Điều bất ngờ đầu tiên đối với tôi chính là vị trí của thư viện - 1 căn gác tầng 2 có vẻ xinh xắn, hiện đại nằm trên tầng 1 hơi xập xệ. Hoá ra đây là nhà của bà nội và cô chú của Khải. Bà nội vì thương và ủng hộ cháu nên đã cho Khải sử dụng tầng 2 để xây thư viện. Thế là 1 thiên đường tri thức của lũ trẻ trong làng được cải tạo từ đây.
Mỗi khi có hội sách, Khải lại tranh thủ lặn lội từ Hưng Yên lên Thủ đô để mua sách giảm giá. Con đường dài 40 cây số bỗng trở nên “nhẹ tênh” với chàng trai trẻ. Những quyển sách được Khải lựa chọn chủ yếu là sách phục vụ học sinh, sách dạy kỹ năng sống, truyền cảm hứng. Cứ đưa sách lên rồi lại hạ sách xuống, mỗi sự cân nhắc về những cuốn sách, Khải đều gửi gắm hi vọng về tương lai của những đứa trẻ trong làng.
“Một trong những giấc mơ lớn nhất trong tuổi trẻ của mình là xây dựng được 1 thư viện bổ ích, là môi trường tốt để cho học sinh đến đây học tập. Với một số tiền không nhiều, nếu mình cho người khác thì người ta cũng đi chơi hết, còn nếu sách thì người ta có thể ứng dụng vào cả đời của họ”
Đau đáu với hoài bão xây thư viện cho các học trò trong làng, thế nhưng trước đây khi đi học, Khải lại rất lười và học kém. Khải trêu “Người ta bảo thiếu gì thì ăn nấy, ngày xưa mình thiếu kiến thức nên bây giờ mình thèm kiến thức”. Thế rồi từ khi được một người bạn truyền cảm hứng, Khải đã quyết tâm hiện thực hoá giấc mơ này.
Gia đình chẳng khá giả gì, bố mẹ không đồng ý, Khải đã từng bị mất ngủ vài tháng, đêm nào cũng nghĩ mọi phương cách để xây thư viện, Khải tự nhủ, phải làm luôn, làm cho xong, chứ đợi 1, 2 năm nữa chắc không làm được. Thế là cứ làm, cứ liều. Nói chuyện với Khải, tôi thấy cậu ấy hừng hực khí thế của tuổi trẻ. Dù học thức không cao, nhưng cậu lại có những lý tưởng sống đáng khâm phục.