Hoàn lưu bão số 3: Các tỉnh phía Bắc chịu nhiều thiệt hại, vẫn còn hàng trăm hộ dân bị cô lập

PV (t/h)-Thứ bảy, ngày 27/08/2022 07:29 GMT+7

VTV.vn - Do hoàn lưu bão số 3, nhiều địa phương phía Bắc đã ghi nhận những thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc...

Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt là huyện Tiên Yên. Đến chiều 26/8, vẫn còn hàng trăm hộ dân ở đây bị cô lập. Lực lượng chức năng đã hỗ trợ di dời toàn bộ 600 hộ bị ngập đến nơi khô ráo, an toàn. Huyện đang khắc phục 2 điểm sạt lở và nối lại giao thông một số tuyến đường bị chia cắt. Toàn huyện có trên 400ha lúa, cây lâm nghiệp và một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập úng.

Bão số 3 cũng đã gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to tại tỉnh Phú Thọ. Lượng mưa có điểm lên tới hơn 150 mm. Tại một số huyện vùng núi như Tân Sơn, Thanh Sơn, nước từ thượng nguồn đổ về gây lũ ống, lũ quét, các tràn nước chảy siết, có nơi ngập trên 1m. Sạt trượt bờ ngòi, sạt lở đất và đường bê tông dân sinh tại một số địa phương; nhiều vị trí mặt đường hư hỏng.

Hoàn lưu bão số 3: Các tỉnh phía Bắc chịu nhiều thiệt hại, vẫn còn hàng trăm hộ dân bị cô lập - Ảnh 1.

Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường tại tỉnh Sơn La bị chia cắt. Ảnh: TTXVN

Còn tại Sơn La, mưa do hoàn lưu bão kết hợp với lũ từ đầu nguồn dồn về đã cuốn toàn bộ cống thoát nước bản Hốc, xã Nặm Păm. Tuyến đường Nặm Păm đi Ngọc Chiến, huyện Mường La bị chia cắt hai đầu. Chính quyền địa phương đã cử người ứng trực tại khu vực này đồng thời cắm biển, căng dây cấm người dân đi qua khu vực này. Tuy mưa đã ngớt nhưng lượng nước trên các sông, suối nhỏ đang đổ về, chảy xiết, nguy cơ sạt lở là rất lớn.

Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới và khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão số 3 gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động ứng phó bão và gió mạnh, trong đó tập trung triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.

Các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Các địa phương sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước