Cảnh báo gia tăng trẻ nhỏ mắc viêm não

Minh Đức-Thứ hai, ngày 09/05/2022 14:39 GMT+7

VTV.vn - Tháng 5 đến tháng 8 hằng năm thường được xem là mùa viêm não Nhật Bản, phụ huynh cần lưu ý các triệu chứng của bệnh và tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 42 trường hợp mắc viêm não virus. Tháng 5 đến tháng 8 hằng năm thường được xem là mùa viêm não Nhật Bản nên dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng, số lượng bệnh nhân nhập viện có thể tăng thêm.

TS Bùi Hữu Nam, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết hiện đơn vị này đang có 28 bệnh nhân nội trú, 2/3 số này mắc viêm não, viêm màng não.

Viêm não Nhật Bản là bệnh có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (25 - 35%). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 2 đến 8 tuổi.

Bác sĩ cho biết, hầu hết trẻ được đưa đến viện trong tình trạng bệnh nặng hoặc rất nặng. Nguyên nhân là triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác, nên cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt… Vì thế, nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong.

Ngoài virus viêm não Nhật Bản, gần đây Khoa Điều trị tích cực cũng ghi nhận một số trẻ mắc viêm não do HSV, HHV-6 (human Herpes type 6) hoặc do COVID-19.

Bác sĩ Nam cho biết, trong số bệnh nhi đang điều trị, có rất nhiều trường hợp trở nặng do cha mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của viêm não nên tự ý mua thuốc điều trị, chậm trễ trong việc đưa con đi viện khám. Ngoài ra, nhiều trẻ cũng chưa được tiêm phòng vaccine theo đúng lịch, không tiêm phòng đủ mũi nhắc lại.

Viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây tay chân miệng). Bệnh xuất hiện quanh năm và mùa dịch vào các tháng hè, đỉnh điểm là tháng 6 - 8. Trẻ thường sốt cao, đau đầu, nôn, ngủ li bì, mệt lả…

Bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn, có các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê… thì cần đưa đến viện khám ngay.

Việc điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng để lại cho não bộ là vĩnh viễn, suốt đời.

Bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Trẻ dưới 15 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Nếu phát hiện sớm chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Ngược lại, bệnh sẽ dẫn đến nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém…

Ngoài việc tiêm đủ vaccine cho trẻ, bác sĩ cũng khuyên các gia đình chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước