Những "bông hồng thép" dốc sức, dốc lòng cùng tuyến đầu chống dịch

Quốc Thái, Phạm Bằng-Thứ tư, ngày 20/10/2021 13:02 GMT+7

VTV.vn - Họ tạm xa chồng con, xa bếp nhà để đến những bếp ăn bệnh viện hay đối mặt ranh giới sinh tử, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, tuổi tác, rào cản về sức khỏe...

Những "bóng hồng" nơi tuyến đầu chống dịch

Kể từ khi đợt thứ 4 của đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có hàng chục nghìn cán bộ, y, bác sĩ, học viên, nhân viên y tế xung phong vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Rất nhiều người trong số đó là phụ nữ. Họ đã gác lại những tình cảm riêng để góp sức cùng chính quyền các địa phương và lực lượng y tế đương đầu với dịch bệnh.

Những bông hồng thép dốc sức, dốc lòng cùng tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Gói ghém lại tất cả những cảm xúc cá nhân, giữ vững tinh thần làm việc, chiến đấu với dịch bệnh để cứu sống bệnh nhân - Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thu Hương, một bác sĩ tại tỉnh Phú Thọ được tăng cường chi viện cho Miền Nam.

Xa nhà, xa người thân để tăng cường cho cuộc chiến chống COVID-19, không ai sợ hãi trước dịch bệnh, nhưng họ không thể không nghẹn ngào khi nhắc về nỗi nhớ con, nhớ nhà. Tuy nhiên trước số lượng bệnh nhân liên tục nhập viện, dường như thời gian dành cho nỗi nhớ ấy cũng không có nhiều.

Bếp ăn nghĩa tình

Những ngày TP Hồ Chí Minh căng mình chống lại đợt dịch thứ 4 với số ca nhiễm tăng cao cũng là lúc những chị em phụ nữ, những tình nguyện viên không kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, đã cống hiến tất cả sức khỏe, thời gian và tiền bạc, từ những công việc như đi chợ hộ, giao đồ thực phẩm đến trực chốt và khi hàng loạt những bệnh viện dã chiến được thành lập cũng là lúc hàng loạt những bếp ăn nghĩa tình cũng được hình thành… Bếp nhà B Lô CD khu dân cư An Khánh đã phục vụ y, bác sĩ suốt 3 tháng qua.

Khi 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với quy mô 12.000 giường tại khu tái định cư Bình Khánh, TP Thủ Đức, đi vào hoạt động cũng là lúc một bếp ăn nghĩa tình tại khu nhà B Lô CD ngay sát bên được lập ra.

Họ là chị Lợi - tiểu thương chợ Đo đạc; là Em Hà bán cây cảnh; là chị Vân Anh chuyên tư vấn du học; cùng rất nhiều chị em nữa phải nghỉ việc do dịch bệnh. Hơn 3 tháng qua, thay phiên nhau người thổi cơm, người nấu thức ăn, người đưa cơm… Vất vả là vậy nhưng ai cũng thấy vui vì được góp một phần công sức của mình chống dịch.

Với các chị, thời điểm hạnh phúc nhất là những lúc giao xong suất cơm trưa, suất cơm chiều và nhận được tin các bác sĩ, điều dưỡng ăn hết phần cơm của mình. Còn hôm nào bữa cơm không được ngon, ai nấy cũng cảm thấy như có lỗi. Nhưng đó cũng là động lực để họ lại tiếp tục với công việc lau, chùi, quét, dọn vệ sinh, cắt rau, chặt thịt cho kịp ngày hôm sau.

3 tháng không ngừng nghỉ của 15 con người đã làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya, vừa nấu ăn cho y, bác sĩ nhưng chưa một lần các anh chị em nói với nhau một lời than thở cũng chẳng đòi hỏi lợi lộc hơn thua, chỉ luôn thầm lặng làm việc và cống hiến. Với họ, đó cũng là sự góp sức để TP mau chiến thắng dịch bệnh, để cuộc sống trở lại bình thường.

Với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức, nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ phòng chống dịch đã tạo được dấu ấn đậm nét về hình ảnh cũng như phát huy được vai trò của phụ nữ trong tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến hết 25/9/2021, các cấp Hội phụ nữ đã huy động được nguồn lực trị giá 358,95 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh và 620 tấn hàng nhu yếu phẩm.

Những bông hồng thép dốc sức, dốc lòng cùng tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Nhiều mô hình hỗ trợ người dân trong đại dịch đã phát huy hiệu quả như "Bếp ăn 0 đồng", "Siêu thị 0 đồng", "Thực phẩm 0 đồng", "Chương trình chia sẻ yêu thương - hỗ trợ lương thực khẩn cấp", "Đi chợ hộ"; đã được triển khai.

Tuy nhiên, cũng như các lực lượng khác, đã có những mất mát và hi sinh trong cuộc chiến đấu quyết liệt với đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 25/9/2021, đã có 356 cán bộ Hội các cấp mắc COVID-19, trong đó có 33 chị đã không qua khỏi.

Những chuyến xe nghĩa tình đưa F0 xuất viện

Những ngày này, tại TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh và xuất viện ngày một nhiều hơn và những chuyến xe nghĩa tình được điều khiển bởi những tài xế trái nghề bon bon khắp ngõ ngách ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để tiếp tục đưa những người khỏi bệnh về nhà.

Những bông hồng thép dốc sức, dốc lòng cùng tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Không giấu nỗi niềm rạng rỡ vì sắp đoàn tụ với gia đình sau nhiều ngày điều trị COVID-19, ông Phạm Văn Lục, trú tại Bình Chánh, còn vui hơn nữa khi biết được Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho xe đưa về tận nhà không tốn một đồng nào.

Những chuyến xe nghĩa tình đầu tiên được Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh thực hiện chở F0 xuất viện về nhà với sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Trung tâm hồi sức Bệnh viện dã chiến số 13 triển khai từ ngày 31/7 đến nay đã đưa hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 xuất viện về nhà.

Không phân biệt giàu hay nghèo, chỉ cần nhận được thông báo có bệnh nhân xuất viện, chuyến xe sẽ di chuyển tới Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh để đón và đưa các bệnh nhân xuất viện về nhà.

Sự đóng góp của chị em phụ nữ đã góp phần rất quan trọng vào công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước