trận đấu quan trọng nhất giải, Paolo Rossi tiếp tục là điểm sáng lớn trên hàng công Azzuri khi thi đấu tích cực và là một họng pháo cực kì nguy hiểm mỗi lần được các đồng đội trao gửi niềm tin. Dù không còn thói quen… ghi trọn những bàn thắng đội nhà song pha làm bàn mở tỉ số cũng là quá đủ để giúp Rossi trở thành người hùng trong chiến thắng của Italia trước “tinh thần Đức”. Pha lập công thứ 6 đó cũng chính thức giúp Rossi đăng quang ngôi Vua phá lưới Espana 1982 dù ông chỉ có thể ghi bàn trong đúng ba trận đấu cuối.

Kết thúc giải đấu, Rossi ẵm luôn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải và tiếp tục là người về nhất trong cuộc đua Quả bóng vàng châu Âu được trao vào dịp cuối năm.

BRAZIL KÉM DUYÊN

 

Đến với Espana 1982, Brazil tiếp tục trình làng một thế hệ cầu thủ tấn công tài năng gồm những Zico, Socrates, Falcao hay Eder. Họ được kì vọng rất nhiều, và thực tế sự kì vọng ấy đúng là có cơ sở nhất là khi người ta được chứng kiến phong độ đỉnh cao của thầy trò Tele Santana tại vòng bảng thứ nhất. Là một trong hai đội giành trọn vẹn sáu điểm tại vòng bảng nhưng những gì mà Brazil làm được tại bảng tử thần tỏ ra ấn tượng hơn hẳn những người đồng nghiệp bên phía tuyển Anh. Họ lần lượt hạ Liên Xô 2-1, thắng đậm Scotland 4-1 và cuối cùng là chiến thắng dễ dàng 4-0 trước tân binh New Zealand.

Vòng đấu bảng thứ hai của Brazil đã có thể diễn ra “mượt mà” hơn sau chiến thắng trước người láng giềng Argentina, nếu họ không đụng phải một Italia và một Paolo Rossi quá xuất thần. Socrates và Falcao ghi hai bàn cho Selecao nhưng một mình Rossi với cú hattrick thần kì đã nhấn chìm Brazil và khiến đội bóng áo vàng xanh phải trở về trong tiếc nuối tột cùng.

Tuyển Pháp cũng là một cái tên để lại sự tiếc nuối nhất định khi chỉ thua nhà Á quân Tây Đức trong trận đấu bán kết vốn được xem như là biểu tượng của sự hấp dẫn World Cup. Pháp vượt lên dẫn trước tới 3-1 trong hiệp phụ nhưng một lần nữa “tinh thần người Đức” lại được thể hiện với hai bàn gỡ hòa trước khi đội bóng này có được chiến thắng chung cuộc trên chấm 11m.

NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÁC

 

Dấu ấn tân binh: World Cup 1982 tiếp tục chào đón thêm nhiều những đội tuyển mới chỉ lần đầu tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Algeria là cái tên để lại ấn tượng sâu đậm nhất khi hạ Tây Đức ngay trận đầu tiên vòng bảng nhưng chung cuộc, cả Algeria, New Zealand lẫn Honduras đều chịu chung kết cục tất yếu là rời giải ngay sau vòng bảng thứ nhất.

 

Diego Maradona: Espana năm 1982 bắt đầu chứng kiến những bước chạy World Cup đầu tiên của huyền thoại người Argentina Diego Maradona, nhưng nói một cách chính xác, đây mới chỉ được xem là bàn đạp giúp vũ công xứ tango làm quen mới môi trường khắc nghiệt của World Cup. Ở trận gặp Brazil tại vòng 2, Maradona đã phải ngậm ngùi lĩnh thẻ đỏ rời sân sau khi có tình huống chơi xấu nhằm vào tiền vệ Batista.

Cầu thủ trẻ tuổi nhất: Giuseppe Bergomi trở thành cầu thủ trẻ nhất của Ý từng thi đấu tại một kì World Cup nhưng Norman Whiteside của Bắc Ailen còn vượt qua kỉ lục của Pele khi được xem là gương mặt “non” nhất từng tham dự một kì World Cup. Năm đó, đội bóng của Whiteside là Bắc Ailen đã chơi tốt, xếp trên cả TBN ở vòng bảng và chấp nhận dừng bước tại vòng bảng tuyển chọn.



Cùng chuyên mục

TIN MỚI