VTV.vn - Những người hùng của bóng đá Việt Nam đã về nhà và được nghỉ ngơi thực sự sau một năm đầy vinh quang và sự vất vả nhưng phía trước họ sẽ còn nhiều thử thách cam go.

14 giờ 23 phút ngày 26/1/2019, máy bay mang số hiệu VN610 hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Chuyến bay ấy vẫn diễn ra đều đặn như bao ngày trước đó, cũng như bao chuyến bay giáp Tết đưa những người con Việt Nam trở về quê hương. Nhưng trách nhiệm của nó hôm ấy thật sự đặc biệt, đó là đưa đội tuyển quốc gia Việt Nam trở về an toàn trong vòng tay của người thân và người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Vâng, những người hùng của bóng đá Việt Nam, niềm tự hào của người dân mọi miền Tổ quốc đã về nhà và được nghỉ ngơi thực sự sau một năm đầy vinh quang và sự vất vả!


Lửa thử vàng, gian nan thử sức


Nhiều năm qua, đã có không ít lứa cầu thủ trong lịch sử được dư luận phong tặng là thế hế vàng của bóng đá Việt Nam. Nhưng vàng phải được thử bằng lửa và có lẽ chưa từng có thế hệ cầu thủ nào phải chinh chiến ở rất nhiều các đấu trường từ khu vực đến châu lục trong thời gian ngắn đến vậy.

Cách đây tròn 1 năm, vào đêm Thường Châu tuyết trắng - 27/1/2018, ĐT U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo chịu thất bại trước U23 Uzbekistan ở chung kết U23 châu Á 2018 ở những giây cuối cùng. Lứa cầu thủ của Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh… trở về trong sự đón chào nồng nhiệt chưa từng có với lễ đón có thời lượng tường thuật trực tiếp kỷ lục trên sóng VTV. Lúc ấy, không ít người nghĩ đó có thể là cảnh tượng nghìn năm có một và thành công ấy là vô tiền khoáng hậu. Nhưng hôm nay, ở cái mốc 1 năm sau, các đội tuyển quốc gia Việt Nam đã mang đến cho người hâm mộ từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, chạm đến nhưng cột mốc lịch sử của bóng đá nước nhà.



"Giờ thì cả châu Á đã biết tới Bóng đá Việt Nam"


Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Tại Asiad 2018 ở Indonesia hồi tháng 8, ĐT Olympic Việt Nam lần đầu lọt vào đến vòng bán kết với những chiến thắng vang đội trước Olympic Nhật Bản hay Olympic Bahrain. Đến AFF Cup 2018 trước kỳ vọng của rất nhiều người hâm mộ, ĐT Việt Nam băng băng giành chức vô địch Đông Nam Á lần thứ 2 trong lịch sử. Và gần nhất, tại UAE, thầy trò HLV Park Hang Seo sau khi lách khe cửa hẹp vào vòng 1/8 đã giành chiến thắng nghẹt thở ở loạt penalty 11m trước ĐT Jordan để có mặt ở tứ kết Asian Cup 2019 và để thua đầy tiếc nuối trước ứng cử viên vô địch Nhật Bản. Từ Thường Châu tuyết trắng đến UAE đầy nắng, các cầu thủ Việt Nam đã làm được những điều phi thường, chạm tới trái tim của từng người hâm mộ.

Hơn thế nữa, cái tên Việt Nam đã in đậm nét trên bản đồ bóng đá châu lục thời gian qua, được truyền thông và cổ động viên quốc tế ghi nhận và dành sự quan tâm đặc biệt. Trong lễ đón đội tuyển, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh: "Giờ thì cả châu Á đã biết tới Bóng đá Việt Nam. Xin được chúc mừng ông và toàn đội đã thi đấu thật tốt và để lại hình ảnh đẹp về một đội bóng với tinh thần thi đấu kiên cường, bất khuất".

Ở một khía cạnh khác, chúng ta tự hỏi, không biết các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là những gương mặt chiến đấu ở khắp các mặt trận ấy có bao nhiêu ngày thực sự bên gia đình? Mẹ Duy Mạnh từng kể trung vệ trụ cột của các ĐT Việt Nam chỉ ngủ 2-3 đêm mỗi năm ở nhà còn Văn Lâm đang trải qua hơn 2 năm không về nước Nga. Đó là câu chuyện có thực khi chúng ta nhìn vào lịch thi đấu dày đặc của các cầu thủ.


Đội tuyển Việt Nam! Các bạn vất vả rồi, về nhà ăn Tết thôi! - Ảnh 3.

Hãy lấy trường hợp của Duy Mạnh làm ví dụ. Sau khi từ Thường Châu trở về ăn Tết Mậu Tuất 2018, cầu thủ này khoác áo CLB Hà Nội thi đấu tại V.League 2018. Giải đấu tạm nghỉ vào ngày 22/7 thì hôm sau đó (23/7), ĐT Olympic Việt Nam tập trung chuẩn bị cho Asiad và lọt tới bán kết môn bóng đá nam. Khi về Việt Nam vào ngày 4/9, Duy Mạnh cùng các đồng đội lập tức trở về CLB để tiếp tục đá V.League vào 9/9. V.League kết thúc ngày 8/10, tất cả lại bắt tay vào chuẩn bị cho AFF Cup vào ngày 11/10. Vô địch giải đấu số 1 Đông Nam Á ngày 15/12 nhưng các cầu thủ ĐT Việt Nam không có nhiều thời gian để ăn mừng với chỉ 5 ngày nghỉ để tiếp tục hướng tới Asian Cup 2019. 13 tháng – đó là quãng thời gian các cầu thủ Việt Nam đã liên tục cày ải trên hành trình hàng chục nghìn km trên khắp châu lục để đem vinh quang cho Tổ quốc.

Với biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu, hơn ai hết, ĐT Việt Nam xứng đáng được nghỉ ngơi, xứng đáng được "ích kỷ" mà dành khoảng thời gian quý báu này cho những người thân yêu nhất.

Hãy nghỉ ngơi vì ngày mai là những cuộc chiến khác


Các cầu thủ Việt Nam cũng như ban huấn luyện hẳn sẽ hiểu và quý trọng kỳ nghỉ Tết năm nay bởi phía trước họ sẽ là một năm cực kỳ vất vả. Có thể những giải đấu sắp tới không tầm cỡ như Asiad hay Asian Cup nhưng kết quả của chúng sẽ ảnh hưởng tới định hướng và vị thế của bóng đá Việt Nam đến năm 2022.

Đội tuyển Việt Nam! Các bạn vất vả rồi, về nhà ăn Tết thôi! - Ảnh 4.

Lịch thi đấu của bóng đá Việt Nam trong năm 2019

Nhưng sẽ có những con người gần như không có ngày nghỉ Tết. Đó là tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, hậu vệ Nguyễn Thành Chung và hậu vệ Hồ Tấn Tài khi 3 cái tên này được triệu tập chuẩn bị cho giải U22 Đông Nam Á 2019 (từ ngày 18/2 đến 2/3).

Sau giải đấu tại Campuchia, U22 Việt Nam sẽ tiếp tục hội quân để chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2019 tại TP.HCM (18/3 – 26/3). Tại đợt tập trung này, chúng ta sẽ có sự phục vụ của những hảo thủ như Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng và một số cầu thủ đủ tuổi khác từ ĐTQG kéo xuống.

Những gương mặt có thể phải "cày ải" ở cả ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam: Thủ môn Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Vũ Văn Thanh, Trần Đình Trọng, Phạm Xuân Mạnh, Nguyễn Trọng Đại, Nguyễn Phong Hồng Duy, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Toàn, Hà Đức Chinh

Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ nằm ở bảng K cùng Thái Lan, Indonesia và Brunei. Đây được xem là một trong những chiến dịch quan trọng nhất năm 2019. Bởi vòng loại U23 châu Á là con đường trực tiếp dẫn đến Olympic Tokyo 2020 – một giải đấu ở tầm cỡ thế giới. U23 Việt Nam sẽ có được vinh dự này nếu tiếp tục có mặt ở lượt trận bán kết giải đấu trẻ châu Á tổ chức tại Thái Lan tháng 1/2020.

Kết thúc chiến dịch vòng loại U23 châu Á, bóng đá Việt Nam cấp đội tuyển sẽ trải qua quãng thời gian "trầm lắng" kéo dài nửa năm, để dành sự tập trung tối đa cho các giải đấu quốc nội như V.League hay Cúp Quốc gia 2019.

Trong thời gian này, VFF có thể sẽ sắp xếp để ĐTQG tham dự một số trận giao hữu quốc tế khoảng giữa tháng 6 (chưa xác định thời gian và địa điểm cụ thể).

Từ ngày 2/9 đến 19/11, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào chiến dịch đầy thử thách mang tên vòng loại World Cup 2022. Trong giai đoạn này, đội bóng áo đỏ sẽ trài qua tổng cộng 6 trận đấu. Ở kỳ World Cup gần nhất, bóng đá Việt Nam đã vào tới vòng loại thứ 2 khu vực châu Á.

Cũng trong tháng 11, U22 Việt Nam sẽ đồng loạt hội quân để chuẩn bị cho SEA Games 30 tại Philippines (30/11 – 10/12). Dự kiến, đội sẽ có khoảng 30 ngày chuẩn bị cho chiến dịch "hái vàng" lần đầu trong lịch sử.

Ngay sau SEA Games 30, U22 Việt Nam sẽ trở về nước, tiếp tục tập huấn để tham dự VCK U23 châu Á 2020 (nếu vượt qua vòng loại hồi tháng 3 cùng năm) từ ngày 8/1 tới 27/1/2020 tại Thái Lan.

Nhìn lịch thi đấu dày đặc như vậy, các nhà hoạch định đang đứng trước bài toán "cân, đong, đo, đếm" giữa các giải đấu và nhân sự phù hợp. Nếu xét theo tuổi, lứa cầu thủ của Quang Hải, Văn Hậu nguy cơ phải căng sức tất cả các giải đấu trong năm 2019. Trong đó, mục tiêu vòng loại U23 châu Á và vòng loại World Cup 2022 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và là cánh cửa để bóng đá Việt Nam tiến gần các nền bóng đá châu lục và khu vực. Nếu như giải U22 Đông Nam Á 2019 được xem như sân chơi để kiểm nghiệm sức mạnh và tiềm năng của các cầu thủ trẻ sau thế hệ Công Phượng, Duy Mạnh… thì SEA Games là đấu trường mà nhiều người hâm mộ vẫn đang khát khao tấm huy chương Vàng lịch sử.

Đội tuyển Việt Nam! Các bạn vất vả rồi, về nhà ăn Tết thôi! - Ảnh 6.

Gánh nặng hiện thực hóa Giấc mộng Vàng SEA Games sẽ được đặt lên vai của thế hệ Quang Hải, Đình Trọng...

Trong các kế hoạch 2018, HLV Park Hang Seo sử dụng công thức U23 Việt Nam + các cầu thủ kinh nghiệm như Văn Quyết, Anh Đức rồi dần dần là Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải, Văn Lâm… và đều giành những kết quả tích cực. Tuy nhiên, chiến lược gia người Hàn Quốc có thể phải làm việc với 2 đội tuyển khác nhau cho từng mục tiêu khác nhau trong thời gian tới. Điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều việc xây dựng lối chơi hay kế hoạch chuẩn bị khi các giải đấu thường gối đầu nhau. Ví dụ như nếu thầy Park cầm quân ở ĐT Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022, ông chỉ có 10 ngày tập trung cùng U22 Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games 30. Thời gian ngắn ngủi ấy liệu có đủ để đảm bảo thành công cho đấu trường này?

Ngoải ra, vẫn còn một cuộc chiến quan trọng khác là các cầu thủ Việt Nam và thầy Park phải thắng, đó là cuộc chiến giữ lấy niềm tin nơi người hâm mộ. Sự tự hào, niềm sung sướng trào dâng là cảm xúc của hàng triệu CĐV Việt Nam trong năm 2018 và tại Asian Cup 2019. Nhưng không có đội bóng nào sẽ luôn thắng mãi và tất cả đều phải trải qua những giai đoạn trầm bổng. Câu hỏi đặt ra là khi thành tích không được như ý, có bao nhiêu người vẫn sẽ ủng hộ đội tuyển? Thật khó có thể trả lời. Do vậy, điều mà các cầu thủ Việt Nam cần làm vẫn là phải giữ cái đầu lạnh và trái tim nóng, nỗ lực từ sân tập đến sân thi đấu để đáp lại kỳ vọng của người hâm mộ. Chẳng phải ĐT Việt Nam đã thất bại trước Nhật Bản ở Asian Cup nhưng vẫn chiến thắng trong tim CĐV Việt Nam và bạn bè khu vực vì tinh thần chiến đấu quả cảm đó sao?

Một năm tới chắc chắn sẽ là một năm vất vả của bóng đá Việt Nam. Nhưng trước khi nghĩ tới những mục tiêu ấy, rất nhiều người muốn nhắn nhủ tới ĐT Việt Nam rằng: Các bạn đã vất vả rồi, hãy về nhà ăn Tết, nghỉ ngơi thật thoải mái và sẵn sàng tinh thần, sức khỏe vì ngày mai sẽ là những cuộc chiến khác!

Đội tuyển Việt Nam! Các bạn vất vả rồi, về nhà ăn Tết thôi! - Ảnh 7.

Mong các cầu thủ Việt Nam sẽ có cái Tết thật ý nghĩa bên người thân trước khi bước năm mới với những mục tiêu mới!

Tạ Hiển
Minh Thu
VTV News, VTV Sports, AFC, AP